Lễ đốt quỷ ở Ấn Độ

11/11/2005 21:48 GMT+7

Ngày 1/11, người dân Ấn Độ ăn mừng lễ hội Diwali - một lễ hội truyền thống lớn nhất (giống như tết Nguyên đán ở Việt Nam). Lễ hội này hằng năm được tổ chức theo một ngày nhất định dựa theo lịch Hindu.

Trước đó nhiều tuần, người ta đã chuẩn bị đón lễ, sinh viên các trường được nghỉ học 2 tuần. Để có lễ Diwali, trước đó người dân Ấn Độ đã đón lễ hội đốt quỷ (Dusshera celebration). Cả hai lễ hội này đều liên quan đến một truyền thuyết...

Trong lễ hội, thức ăn được phát miễn phí  

Ngày 12.10, tôi nhờ nhân viên khách sạn Crowne Plaza Survya ở phố New Friends Conoly hướng dẫn những địa chỉ cần đến để liên hệ công việc nhưng cô cười bảo: "Hãy để ngày mai. Mọi công sở đóng cửa vì hôm nay là ngày lễ quan trọng của đất nước chúng tôi". Tôi quyết định tìm hiểu về lễ hội này. Theo lịch Hindu, hằng năm người dân Ấn Độ đón một lễ hội lớn nhất trong năm - Lễ đốt quỷ và sau khoảng nửa tháng sẽ đến lễ Diwali. Khoảng 5 giờ chiều, mọi nơi mới bắt đầu tổ chức nhưng trước đó rất lâu người ta chuẩn bị rất kỹ, nhất là dựng ba con quỷ cao to đặt ở khu đất rộng trong làng. Tôi chọn khu Anan Niketan để dự lễ - dù cách xa khách sạn gần 30 km -  vì trước hết ở khu này có người Việt sinh sống và là một trong những khu giàu có nên khâu tổ chức cũng hoành tráng hơn. Theo truyền thuyết, chàng Ram hùng mãnh vượt qua bao đối thủ để cưới nàng Sita xinh đẹp nhưng quỷ Ravan vì say mê Sita nên quyết tâm cướp vợ của Ram. Chàng Ram bàn bạc với em trai Luxman cùng khỉ Hanuman đến cứu vợ. Tuy nhiên,  trong cuộc chiến cam go cả về trí lẫn sức, chàng Ram rất khó khăn để tiêu diệt con quỷ Ravan hùng mạnh vì mỗi khi Ram chặt đầu quỷ thì 10 cái đầu khác mọc ra. Nhưng may mắn là chàng Ram được em trai của quỷ Ravan chỉ "gót Achille" của anh mình là ở rốn, nếu đâm trúng vào rốn thì sẽ tiêu diệt được quỷ Ravan. Sau khi giết được quỷ, chàng Ram dùng lửa để đốt quỷ Ravan. Thế nên mới có lễ hội đốt quỷ (hay còn gọi là lễ ánh sáng - Festival light). Vào ngày lễ đốt quỷ, từ sáng sớm trẻ em của những gia đình nghèo đã ăn mặc tươm tất để đến các gia đình giàu xin tiền hoặc bánh ngọt. Những chàng trai trong làng được phân công để chuẩn bị từ việc trang trí các con quỷ bằng hình nộm sao cho bắt mắt nhất đến việc chuẩn bị pháo hoa... Tùy từng nơi và trí tưởng tượng của mỗi người mà con quỷ to nhỏ khác nhau (trung bình cao từ 15 - 20 mét). Khoảng 5 giờ chiều, lễ hội bắt đầu nhưng mọi người, nhất là trẻ em tập họp rất sớm. Một người được hóa trang cầm chảo (có lửa) đi quanh để cầu an và bỏ tiền vào chảo (phần không có lửa) - tùy lòng hảo tâm. Tôi cũng cầu cho mình được may mắn và bỏ vào chảo 50 rupees (khoảng 16.000 đồng Việt Nam). Sau đó, một đoàn được hóa trang đầy đủ (từ chàng Ram đến con quỷ và những người khác) diễu hành trong khu làng và kéo đến trung tâm - nơi tiến hành buổi lễ. Một truyền thuyết được dựng lại qua vở kịch, sau đó kéo lại nơi ba hình nộm quỷ để chạy nhảy xung quanh. Tiếp đến là màn đốt 

Đêm hội bừng sáng trong pháo hoa và ánh lửa

và bắn pháo hoa. Ấn Độ không cấm đốt pháo nên trong dịp này mọi người đốt pháo rất nhiều. Chương trình đốt pháo hoa  rất đẹp mắt kéo dài khoảng 30 phút. Cuối cùng, những người được nể trọng trong làng dùng cung bắn vào 3 hình nộm quỷ. Sau đó, người ta đốt quỷ (trong con quỷ có gắn pháo hoa và pháo nổ nên nghe rất vui tai, đẹp mắt). Buổi lễ kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ. Theo truyền thuyết, sau nửa tháng, Ram sung sướng đưa vợ trở về, dân làng thắp đèn chào mừng. Và lễ Diwali để chào mừng ngày chàng Ram đưa vợ trở về.

Anh Ngọc công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ bảo rằng, tôi rất may mắn khi đi công tác vào đúng dịp này vì được chứng kiến một lễ hội truyền thống lớn nhất Ấn Độ.

 

 

 

Lê Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.