Không có nước Mỹ da đen hay da trắng

08/11/2008 09:58 GMT+7

Tôi được mời phát biểu tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004 ở Boston, từ lúc đó tôi bắt đầu được cả nước chú ý. Thật ra chuyện tại sao tôi được chọn làm người phát biểu chính cho đến giờ vẫn là điều khó hiểu với tôi.

Lần đầu tiên tôi gặp Thượng nghị sĩ John Kerry (ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm đó) là sau kỳ bầu cử sơ bộ ở Illinois khi tôi đề cập tới những người vận động gây quỹ của ông và cùng ông đến dự một buổi vận động để nói về tầm quan trọng của các chương trình dạy nghề. Một buổi chiều, khi tôi đang từ Springfield quay về Chicago để tham dự một lễ vận động vào buổi tối thì người phụ trách chiến dịch vận động của Kerry gọi điện báo tin.

Điều tốt đẹp nhất của tinh thần Mỹ

Trước đó tôi mới tham dự Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ một lần, đó là đại hội năm 2000 ở Los Angeles. Tôi không định đi vì vừa thất bại trong cuộc tranh cử vào hạ viện liên bang. Tuy nhiên đến phút cuối, vài người bạn và người ủng hộ thuyết phục tôi đi cùng họ.

Họ bảo tôi: “Anh phải quen với mọi người trong cả nước, để còn tranh cử lần nữa - và dù sao thì đi cũng vui. Cuối cùng tôi cũng xiêu lòng và đặt vé máy bay đi L.A. Khi hạ cánh, tôi đi xe buýt đến một điểm cho thuê xe của Công ty Hertz. Tôi đưa cho người phụ nữ đứng sau quầy chiếc thẻ tín dụng American Express, sau vài phút người phụ nữ quay lại, nét mặt lộ vẻ bối rối: “Tôi rất tiếc, thưa ông Obama, nhưng thẻ của ông không được chấp nhận”.

Sau nửa giờ nói chuyện điện thoại, một người phụ trách ở American Express đã tử tế bảo lãnh cho tôi thuê xe. Nhưng đây mới là điềm báo đầu tiên của một loạt chuyện xảy ra sau đó. Vì không phải đại biểu nên tôi không có thẻ vào tòa nhà; theo chủ tịch Đảng Dân chủ Illinois thì ông bị nhiều người nhờ vả xin vào lắm nên ông chỉ có thể cho tôi thẻ ra vào khu vực diễn ra đại hội thôi. Thế là tôi phải xem hầu hết các bài phát biểu trên nhiều màn hình tivi, tòa nhà rõ ràng không dành cho tôi. Đến tối thứ ba, tôi nhận thấy sự có mặt của mình chả giúp ích cho bản thân cũng như cho Đảng Dân chủ nên sáng thứ tư tôi đáp chuyến bay đầu tiên trở về Chicago.

Cứ nghĩ tới chuyện lúc trước chỉ là một kẻ đứng ngoài cổng đại hội, giờ lại là người phát biểu chính, tôi không khỏi lo ngại mình sẽ gặp chuyện gì đó ở Boston. Vài ngày sau cú điện thoại, tôi trở về phòng khách sạn ở Springfield, viết ra giấy một số ý sơ lược cho bài phát biểu trong lúc ngồi xem bóng rổ trên tivi. Tôi liệt kê ra một danh sách những vấn đề có thể sẽ đề cập - y tế, giáo dục, chiến tranh ở Iraq. Nhưng tôi suy nghĩ nhiều hơn cả về tiếng nói của những người tôi đã gặp trên đường tranh cử.

Tôi nhớ đến Tim Wheeler và vợ ông ở Galesburg đang cố tìm cách làm thế nào để cậu con trai của họ được ghép gan. Tôi nhớ đến một thanh niên ở East Moline tên Seamus Ahern đang trên đường đến Iraq - khát khao muốn phục vụ đất nước của cậu, ánh nhìn tự hào và nét e ngại trên khuôn mặt bố cậu. Tôi nhớ đến một phụ nữ da đen trẻ tôi gặp ở East St. Louis - tôi không nhớ nổi tên cô - đã kể cô phải nỗ lực thế nào để đi học đại học trong khi cả nhà cô không ai tốt nghiệp được phổ thông.

Trong phát biểu chiến thắng trước đám đông 125.000 người ở Chicago hôm 4-11-2008 sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, Barack Obama tuyên bố: “Sự thay đổi đã đến với nước Mỹ”. Vang vọng từ bài diễn văn “Tôi đã lên đỉnh núi” của lãnh tụ phong trào dân quyền Mỹ Martin Luther King, Barack Obama nói: “Con đường phía trước sẽ còn dài, dốc núi còn cao. Có thể chúng ta sẽ không đến đó trong một năm, thậm chí trong một nhiệm kỳ, nhưng nước Mỹ chưa bao giờ hi vọng như đêm nay rằng chúng ta sẽ tới đích”.
Điều làm tôi xúc động không chỉ là nỗ lực, cố gắng của họ mà đó là vì họ có tinh thần quyết tâm, sự tự tin, lòng lạc quan vô tận trước khó khăn. Tôi nhớ đến những từ mà mục sư  Jeremiah A. Wright Jr. đã từng nói trong một buổi thuyết giáo: sự táo bạo khi hi vọng.

