Những ngày vui và một ngày thật đáng buồn

18/12/2005 17:13 GMT+7

Đây là ngày cuối cùng SEA Games 22. Đứng về mặt huy chương mà nói, chúng ta đã về nhất toàn đoàn. Có tất cả 158 huy chương vàng và tổng số là 346 trong khi Thái Lan có 90 huy chương vàng và tổng số 281 huy chương các loại. Không cần phải lặp lại, đây là niềm hãnh diện lớn cho nước nhà. Từ đây có thể xếp chúng ta vào loại cường quốc thể thao ở Đông Nam Á, chỉ tiếc một điều duy nhất, một bộ môn duy nhất mà quần chúng hâm mộ thể thao kỳ vọng, gửi gắm mong đợi và muốn Việt Nam đoạt tấm huy chương vàng bóng đá nam, đã không trở thành hiện thực.

Nhà báo Chánh Trinh khi trả lời phỏng vấn một đài nước ngoài, đã đánh giá, sang đi, sớt lại giữa hai đội vào chung kết, Thái Lan và Việt Nam phần thắng bại sẽ là 50/50. Tôi đồng ý với ý kiến đó.

Sự thành công lần này cũng đã được các cơ quan cao nhất của Nhà nước Việt Nam chủ trương bỏ công sức, tiền của đầu tư từ vật chất đến sự chuẩn bị chu đáo với một tinh thần thể thao trong sạch, lấy tinh thần thượng võ và mục đích là giới thiệu hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới với bạn bè làm đầu.

Tờ Utusan, Indonesia ngày 5/12/2003 viết: Bên cạnh việc tranh tài SEA Games 22 còn phản ảnh sự phát triển kinh tế của Việt Nam, tính ổn định về chính trị được thể hiện rõ ràng qua phương châm của đại hội: Đoàn kết, hợp tác, hòa bình và phát triển. Với Việt Nam, đây là cơ hội để hội nhập vào cộng đồng thế giới. Với việc đăng cai SEA Games, Việt Nam đã cho cả thế giới phải nhìn nhận những nỗ lực của mình, tạo ra những bước tiến vượt bậc mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, ghi vào lịch sử của quốc gia Đông Dương từng chặn bước hai siêu cường thế giới là Pháp và Mỹ. Chính quyền Việt Nam đã chi tổng cộng 350 triệu USD cho công tác chuẩn bị, bao gồm việc xây mới 36 nhà thi đấu trung tâm huấn luyện và nâng cấp các cơ sở cũ.

Lời khen dành cho chúng ta đã quá đủ. Và tôi biết anh Nguyễn Danh Thái - Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia Thể dục - thể thao Việt Nam cùng các cộng sự của ông đã làm việc với một tinh thần rất cao để cho đại hội đạt được sự thành công. Sự cải tổ của Liên đoàn bóng đá với việc trước đó thay thế ông Hồ Đức Việt làm chủ tịch và sau khi ông xin rút vì lý do công tác quá bề bộn, đã tìm ra một chủ tịch liên đoàn mới là ông Mai Liêm Trực, tôi chưa biết ông Trực nhiều, nhưng với những gì ông nói và làm, tôi cho rằng ông là người có thể góp phần đưa sự nghiệp bóng đá lên một vị trí mới.

Tôi xin trở lại với việc đội bóng đá nam chỉ nhận được huy chương bạc trong lần này. Tôi biết thực lực của đội tuyển nam nước ta hôm nay đã là một thực lực khác hẳn. Đội tuyển Thái Lan so ra có thể nhỉnh hơn một chút, nhưng sai sót của hậu vệ Đức Tuấn đã tạo ra một pha dứt điểm lạnh lùng và dứt khoát của Chaikamdee vào khung thành của Thế Anh ở phút 38 là do chủ quan về lực lượng bị sứt mẻ bởi Văn Trương đã bị 2 thẻ vàng trong trận trước đó. Nhưng đến phút 91, sau khi trọng tài chính người Malaysia vô lý phạt thẻ vàng thứ hai đối với Quốc Vượng và đuổi anh ra khỏi sân, cũng như trước đó trọng tài này đã không công nhận bàn thắng hợp lệ ở hiệp I của Đặng Thanh Phương. Ông còn bỏ qua thẻ vàng thứ 2 cho hậu vệ Thái Lan Thaitoon (15) khi đốn ngã Tài Em từ phía sau cũng như nhiều pha vào bóng ác ý khác của Sakda.

