Bao giờ sinh viên nội trú hết khổ?

13/11/2006 21:46 GMT+7

Chứng kiến cảnh sinh hoạt của sinh viên (SV) của 2 ký túc xá Trường TH Giao thông vận tải T.Ư III và CĐ Sư phạm TP.HCM, chúng tôi không tin nổi mắt mình! Vì ngay giữa lòng TP.HCM mà nhiều SV vẫn chịu cảnh thiếu điện thắp sáng, thiếu nước, chỗ ở quá chật chội (1,9m2/SV), thậm chí 33 SV nữ phải tắm chung 1 phòng...

KTX chỉ mở điện 6 tiếng đồng hồ!

BQL ký túc xá "chỉ" nhà trường

Ký túc xá (KTX) Trường TH Giao thông vận tải T.Ư III (số 73 Văn Cao, phường Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM) có 500 học sinh chia thành hai khu A và B, nhưng riêng khu A thì chỉ mở điện 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày khiến không ít học sinh nội trú bức xúc. Khi chúng tôi đến Ban quản lý KTX trường thắc mắc vấn đề này thì được một nhân viên trong ban quản lý "lên lớp": "Anh làm phóng viên chắc anh phải biết nội quy của tất cả các KTX ở trong nước và nước ngoài đều cho điện học sinh như vậy để phòng chống cháy nổ (?)". Nhưng khi chúng tôi hỏi cụ thể là KTX nào quy định chỉ mở điện 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày thì cô nhân viên này nói rằng cách đây... 6 năm có đi tham quan một KTX trường X và thấy rằng tình hình ở đó còn tệ hơn! Bà Vũ Thị Hòa, Trưởng ban quản lý KTX trường cho biết: "Chúng tôi đều làm theo chỉ đạo của nhà trường. Để phòng chống cháy nổ chúng tôi chỉ có thể mở điện từ 17 giờ đến 23 giờ. Nếu vào ngày chủ nhật, ngày lễ mà... mưa thì chúng tôi mới cho điện cả ngày". Tôi hỏi: "Còn nếu không mưa thì sao?" - "Không mưa thì thôi, không mưa thì có mà cho à, làm sao được!" - bà Hòa đáp ngay. Rồi thêm: "Trong những năm chúng tôi cho điện cả ngày thì các em thường đun nước và để quên gây cháy...".

"Học bài đến 23 giờ là đủ rồi"


Phó phòng công tác học sinh trường - ông Trần Khắc Hinh

Theo chúng tôi quan sát được thì khu A có 4 tầng nhưng thực tế mỗi tầng chỉ có 1 bóng đèn ở mỗi đầu hành lang. Còn lại là tối om, đặc biệt là sau 23 giờ đêm. Trong phòng có ổ điện cũng như không vì ban ngày học sinh chẳng có điện để sử dụng. "Mùa mát thì không sao nhưng gặp mùa nóng tụi mình tắm đến mấy lần một ngày, phòng không có quạt, không có đèn vì sắm cũng chẳng có điện để xài. Mình đi làm thêm đến tối mới về, mỗi lần đọc sách hay học bài phải hì hục chạy bộ xuống dưới mấy tầng. Tụi mình cũng nộp tiền 70.000 đồng một tháng như học sinh ở KTX khác nhưng lại chỉ được xài điện có mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày, như vậy là thiệt thòi rồi!" - một học sinh nội trú bức xúc nói.

Bà Hòa còn cho rằng: "Đa số học sinh ở đây là học nghề nên lượng bài không nhiều lắm, nên học đến 23 giờ là đủ rồi. Mà học đến 23 giờ đêm thì không còn hiệu quả nữa (?)". Chúng tôi nhấn mạnh: "Thế học sinh ở KTX trường không cần phải học gì thêm ngoài kiến thức trên lớp sao, nếu xuống hành lang học, vào mùa sốt xuất huyết thì sao, Ban quản lý có bảo đảm học sinh sẽ an toàn?". Bà Hòa trả lời tỉnh bơ: "Tôi tin tưởng rằng nắng sẽ diệt hết vi trùng (?), KTX chúng tôi rất thoáng và hầu như rất ít trường hợp bị sốt xuất huyết". Chúng tôi lại đặt vấn đề: "Tại sao trường khác bảo đảm được PCCC trong khi vẫn cung cấp điện 24/24 mà KTX của trường này lại chỉ cho điện 6 tiếng mỗi ngày như vậy?". Bà Trưởng ban quản lý KTX nói: "Chúng tôi cũng đảm bảo được ấy chứ, nhưng có những trường hợp các em không học, vả lại từ đầu năm đến nay chưa có ai kiến nghị gì cả (?)".

