Nghề bảo mẫu - Kỳ 5: Nỗi niềm bảo mẫu

23/10/2009 11:09 GMT+7

Làm bảo mẫu được vài ngày, tôi bắt đầu quen với ánh mắt nghi ngại của một số phụ huynh mỗi lần đến đón trẻ. Họ kiểm tra, không bỏ sót dù một vết xước nhẹ và không ít người nhìn chúng tôi bằng đôi mắt dò xét, ngờ vực.

Nghề của người nghèo

Sinh năm 1979, có bốn năm giữ trẻ, điều ám ảnh đối với Hiền, bảo mẫu tại một trường mầm non tư thục ở Gò Vấp, TP.HCM là chuyện “làm nghề này bị người ta coi như ôsin”. Cho ăn chậm, vệ sinh không kịp, bị chủ trường cằn nhằn. Trẻ khóc đêm, về nhà không chịu ăn, nổi nhiệt trong miệng hay mẩn ngứa thì tội lỗi đều đổ lên đầu cô bảo mẫu... Hiền kể: “Lắm lúc bị phụ huynh hoạnh họe, thấy những mệt mỏi, cực nhọc của mình vô nghĩa quá, chẳng có ai ghi nhận”.

Nhà Hiền có tới bảy chị em gái. Bố mất sớm, mẹ đã già, chị em Hiền phải tự kiếm nghề nuôi thân dù đang tuổi đi học. Hiền được người họ hàng xin cho một chân ở lớp trẻ mầm non với đồng lương chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Cô chính thức bước vào nghề bảo mẫu từ đó, bắt đầu làm quen với cuộc sống mỗi ngày 12 giờ lo chuyện ăn ngủ của mấy chục đứa trẻ xa lạ. Đến nay, đồng lương của Hiền chưa tới 1,4 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ giúp Hiền trang trải cuộc sống của bản thân và giúp mẹ được một ít, còn ước mơ dành dụm thêm chút tiền để đi học một nghề đàng hoàng vẫn còn bỏ ngỏ.

Câu chuyện được các bảo mẫu quan tâm nhất là đồng lương. Mức lương trung bình của bảo mẫu ở những lớp mầm non tư thục và nhóm trẻ gia đình mà tôi có dịp làm việc không quá 1,4 triệu đồng/tháng. Đồng nghiệp của tôi thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, ai cũng có gánh nặng gia đình. Họ là những cô gái quê lên thành phố với ước mơ dành dụm được ít tiền lo cho bản thân và gia đình, nhưng số lương trả cho công sức của họ thật không thấm vào đâu.

Đi học... kinh nghiệm

“Làm gì khi trẻ không nghe lời?”, “Làm sao để trẻ nhanh biết tên cô?”, “Làm sao để trẻ chịu ăn đúng bữa?”... Những bí quyết tưởng chừng ai cũng biết được lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cô nuôi dạy trẻ do Trường đại học Sài Gòn tổ chức vào chủ nhật hằng tuần đem ra bàn bạc, mổ xẻ, rút kinh nghiệm.

Các cô bảo mẫu đủ lứa tuổi, có người đã chăm trẻ cả chục năm, có người mới chập chững vào nghề, tìm đến lớp học này để hệ thống hóa kiến thức nuôi dạy trẻ và chia sẻ kinh nghiệm trong nghề. Chỉ với 1 triệu đồng học phí, lớp học cấp tốc sáu tháng dành cho bảo mẫu này luôn thu hút học viên là những phụ nữ muốn theo nghề bảo mẫu tại các trường mầm non.

Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Sài Gòn là những nơi thường xuyên mở lớp đào tạo nghiệp vụ nuôi dạy trẻ, mỗi lớp kéo dài sáu tháng, học vào ngày chủ nhật. Ngoài ra, phòng giáo dục các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và chuyên môn cấp tốc cho bảo mẫu, học vào buổi tối các ngày trong tuần.

Nhưng không phải cô bảo mẫu nào cũng có điều kiện về học phí và thời gian để đến với các lớp học.

Nghề bảo mẫu lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật: bệnh lây từ trẻ, bệnh đau đầu (vì phải làm việc trong môi trường căng thẳng và ồn ào), cô bảo mẫu nào cũng kêu đau nhức mình mẩy sau một thời gian gắn bó với nghề. Một thông tin tôi có được từ các cô bảo mẫu: hầu hết những bảo mẫu được kiểm tra tâm lý đều cho thấy họ bị nhiều dạng bệnh tâm thần tiềm ẩn, do hoàn cảnh công việc tác động khiến họ dễ “nổi xung” trong một số trường hợp.

