Đà Nẵng: Doanh nghiệp dân doanh loay hoay tiếp cận vốn

29/11/2007 09:27 GMT+7

(TNO) Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư Đà Nẵng, hiện thành phố này có gần 8.200 doanh nghiệp dân doanh (DNDD). Số lượng DNDD tăng cao mỗi năm. Cụ thể, năm 2006 tăng 1.910 DN, năm 2007 tăng 1.719 DN. Chiếm số lượng áp đảo, lẽ ra DNDD sẽ là “khách hàng ruột” của các ngân hàng (NH), song trên thực tế, vấn đề lại không giản đơn như thế.

Những rào cản của DN

Khu vực kinh tế dân doanh do xuất phát điểm ra đời từ những cá thể, nguồn lực tài chính yếu ớt, tài sản thế chấp không nhiều, thiếu hiểu biết về thủ tục vay vốn, không biết cách lập dự án nên nếu được NH chấp thuận, họ cũng sẽ vay được những món tiền nhỏ không “thấm tháp” vào đâu so với nhu cầu. Hiện nay, có 4 kênh cho DNDD vay: vay NH và các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, huy động xã hội (chủ yếu là vay nóng lẫn nhau) và tự tích lũy nhưng hầu hết cộng đồng DNDD đều “kêu” cửa nào cũng quá hẹp đối với họ. Những thủ tục NH thường đặt ra khi vay vốn như thế chấp tài sản, dự án vay có tính khả thi, kinh doanh liên tục có lãi… đã trở thành rào cản trong việc tiếp cận vốn vay đối với DNDD.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Phước Tiến bức xúc: “DN chúng tôi tồn tại và phát triển đã hơn 12 năm, doanh số hằng năm đều đạt trên 100 tỷ đồng. Khi vay tiền NH, chưa bao giờ chúng tôi chậm trễ kỳ hạn trả nợ, với những DN làm ăn bài bản như thế, tại sao chúng tôi không được vay tín chấp?”.

Năm 2004, một Quỹ quốc tế của Đan Mạch đồng ý cho Việt Nam vay với số tiền lên đến cả triệu USD, với lãi suất ưu đãi từ 1-3%/năm, Công ty Phước Tiến đã nằm trong “tầm ngắm” khi đã hội đủ tất cả những điều kiện được vay 1 triệu USD của tổ chức này, nhưng khi ra Hà Nội làm thủ tục, không đáp ứng được sự “nhũng nhiễu” của những cơ quan liên quan, Công ty Phước Tiến đành “ngậm ngùi” để tuột tay cơ hội tiếp cận một nguồn vốn lớn mà có “nằm mơ” cũng không thấy. Nhiều DN tỏ ý thất vọng về cách định giá của NH có khoảng cách quá xa với giá trị thực tài sản của họ. Mặt khác, cùng một tài sản đó, các NH lại định giá hoàn toàn khác nhau. Kết quả DN không được vay với số tiền mong muốn.

Vướng mắc của NH

DNDD dù hoạt động trên lĩnh vực nào cũng rất cần vay vốn. Ảnh: T.H

Trên thực tế, cơ hội cho DNDD tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngày càng được mở ra. Ông Nguyễn Hữu Cộng, Giám đốc NH Eximbank Đà Nẵng cho biết: “Một thành phố gần 800 nghìn dân mà đã có 40 tổ chức tín dụng với 150 điểm giao dịch. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các NH đồng nghĩa với việc các NH trải thảm đỏ mời gọi người vay”.

Một lãnh đạo NH khác cho biết, hầu hết, vốn thực của DNDD luôn thấp hơn số vốn đăng ký, NH luôn “ngán ngẩm” trước tình trạng thiếu minh bạch trong hồ sơ sổ sách, thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng dự án… Chỉ tiêu đặt ra, buộc cán bộ NH phải cho vay đủ doanh số, kế hoạch hằng tháng. Tuy nhiên, vụ án Trần Thái Vũ ở Đà Nẵng dùng sổ giả vay tiền lừa đảo hàng tỷ đồng gây xôn xao dư luận, một số DN thiếu thiện chí trả nợ, bỏ trốn cũng gây ra một áp lực tâm lý rất lớn, làm các NH “chùn tay” không dám mạnh dạn cho vay.

DNDD Đà Nẵng đã khó càng khó hơn khi phải thường xuyên đối mặt với bão lũ. Rất nhiều DNDD hiện nay vẫn chưa gượng dậy được sau cơn bão dữ số 6 từ năm ngoái. Đầu tháng 11, trong một cuộc đối thoại với chính quyền thành phố, giới DNDD đã kiến nghị với Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đề nghị các NH có buổi gặp gỡ với DN để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn chưa thực hiện được như khoanh nợ, giãn nợ…

Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh rằng, việc phát triển khu vực dân doanh bao giờ cũng mang lại sự bền vững cho nền kinh tế. Bởi lẽ, cộng đồng DN này là nơi giải quyết tốt nhất, sâu sắc nhất nhân lực lao động dư thừa trên mọi vùng miền, có khả năng thích ứng trước những cú sốc kinh tế, sản phẩm hàng hóa đa dạng và khi gặp biến cố, độ phân tán rủi ro sẽ thấp hơn khu vực DN Nhà nước rất nhiều.

Chính phủ đã ban hành NĐ90/2001/NĐ-CP hỗ trợ hoạt động DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, khoảng cách cho vay đối với khu vực này vẫn còn hạn chế. Về lâu dài, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới thể chế, sửa đổi các chế độ về thuế, kế toán phù hợp với quy mô, trình độ quản lý của cộng đồng này. Đồng thời, tạo điều kiện giám sát, đánh giá hoạt động, nhất là tình hình tài chính của DN, để trên cơ sở đó, việc xem xét cho vay của NH sẽ thuận lợi hơn. Do ở trong vùng rốn lũ, năm nào cũng bị thiệt hại vì bão lụt nên giới DNDD ở Đà Nẵng đều tha thiết đề nghị Chính phủ nên sớm xúc tiến một nguồn quỹ giúp DN bị thiên tai. Về phía DNDD, cần có một người chuyên trách am hiểu về thủ tục, cách thức tiếp cận những nguồn vốn trong lẫn ngoài nước để tham mưu, tư vấn cho DN, tránh tình trạng loay hoay như bấy lâu nay.

Ông Ngô Lành, Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Dư nợ cho vay khu vực kinh tế dân doanh chiếm đến 79-80% trong tổng dư nợ cho vay của NH chúng tôi. Hiện nay, đang nảy sinh một thực tế, hầu hết các NH ở Đà Nẵng đều đang thừa vốn, tất cả đều muốn cho vay để tăng trưởng kinh tế nhưng nhiều DN ở Đà Nẵng ít có năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh tế thấp, thiếu những dự án khả thi nên không hấp dẫn được các nhà tài trợ vốn. Theo thông lệ quốc tế, mức độ đánh giá tiêu chuẩn khách hàng ngày càng khắt khe hơn, nên việc đáp ứng các điều kiện để vay tín chấp đối với DN là rất khó. Với những rào cản và vướng mắc như thế, nên thực tế đã diễn ra tình cảnh DN cần vốn, NH cần cho vay nhưng cả hai đều vẫn loay hoay tìm đường đến với nhau”.

Thu Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.