Thị trường ô tô vào “mùa cao điểm”: Chờ thời...

18/11/2008 10:39 GMT+7

Dù đã bước qua non tháng thứ 2 của quý 4, nhưng thị trường ô tô vẫn gần như… “chết lặng”, năm thì mười họa mới có giao dịch… đầy trắc trở! Quang cảnh ảm đạm này, trái hẳn với mùa thu hoạch bội thu hàng năm của giới kinh doanh ô tô. Dù vậy, không ít nhà sản xuất, kinh doanh ô tô vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi sinh…

Mua giá hời vẫn hớ!

Thị trường ô tô đang trôi qua thời vàng son! Nhớ lại vào thời điểm này năm ngoái, khách hàng muốn tậu 1 chiếc ô tô phải đặt cọc  trước 30%-50% và chờ ít nhất 3-6 tháng, thậm chí cả năm mới có xe. Nhưng như vậy cũng chưa chắc ăn, nếu khách hàng sơ sẩy, không “biết điều” với nhân viên bán hàng thì chiếc xe dễ dàng… di chuyển từ chủ này qua chủ khác ngay.

Trái với không khí nóng bỏng đó, năm 2008, được xem là “cơn ác mộng” của giới kinh doanh ô tô trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt là những tháng cuối năm khi mà giá xe càng hạ, khuyến mãi càng lớn nhưng khó khăn lắm cả tháng mới tiêu thụ được 1 chiếc.

Một chủ salon ô tô nhập khẩu trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5 cho biết, hiện cửa hàng còn 12 chiếc ô tô loại 4 chỗ ngồi, 8 chiếc loại 7, 12 chỗ đang cho đăng báo chào bán dưới giá gốc 15%-20% nhưng vẫn không thấy bóng dáng khách liên lạc.

“Trước đây chúng tôi có 3 cửa hàng, mỗi tháng nhập về từ 30-40 chiếc, trị giá hàng chục tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng hơn 70%. Nhưng thời gian qua, thị trường ế ẩm nên phải sang bớt một cửa hàng để lấy tiền thanh toán nợ vay ngân hàng. 20 chiếc còn lại ở cả 2 cửa hàng, hy vọng bán được vào dịp này để thu hồi vốn nhưng chắc khó, vì hơn 1 tháng nay mà chỉ bán được mỗi 1 chiếc!”, ông chủ salon này buồn bã cho hay.

Trong khi đó, ông Võ Thanh Hùng, chủ salon Hoàng Hùng, trên đường 3-2 quận 10 cho biết, sau khi thuế nhập khẩu ô tô tăng từ 60% lên 83%, rồi kế đến lệ phí trước bạ tăng từ 2%-5% lên 10% (ngày 25-8), cùng lúc các ngân hàng siết chặt cho vay với mức lãi suất trên 20%/năm thì nhiều chủ salon đồng nghiệp kẹt vốn, chào sang lại xe với giá khá thấp. Do sẵn còn chút đỉnh vốn, ông gom liền 5 chiếc loại 4 chỗ, trị giá từ 50.000-65.000 USD/chiếc.

Nào ngờ chỉ sau khi thanh toán xong, giá xe tiếp tục rớt, trong khi nhiều cửa hàng từ phía Bắc tiếp tục chào bán dòng xe cùng loại nhưng giá thấp hơn trên dưới 10%/chiếc. Đơn cử, chiếc Camry LE, đời 2009 vào thời điểm mua với giá 60.000 USD, thấp hơn giá gốc về từ 3.000-4.000 USD, nhưng chỉ sau 1 tuần có salon khác chào bán với giá 55.000-57.000 USD/chiếc. “Tính ra sang chiếc xe chưa thấy lời đâu đã mất đứt mấy ngàn đô la và 10% phí trước bạ”, ông Hùng tiếc rẻ nói.

Nhiều triển vọng, lắm thách thức

Trên thực tế, thị trường ô tô bi đát là do tác động của chính sách thuế trong nước liên tục điều chỉnh nhằm hạn chế nhập siêu và chống ùn tắc giao thông, mặt khác bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu… Nhưng gần như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô vẫn hy vọng mọi khó khăn trước mắt rồi sẽ sớm vụt qua, nên vẫn tự tin và có những bước chuẩn bị cho thời cơ phía trước. Do vậy, dù năm 2008 nhiều doanh nghiệp nhỏ phải giải thể, đóng cửa nhưng cũng không ít “đại gia” tiếp tục bành trướng, như Toyota Việt Nam, Euro Auto… tiếp tục đầu tư hàng loạt showroom, phòng trưng bày khá hoành tráng.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng xe bán ra của các thành viên trong tháng 10 đạt 5.679 chiếc, thấp hơn tới 37% tháng 10-2007. Trong đó, các sản phẩm phân khúc dòng xe du lịch chỉ bán được 1.364 chiếc, xe đa dụng MPV là 1.439 chiếc. Hai dòng xe cầu việt dã SUV có doanh số thấp nhất chỉ 157 chiếc.

Trong buổi họp báo tại Triển lãm Autotech 2008 mới đây tổ chức tại TPHCM, khá đông đơn vị kinh doanh sản xuất ô tô trong và ngoài nước tham gia đều cho rằng, thị trường ô tô còn rộng lớn, nhiều triển vọng. Vấn đề là sắp tới hướng đi của nhiều doanh nhiệp ô tô phải linh hoạt nhằm tung ra thị trường những sản phẩm cạnh tranh về giá, chất lượng phù hợp với thị trường Việt Nam.

Tổng Giám đốc Công ty Euro Auto - nhà phân phối xe BMW tại Việt Nam Huỳnh Dư An cho biết, từ nay đến tết mức tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam sẽ khoảng 20%, bởi nhu cầu của khách hàng còn lớn và cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp rầm rộ khuyến mãi, giảm giá xe. Hiện nhiều doanh nghiệp đang loại bỏ bớt các trang thiết bị nội thất nhằm giảm hoặc giữ giá xe để thu hút khách hàng. Nhiều đại lý bán xe lắp ráp trong nước cũng tự giảm giá bán cho khách hàng, chấp nhận một tỷ lệ hoa hồng thấp để tăng lượng bán ra…

Trong khi đó, các chuyên gia ngành ô tô cho rằng, vào đầu năm 2009, khi thị trường bán lẻ mở cửa theo cam kết gia nhập WTO, có rất nhiều các hãng xe nước ngoài tham gia mở đại lý phân phối xe nhập khẩu tại Việt Nam. Hiện tại một số hãng ô tô đang tiến hành mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của các nhà sản xuất lắp ráp xe 100% vốn trong nước. Điều này cho thấy họ đã thấy rõ tiềm năng thị trường ô tô Việt Nam và mong muốn đầu tư để kiếm lời. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cần nhanh chân có chiến lược hợp lý, đưa “giá thật” của chiếc xe đến với người tiêu dùng nhằm tạo lòng tin trước khi doanh nghiệp ngoại tràn vào.

Theo Lạc Phong / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.