Làm cùng với tôi ở nhóm trẻ TH là T., có hơn một năm làm bảo mẫu. T. sinh năm 1988, quê Nam Định, cô nói với tôi đã học xong lớp 9, nhưng theo lời cô chủ trường thì T. “đến tên nó còn không biết đọc, nghe đâu nghỉ học từ hồi lớp 4”. Nghe tôi than thở kêu mệt và thường đứng như trời trồng khi trẻ không chịu ăn, T. dặn tôi với giọng phớt đời: “Làm vài ngày là quen. Không chịu ăn cứ bóp mồm nhét vào rồi cũng xong hết”. Sau một năm làm việc, lương của T. được nâng từ 1,2 triệu lên 1,3 triệu đồng. Thỉnh thoảng làm vỡ ly, chén hoặc hỏng đồ T. còn bị trừ tiền. Như vậy mỗi ngày làm việc quần quật T. chỉ kiếm được 40.000 đồng.

Nằm mơ cũng thấy cháu

Sau hai ngày làm việc, T. rủ tôi về nhà trọ cho biết nơi ở. Cô tâm sự chuyện gia đình: “Ở ngoài kia làm không đủ ăn nên đứa bạn kêu vào đây làm bảo mẫu. Bố mẹ già rồi, làm ruộng khổ lắm mà chả được mấy. Vào trong này mỗi tháng vẫn cố gắng gửi được về nhà 500.000 đồng.

Tháng này bị ốm, đỏ mắt, cô chủ trường bắt nghỉ phép bốn ngày để khỏi lây sang trẻ nhưng vẫn bị trừ lương 200.000 đồng, lại còn phải mua thuốc nên không có tiền gửi về nhà”. Có hôm đang cho trẻ ăn, T. ủ rũ than: “Mấy ngày nay hết sạch tiền, may có mấy bà ở chung phòng mua cơm hộp cho ăn, không thì chả biết sức đâu mà dỗ mấy đứa nhỏ, sáng nay chưa ăn gì nên lả cả người”.

Hỏi T. sao cực khổ vậy mà không chọn một nghề nào khác, cô giải thích: “Mấy lần chán tính bỏ nghề này nhưng rồi quay lại vì không làm nữa thì nhớ bọn trẻ lắm”. Màn hình điện thoại của T. là ảnh các bé ở trường đang quây quần bên cô bảo mẫu, chắc T. nhờ ai đó chụp giùm. Mỗi lần tôi ghé nhà trọ, T. thường kể chuyện hôm nay bé Bi ở lớp nói chuyện gì “mắc cười”, hôm qua mặc quần cho nhỏ My lóng ngóng thế nào lại cho hai chân vào một ống quần. T. kể vui vẻ và nhẹ nhõm như chưa từng có những trận “hỗn chiến” ở trường, như quên hết những mệt mỏi, cực nhọc của 12 giờ làm bảo mẫu mỗi ngày.

Cô bảo mẫu tên L., 35 tuổi, có kinh nghiệm làm bảo mẫu bốn năm nhưng tiền lương của L. chỉ có 1,2 triệu đồng/ tháng. Con trai cô học tại trường mà mẹ đang làm bảo mẫu, đóng học phí 400.000 đồng, nên lương của cô mỗi tháng chỉ còn vỏn vẹn 800.000 đồng. L. kể cô quê ở Quảng Ngãi, có hai đứa con thì một đứa ở quê với bố, một đứa theo mẹ vào Nam làm lụng.

Trước L. cũng làm ruộng, buôn bán nhỏ, làm đủ nghề để kiếm sống những vẫn không đủ ăn. “Ở Sài Gòn này không có bằng cấp thì lương bảo mẫu chỉ được chừng 1,2 triệu đồng thôi, ít khi được hơn lắm. Trừ tiền cho con học, còn có 800.000 đồng phải ăn tiêu dè sẻn để phòng khi con đau ốm”. Kể về đứa con nhỏ đang ở ngoài quê, L. rơm rớm: “May mà chăm mấy chục đứa nhỏ ở đây cực nhưng có cái vui, bận rộn nên cũng nguôi ngoai, chứ ban đầu nhớ con lắm. Tết không có tiền về thăm con, khóc hết nước mắt”.

Biết tôi có ý định bỏ nghề, L. khuyên: “Nghề này phải có duyên số mới làm được, em ạ. Em mà ngại dơ dáy, chê lương thấp và không chịu cực được thì thôi, nên kiếm nghề khác mà làm. Chị làm mấy năm nên giờ bị ám vào người rồi, đêm còn nằm mơ thấy đứa này tè dầm, đứa kia ói ra sàn, tỉnh dậy mò xung quanh mới biết không phải. Phải có lòng yêu trẻ mới trụ được em ạ. Lắm người chỉ làm được vài ngày đành cao chạy xa bay, có người không chịu được tiếng ồn nên bị váng vất đâm ốm rồi cũng bỏ nghề luôn”.

Theo Lưu Trang / Tuổi Trẻ

Tại khu nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhóm trẻ gia đình như một nhu cầu “căng thẳng” đối với công nhân, nhất là vào mùa tăng ca. Nhu cầu lớn nên đồng nghiệp của tôi thường nói đùa: “Thất nghiệp thì đi làm bảo mẫu!”.

>> Kỳ 1: Cảnh đông con
>> Kỳ 2: Cuộc "hành xác"
>> Kỳ 3: Vú em chuyên nghiệp
>> Kỳ 4: Ngón nghề 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.