Săn lùng nhạc công

13/11/2010 20:37 GMT+7

Khi đã chán ngán vì nghe nhạc thiếu cảm xúc (ca sĩ toàn "hát" với đĩa), nhu cầu nghe "nhạc sống" của khán giả đang trở lại. Bởi vậy, các ca sĩ hát "live" và ban nhạc (ở TP.HCM) đang có đất diễn trở lại.

Nhiều mô hình biểu diễn

Thời gian này, không chỉ phòng trà đang hồi sinh với nhiều địa điểm mới, nhiều chương trình được đầu tư, dàn dựng công phu, mà cả mô hình cà phê nhạc sống với không gian ấm cúng cũng phát triển rầm rộ (cà phê Xóm, Lạc, Đỏ, Vừng, Yên, Khu vườn tình yêu, The Princess and the Pea…). Đó là chưa kể những quán bar xuất hiện từ bấy lâu nay hay mới mọc đều có phần chơi nhạc sống. Vì thế, các nhạc công đang được… săn lùng và có đất diễn trở lại, sau giai đoạn chỉ đứng đàn nhép hoặc phải tìm đất sống ở sân khấu đám cưới, nhà hàng.

Tuy đội ngũ nhạc công "chơi được" có nhiều, song để tìm ra lực lượng kế thừa lại rất hiếm, do gần chục năm qua hầu như họ quen "múa" đàn trên sân khấu, nên sự trau dồi, rèn luyện không có

Nhạc sĩ Đức Trí

Anh Phúc, chủ quán Vừng cho biết: "Vì ngày càng nhiều quán có sân khấu nhạc sống mọc lên cũng như nhu cầu tìm kiếm nhạc công càng cao, nhất là người chơi violon, guitar, piano, nên không chỉ thù lao chung "nhỉnh" hơn trước, mà không ít quán đã "mời" nhạc công quán khác về bằng cách trả lương trội hơn". Anh nói thêm, những nghệ sĩ của quán anh như Thiên Kim, Trường Chinh… trước giờ biểu diễn (khoảng 21 giờ) đều có lịch ở những nơi khác.

 
Những nhạc công có tiếng ngày càng khan hiếm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Riêng ở phòng trà, trừ những trường hợp buộc phải hát đĩa (với nhạc dance, nhạc điện tử), các ca sĩ dường như đều thích và muốn hát với ban nhạc (bởi có dạo, nghe nhạc ở phòng trà toàn thấy ca sĩ hát đĩa là chính, dù lẽ ra, đây là nơi dành cho âm thanh live toàn bộ). Nghệ sĩ Lý Được, Trưởng ban nhạc phòng trà Điểm Hẹn Sài Gòn (được xem là một trong số nhạc công thế hệ đầu tiên tại TP.HCM) phấn khởi: "Thấy hoạt động của anh em nhạc công sôi nổi hơn, mình rất mừng. Và càng vui hơn khi thấy các ca sĩ, kể cả ngôi sao biểu diễn ở đây cũng bắt đầu… từ giã hát đĩa, để chuyển sang hát với ban nhạc, như Ngọc Sơn, Lam Trường, Phương Thanh... Tôi nghĩ, những ai đã hoặc muốn làm ca sĩ, muốn vững bước với nghề nên hát với ban nhạc. Bởi nếu cứ quen hát đĩa, sẽ thiếu sự tự tin và nhất là khi… thả chiếc đĩa ra, hát với ban nhạc là… "chết" liền".

Thiếu lực lượng nhạc công kế thừa

Không tính đến số đông nhạc công ở mức… "thường thường bậc trung" - vì khả năng có hạn hoặc chỉ muốn dừng lại mức chơi nhạc vừa đủ cho sở thích của bản thân lẫn nhu cầu kinh tế - những nhạc công được biết đến như những tay chơi chuyên nghiệp, là trụ cột của những phòng trà hoặc chương trình ca nhạc lớn (Lý Huỳnh Long, Tấn Phong, A Zìn, Hy Đạt, Dũng Đà Lạt, Ngọc Quân, Thanh Tân, Xuân Hiếu…) dường như quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu.

Nhạc sĩ Lê Quang bày tỏ: "Không như ca sĩ, chỉ cần một bài hit có thể bật sáng, nhạc công cần có sự mài giũa, cọ xát mới lên tay và có đẳng cấp". Hơn nữa, "Tuy đội ngũ nhạc công "chơi được" có nhiều, song để tìm ra lực lượng kế thừa lại rất hiếm, do gần chục năm qua hầu như họ quen "múa" đàn trên sân khấu, nên sự trau dồi, rèn luyện không có", nhạc sĩ Đức Trí nhìn nhận.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khẳng định: "Chỉ có ca sĩ thực sự có nghề, có bản lĩnh sân khấu mới dám hát với bất kỳ ban nhạc nào, tất nhiên chất lượng sẽ không như mong muốn. Còn nếu muốn hay thì ban nhạc phải lên đến cả chục người, chưa kể phải chơi giỏi nữa. Chứ ở các sân khấu bình dân, nhạc công không tên tuổi hay chương trình mà ca sĩ chỉ hát 1-2 bài thì e rằng… còn lâu lắm họ mới chịu tập - hát với ban nhạc". 

  Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.