Đem vấn đề khá vô lý này trình bày với ông Lê Văn Thông - Phó hiệu trưởng nhà trường thì chúng tôi nhận được câu trả lời hoàn toàn mâu thuẫn với ý kiến ban đầu của bà Trưởng ban quản lý KTX. Ông Thông nói: "Tất cả các nội quy đó đều do Phòng công tác học sinh và BQL KTX đưa ra chứ nhà trường chúng tôi không... để ý lắm! Có lẽ sắp tới sẽ phải điều chỉnh lại cho hợp lý!". Còn ông Trần Khắc Hinh - Phó phòng công tác học sinh nói: "Nếu có điện sáng chúng nó toàn thức quậỵ chứ không học đâu. Nhu cầu dùng điện của một số em không chính đáng, các em không học nên chúng tôi không cho điện cả ngày được" !?

Không biết hàng trăm học sinh nội trú tại KTX nói trên còn phải chịu thiệt thòi bao lâu nữa?!

Thêm một “con đường đau khổ” ở làng đại học

Rất  nhiều SV bức xúc phản ánh: con đường "đau khổ" dẫn từ KTX ĐH Quốc gia TP.HCM ra bến xe buýt (thuộc ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chỉ khoảng 200 mét, nhưng đường ngày càng lồi lõm khó đi (ảnh). Nước sinh hoạt của người dân do không có cống thoát nên đã tràn ra ngoài đường, không những thế con đường này còn xuất hiện nhiều ổ voi ứ đọng nước bẩn và sóng trâu gây khó khăn cho SV đi học. Một SV nội trú KTX cho biết: "SV ở KTX hằng ngày đi bộ qua con đường này phải hít bụi, lại thường bị xe buýt chạy ngang bắn nước bùn lên áo quần, mà đường lại lồi lõm khó đi. Mỗi lần thấy SV nước ngoài ở KTX đi qua con đường này mà mình thấy ngại và quê lắm!".

Tin, ảnh: Trí Quang

33 sinh viên nữ tắm chung một phòng


Đằng sau hình ảnh "tầng tầng lớp lớp đồ phơi" là những bất tiện khó nói...
Đó là chuyện thường ngày ở KTX Trường CĐ Sư phạm TP.HCM (số 2 Nguyễn Kim, P.12, Q.5 TP HCM). Không đủ nhà tắm nên sinh viên (SV) phải tắm tập thể (cùng múc nước tắm từ một cái hồ lớn). Cả KTX có 8 phòng tắm dành cho 262 SV nữ! "Mà tắm tập thể thì phải mặc quần áo mà tắm, làm sao sạch được? Khu vực nhà tắm nữ thì lại nằm ở dãy nhà nam, mỗi lần đi tắm là bọn con trai tha hồ chọc ghẹo..." - một bạn SV nữ bức xúc. Thế nhưng, cảnh sinh hoạt của các SV nam cũng không sáng sủa cho lắm. Các bạn nam cũng chịu cảnh tắm tập thể tương tự. KTX có 3 tầng, nữ ở 2 tầng trên và nam ở tầng dưới. Khu vực nhà tắm được bố trí ở tầng dưới cùng; dù được ngăn cách tách biệt với nhà tắm nam nhưng vẫn rất bất tiện đối với các bạn nữ. Một nữ SV năm nhất tâm sự với chúng tôi: "Những ngày đầu chân ướt chân ráo vào ở KTX, cứ đến giờ cao điểm, SV chen nhau tắm, sinh hoạt phức tạp vô cùng. Giữa một TP lớn thế này mà như ở rừng vậy!".

Còn chỗ ở của SV thì sao? Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Thành Tuyền - Giám đốc KTX: "Diện tích mỗi phòng ở của SV là bao nhiêu?". Ông Tuyền dửng dưng: "KTX có 2 loại phòng (lớn và nhỏ). Diện tích mỗi phòng bao nhiêu tôi không biết"! Có mặt tại phòng số 1..., chúng tôi không khỏi giật mình, bởi diện tích phòng chỉ khoảng 50m2 nhưng chứa tới 26 SV. Tính ra mỗi SV chỉ được sử dụng 1,9m2! Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Tuyền cho biết: "Những năm trước nhà trường chưa tuyển sinh thêm các ngành mới và chỉ tuyển sinh khu vực TP.HCM nên KTX khá rộng rãi, đáp ứng chỗ ở cho tất cả SV có nhu cầu, kể cả SV nội thành. Vì thế, SV nam rất ít nên những phòng gần khu vực nhà tắm được bố trí cho SV nữ ở. Còn những bất tiện mà cụ thể là nhà tắm hay chỗ phơi quần áo là vì KTX được trưng dụng từ phòng học của Trường PTTH Hùng Vương nên không có những tiện nghi để ở. Vì dùng sai mục đích đã nhiều năm nên KTX đã xuống cấp" !

Về chuyện phơi áo quần, chúng tôi cũng được phía SV nữ thổ lộ một vấn đề tế nhị. Quần áo được phơi ở hành lang, quần áo nữ - đặc biệt là "đồ nhỏ" được phơi ở tầng trên nếu lỡ bay xuống đất, tức thuộc "lãnh địa" của các bạn nam thì coi như bỏ vì không ai dám nhặt. Khu vực phòng ở thì cúp điện từ 7 giờ sáng - 11 giờ trưa nhằm "phòng ngừa chập điện"!

Thiên Di

T.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.