“Nữ hiệp áo hồng” Ấn Độ

18/12/2007 23:25 GMT+7

Họ mặc áo màu hồng và truy lùng các quan chức tham nhũng, những người đàn ông thô lỗ với "công cụ chuyên dùng" là gậy và búa.

Ngày mà chị của Sampat Devi bị ông chồng nắm tóc lôi đi quanh sân cũng là ngày Devi quyết định rằng đàn ông cần phải "hưởng" hình phạt do chính họ tạo ra. Anh rể của Devi giận dữ khi bị chỉ trích về việc lãng phí tiền lương của mình vào chuyện nhậu nhẹt thay vì lo cho con cái. Theo Báo The Age (Úc), Devi tập hợp một số phụ nữ khác ở Banda, một khu vực thuộc bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, và truy đuổi người đàn ông trên, sử dụng bất kỳ vũ khí nào có sẵn quanh đó như gậy và cả thanh sắt. Những người phụ nữ đã "dí" người đàn ông nọ đến một cánh đồng mía và trừng trị ông ta.

Đó là chuyện của 2 năm trước. Còn giờ đây, hơn 100 phụ nữ mặc áo sari (trang phục của phụ nữ Hindu) màu hồng đang tập hợp dưới sự lãnh đạo của Devi trong một nhóm có tên gọi là "băng Gulabi" hoặc "băng Áo hồng". Họ là nỗi ám ảnh của những người đàn ông thô bạo, cảnh sát bất lực và quan chức tham nhũng. Những người phụ nữ áo hồng Banda cương quyết không gia nhập bất kỳ đảng phái chính trị hoặc tổ chức phi chính phủ nào, bởi theo Devi, "họ luôn đòi lại quả khi đưa ra đề nghị giúp đỡ chúng tôi". Kể từ khi có tên gọi chung và có "đồng phục", những hiệp nữ Banda đã trừng trị thẳng tay những người đàn ông bỏ hoặc đánh đập vợ mình, cũng như phát hiện tham nhũng trong việc phân phối thóc gạo cho dân nghèo. Họ cũng đã đột nhập vào đồn cảnh sát để đối đầu với các sĩ quan đã từ chối nhận đơn của một người ở tầng lớp thấp kiện một kẻ chuyên cho vay tiền là người thuộc tầng lớp cao hơn.


Phụ nữ Ấn Độ vẫn phải bươn chải nhiều trong cuộc sống - Ảnh: AFP

Bà Devi, 50 tuổi, thổ lộ trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin BBC: "Không ai đến giúp đỡ chúng tôi ở những khu vực như thế này. Các quan chức và cảnh sát thì tham nhũng và bức ép người nghèo. Vì vậy chúng tôi phải nắm luật trong tay mình. Chúng tôi cũng muốn bêu xấu những kẻ làm điều sai quấy". Lần khác, trong cuộc trò chuyện với Báo The Age, bà Devi khẳng định cách tốt nhất để buộc đàn ông nghe mình là làm cho họ sợ. Bà nói bà không sợ bất kỳ người đàn ông nào, nhưng để đảm bảo ở thế "trên cơ", bà và các thành viên khác đem theo gậy và búa để tiện... xử lý công việc. "Chúng tôi không phải là băng nhóm theo nghĩa thông thường của từ này. Chúng tôi là băng nhóm hoạt động vì công lý", bà cho biết.

Banda, nơi hoạt động chính của băng Áo hồng, nằm trong số 200 huyện nghèo nhất Ấn Độ. Trên 20% trong số 1,6 triệu dân sống trong 600 ngôi làng là thuộc tầng lớp thấp. Hạn hán làm khô cằn thêm những mảnh đất vốn chỉ canh tác được một vụ. Nghiêm trọng hơn, phụ nữ là những người gánh chịu phần lớn sự nghèo khổ và phân biệt đối xử ở một xã hội nặng về giai cấp, phong kiến và gia trưởng. Những yêu cầu về của hồi môn, bạo lực gia đình và tình dục là chuyện thường. Vì vậy, cư dân địa phương không lấy làm ngạc nhiên với sự hình thành và hoạt động của băng Áo hồng tại một nơi nghèo khổ như Banda. Nhà chức trách địa phương cũng phải "kiêng nể" nhóm của Devi.

Devi là một người phụ nữ rắn rỏi, vợ của một người bán kem và là mẹ của 5 người con. "Mầm mống nổi loạn" của Devi bắt đầu từ lúc còn thơ ấu. Khi cha mẹ không cho Devi đi học, cô bé đã "phản đối" bằng cách viết, vẽ trên tường, sàn nhà và cả đường làng. Cuối cùng Devi được phép đến trường nhưng bị gả chồng khi mới 9 tuổi và làm mẹ khi lên tuổi 13. Để nuôi gia đình, Devi làm việc cho một cơ quan y tế nhà nước, nhưng sớm bỏ việc do công việc không thỏa mãn mong muốn của Devi. "Tôi muốn làm việc cho mọi người, không phải chỉ cho riêng mình. Tôi đã gặp gỡ mọi người và thiết lập quan hệ với những phụ nữ sẵn sàng chiến đấu", Devi nói. Theo bà, băng Áo hồng được thành lập nhằm đảm bảo rằng mỗi lúc có một phụ nữ gọi đến bà cầu cứu, "chúng tôi sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường".

Tuy nhiên, băng Áo hồng không hẳn chỉ là nhóm người bảo vệ nữ quyền chuyên trừng trị đàn ông. Họ cho biết đã đưa ít nhất 11 phụ nữ bị đuổi khỏi nhà về với bạn đời của họ do "phụ nữ cần đàn ông để chung sống". Đó là lý do vì sao có những người đàn ông như Jai Prakash Shivhari gia nhập và cùng các hiệp nữ Áo hồng chia sẻ quan điểm về những vấn đề như nạn tảo hôn, những cái chết liên quan đến của hồi môn, vấn đề nguồn nước cạn kiệt, trợ cấp nông sản và việc công quỹ bị bòn rút như thế nào từ các dự án của chính phủ. "Chúng tôi không mong muốn nhận của bố thí. Hãy cho chúng tôi việc làm, trả lương và khôi phục danh dự cho chúng tôi", Shivhari nói. Về phần mình, những hiệp nữ Áo hồng khẳng định họ đã làm được không ít trong việc chống tội phạm và tham nhũng trong khu vực. Bà Devi khẳng định nguyên tắc sống của mình: "Tham gia chính trị không phải là cách tôi chọn nhằm giúp đỡ người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm công việc có ý nghĩa của mình để chính quyền bang nhìn nhận và tôn trọng chúng tôi".

Hiện tại, "đội đặc nhiệm" Áo hồng của bà Devi vẫn đang ngày ngày tham gia chấn chỉnh xã hội theo cách của mình. Chưa biết nỗ lực của băng Áo hồng sẽ đi đến đâu, nhưng sự xuất hiện và tồn tại của họ cho thấy Ấn Độ còn không ít vấn đề xã hội phải giải quyết.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.