Tôi nghĩ đó chính là điều tốt đẹp nhất của tinh thần Mỹ. Nó thể hiện khi chúng ta dám tin rằng một đất nước đang bị chia rẽ bởi mâu thuẫn sẽ tìm lại được tình cộng đồng cho dù mọi thứ đều chứng tỏ điều ngược lại, rằng chúng ta luôn nắm được - và do đó có trách nhiệm - vận mệnh của mình cho dù chúng ta có thể gặp thất bại, mất việc làm, bị đau ốm hay có tuổi thơ gian khó. Tôi nghĩ sự táo bạo đó đã giúp chúng ta kết thành một dân tộc. Tinh thần hi vọng lan tỏa đó đã giúp gia đình của riêng tôi gắn bó với nước Mỹ rộng lớn, và cuộc sống của riêng tôi gắn bó với cuộc sống của những cử tri đã bỏ phiếu cho tôi. Tôi tắt tivi và bắt tay vào viết.

Vẫn phải có lời cảnh báo

Khi tôi gặp ai đó lần đầu tiên, đôi khi họ trích lại một câu trong bài phát biểu của tôi hồi Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004, nghe vang như một hợp âm: “Không có nước Mỹ da đen hay da trắng, nước Mỹ Latin hay châu Á - chỉ có một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Đối với họ, câu nói này chính là hình ảnh cuối cùng của nước Mỹ - một nước Mỹ đúng như cam kết của mục sư Martin Luther King rằng mọi người phán xét chúng ta không phải qua màu da mà qua tính cách.

Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tin rằng nước Mỹ sẽ như thế. Là con của một gia đình có bố da đen và mẹ da trắng, sinh ra ở một nơi toàn dân di cư đủ màu da ở Hawaii, có em gái mang nửa dòng máu là Indonesia nhưng thường bị nhầm là người Mexico hoặc Puerto Rico, có em rể và cháu gốc Trung Quốc, nên mỗi khi gia đình sum họp vào Giáng sinh thì không khác gì cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tôi chưa bao giờ phải chọn xem nên trung thành với màu da nào hay đánh giá giá trị bản thân qua màu da của mình.

"Đêm nay, chúng ta hội tụ về đây để khẳng định sự vĩ đại của đất nước chúng ta - không phải nhờ chiều cao các tòa nhà tráng lệ của chúng ta, không phải nhờ sự hùng mạnh của quân đội chúng ta, cũng không phải nhờ sự lớn mạnh của nền kinh tế chúng ta. Niềm tự hào của chúng ta dựa trên một tiền đề rất cơ bản, đã được tóm tắt trong tuyên ngôn đã có từ hơn 200 năm trước: Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng"

Hơn nữa, tôi tin rằng một trong những nét đặc trưng của nước Mỹ là nó có khả năng chấp nhận thành viên mới, có thể tìm ra tính cách riêng của dân tộc từ đám đông hỗn loạn di cư đến bờ biển đất nước. Về chuyện này, chúng ta được cổ vũ bởi hiến pháp với ý tưởng cơ bản là dù chúng ta đã từng là nô lệ đi nữa thì chúng ta vẫn là các công dân được luật pháp đối xử công bằng, và bởi hệ thống kinh tế, hơn bất cứ hệ thống kinh tế ở nước nào khác, sẵn sàng tạo cơ hội cho tất cả mọi người bất kể vị trí xã hội.

Nhưng khi tôi nghe các nhà bình luận diễn giải câu nói đó của tôi thành chúng ta đã tiến tới một “nền chính trị hậu phân biệt chủng tộc” hay chúng ta đang sống trong một xã hội không phân biệt màu da, tôi thấy vẫn phải có lời cảnh báo.

Chúng ta đều biết kết quả thống kê: hầu như tất cả chỉ số kinh tế - xã hội, từ tỉ lệ sống của trẻ sơ sinh cho đến tuổi thọ trung bình, từ số người có việc làm đến số người sở hữu nhà riêng, cộng đồng người da đen và người Mỹ Latin đều bị tụt lại rất xa so với người da trắng.

Trong các ban lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ, nhóm người thiểu số có rất ít đại diện. Trong thượng viện liên bang, chỉ có ba người Mỹ gốc Latin và hai người Mỹ gốc Á (cả hai đều của bang Hawaii), và khi tôi viết những dòng chữ này thì tôi là thành viên người Mỹ gốc Phi duy nhất trong thượng viện. Nói rằng thái độ phân biệt chủng tộc không có vai trò trong sự chênh lệch này không khác gì nhìn vào lịch sử, nhìn vào quá khứ bằng con mắt mù quáng, và cũng như đang thoái thác trách nhiệm phải giải quyết vấn đề sao cho tốt đẹp hơn.

Theo BARACK OBAMA (Nguyễn Hằng - Báo Tuổi Trẻ dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.