Đầu tư nước ngoài vào VN: Cơ hội nhiều hơn thách thức

11/11/2008 18:07 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của ông Nguyễn Chí Dũng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở Hội nghị đầu tư quốc tế tại VN (diễn ra vào chiều 11.11, tại TP.HCM), được tổ chức bởi Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế và tập đoàn Vinacapital.

FDI tăng mạnh nhưng giải ngân chậm

Tham dự và chủ trì hội nghị có nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng nhiều thứ trưởng các Bộ, ngành và Lãnh đạo UBND các tỉnh thành phố cùng hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Mỹ Hoa cho biết, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN (FDI) trong năm 2008 có thể đạt trên 50 tỉ USD. Đó là mức kỷ lục và là một trong những điểm sáng nổi bật trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế VN đang chịu ảnh hưởng chung của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý là việc FDI có xu hướng chuyển dịch từ lĩnh vực dịch vụ sang công nghiệp.

Tuy nhiên, trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã ít nhiều ảnh hưởng đến vấn đề giải ngân vốn. Do vậy đòi hỏi cần phải nỗ lực hơn nữa trong năng lực hấp thụ vốn. Hiện tại, triển vọng năm 2008 số vốn FDI thực hiện có thể đạt hơn 10 tỉ USD.

Lý giải cụ thể hơn, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo, từ tháng 1 - 10.2008, FDI đăng ký đạt trên 59,3 tỉ USD, gấp 3 lần tổng vốn FDI đăng ký của năm 2007. Hiện tại, vốn đầu tư thực hiện đạt 9,1 tỉ USD, tăng 13% so với năm ngoái. Đến nay, FDI chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1,42 triệu lao động trực tiếp, tạo ra nhiều ngành nghề mới, du nhập những công nghệ hiện đại.

Đánh giá tình hình khó khăn chung của nền kinh tế VN từ đầu năm 2008 đến nay, ông Dũng nhận xét, cho dù chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có một số biểu hiện xấu như: giá vật tư quan trọng cho sản xuất tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng, tổng kim ngạch nhập khẩu và nhập siêu tăng cao, tổng dư nợ của nền kinh tế đều tăng cao hơn nhiều so với các năm trước cùng với đó là thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Trước những khó khăn trên Chính phủ VN đã đề ra và thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... với 8 nhóm giải pháp. Chính vì vậy mà tốc độ tăng giá đã chậm lại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh với xu hướng giảm trong những tháng còn lại của năm. Cân đối ngoại tệ được bảo đảm cùng với đó là tỷ số VND đã ổn định so với các ngoại tệ khác.

Theo ông Dũng, trong tương lai, đặc biệt là năm 2009, VN sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn do tác động của cuộc suy thoái kinh tế tại Mỹ, giá dầu mỏ biến động khó lường. Song cơ hội đầu tư tại VN vẫn nhiều hơn thách thức.

Nên đầu tư trung và dài hạn

Thời gian tới, VN sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút vốn FDI vào những lĩnh vực: sản xuất vật liệu mới, nguồn năng lượng mới, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, cảng biển, điện nước, xây dựng các khu công nghiệp, đô thị...

Cùng với những kết luận trên, ông Dũng cũng nêu ra 2 vấn đề cần lưu ý của FDI vào VN trong thời gian tới. Thứ nhất là những việc liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống luật pháp, thủ tục hành chính... mà Chính phủ VN cần đẩy nhanh hơn nữa tiền trình khắc phục, để các dự án FDI hoạt động hiệu quả.


Ông Alain Cany (phải) trao đổi tình hình đầu tư bên ngoài hội nghị - Ảnh: T.Trung

Thứ hai là những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước với hoạt động FDI khi đã có nhiều lo ngại từ phía các chuyên gia kinh tế và các cơ quan quản lý Nhà nước VN. Ví dụ như: ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, sử dụng không hiệu quả các nguồn tài nguyên, cấp phép đầu tư ồ ạt, phá vỡ quy hoạch.

Một khía cạnh khác của vấn đề hội nhập kinh tế toàn cầu để thu hút FDI, Thứ trưởng Bộ Công thương - ông Lê Dương Quang chỉ ra rằng, sau hơn 2 năm gia nhập WTO, với nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết về việc cắt giảm hàng rào thuế quan đã tạo dựng được một thể chế kinh tế vĩ mô ổn định, thể chế kinh tế khuyến khích cạnh tranh lành mạnh... đã tạo điều kiện tiền đề then chốt cho việc thu hút vốn FDI. Nền kinh tế VN vẫn đang phát triển tích cực và không bị ảnh hưởng bởi những cam kết WTO.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên hiện tại dù đã thu hút được vốn FDI nhưng cơ cấu vốn đầu tư theo ngành nghề còn chưa phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, nếu FDI đầu tư trung và dài hạn vào VN cơ cấu đúng với ngành nghề và vùng miền trong chiến lược phát triển quốc gia sẽ giúp VN vươn tới một nền kinh tế ngày càng thịnh vượng.

Ở thái cực còn lại, ông Don Lam - Tổng giám đốc tập đoàn Vinacapital tán thành những nhận xét trên. Theo nhận xét cá nhân, ông Lam cho rằng, mặc dù trong thời gian suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, mà VN phải chịu ảnh hưởng phần nào, vẫn có một số ít các nhà đầu tư rút vốn ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, theo ông đó chỉ là những nhà đầu tư mở, với nguồn đầu tư tập trung vào các trái phiếu. Còn lại, nhiều nhà đầu tư trung và dài hạn đều vẫn đang cam kết gắn bó với thị trường.

Tuy nhiên, trao đổi bên ngoài hành lang hội nghị, ông Don Lam thừa nhận rằng, hiện tại điều trăn trở của các nhà đầu tư nước ngoài tại VN là lãi suất vốn vay hiện nay vẫn còn khá cao. Nếu giải quyết được vấn đề này thì sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư đi vào hoạt động.

Hiện tại, tình hình kinh tế trong thời gian tới vẫn sẽ rất khó dự đoán do cả thế giới vừa trải qua một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ. Kết luận của ông Alain Cany - Chủ tịch hiệp hội thương mại châu u cho rằng, trong kinh doanh bao giờ cũng có 50% thành công hoặc 50% thất bại. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu hiện nay, kinh tế VN sẽ còn bị ảnh hưởng từ nay đến sang năm, trong đó các vấn đề cần lưu ý là lạm phát hay xuất khẩu giảm...

Tuy nhiên, với các chính sách mà Chính phủ VN đã thực hiện, tình hình khó khăn chắc chắn sẽ qua đi trong thời gian tới. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài nên có cái nhìn trung và dài hạn vào thị trường đầy tiềm năng tại VN.

Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.