Tờ Malay Mail ngày 12/12/2003 cho rằng, chưa thấy một quốc gia nào trong khu vực lại quá đỗi say mê bóng đá như Việt Nam và việc Việt Nam dù đứng đầu bảng tổng sắp huy chương có  lẽ không có nghĩa gì nếu như đội bóng đá nam của họ không đánh bại được đội tuyển Thái Lan. Nhận định đó có phần rất đúng với hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Ngay ngày 13/12/2003 trên tờ Bangkok Post, Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan Thavatchai Sajakul nói: "Đây đúng là một trận đấu hay, nhưng chúng tôi đã được giúp đỡ khi Việt Nam chỉ còn 10 người sau lỗi bị thẻ đỏ". Chúng ta khâm phục các cầu thủ U.23 chúng ta những người kiên cường nhất đại diện cho bóng đá nước ta. Cả trận gặp Malaysia trước đó và cả trận chung kết gặp Thái Lan. Thanh Bình đã đội đầu trái bóng vào khung thành của Malaysia vào phút 91 làm đảo ngược tình thế, ở phút 91 Văn Quyến cũng đã tung một cú vô lê thần sầu bật đất làm nổ tung khung thành của Thái Lan.

Xét về mặt nào đó, thực lực Thái Lan có nhỉnh hơn nhưng trong trận chung kết này ta thua không chỉ đơn thuần vì kém may mắn. Trận đấu giữa Thái Lan và Việt Nam đã diễn ra là trận đấu nghiêng ngửa.

Phần chuyên môn tôi không tiện đi sâu vào, hãy để cho các nhà bình luận thể thao nói.

Cái mà tôi không hiểu được và nhiều người hâm mộ điện thoại đến tòa soạn nói trong nước mắt rằng, Việt Nam là nước đăng cai SEA Games 22 tại sao lại xảy chuyện như vậy ? Đành rằng ông Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá VN Phạm Ngọc Viễn cho rằng việc phân công trọng tài là quyền của AFC dù là chủ nhà nhưng chúng ta cũng không thể can thiệp; chúng ta chỉ có quyền kiến nghị thay đổi khi phát hiện thấy có điều gì không bình thường: "Về việc trọng tài Malaysia cầm còi trận chung kết thật tình mà nói tôi không được biết vì sáng nay tôi họp Hội đồng AFF đến hơn 12 giờ mới xong rồi sau đó ra sân ngay. Chúng tôi đã có cử anh Nguyễn Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội đồng Trọng tài VN tham gia để xem xét các vấn đề liên quan đến công tác trọng tài của giải nhưng không thấy anh Vinh báo cáo lại việc này nên cứ ngỡ mọi chuyện đã ổn. Bây giờ xảy ra chuyện chúng tôi mới thấy thiếu sót". Ông Viễn cũng thừa nhận rằng AFC chọn vào bán kết có 4 trọng tài cầm còi, trong đó có 1 Hàn Quốc, 1 Malaysia, 1 Singapore và 1 trọng tài VN Võ Minh Trí. Trọng tài Hàn Quốc đã điều hành 2 trận đá có VN, còn lại 2 trọng tài Malaysia đúng ra không được bố trí thổi mà phải là trọng tài Singapore thì hợp lý hơn. Và chúng tôi nói thêm giám sát trọng tài cũng lại là người Thái Lan - ông Pirpom Anprasert mà điều này rất nghiêm trọng ở chỗ FIFA đã có quy định cấm giám sát và trọng tài thuộc quốc tịch có đội thi đấu tham gia làm nhiệm vụ các trận bán kết và chung kết. Đó quả là chuyện khôi hài mà đúng ra Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải quan sát rất chặt chẽ việc này mới phải. Bởi vì ở mọi trận đấu vai trò trọng tài là quá đỗi quan trọng, người giám sát trọng tài là người quyết định việc thổi của trọng tài trên sân cỏ.

Việc tắc trách rất đại sự ấy của liên đoàn mà ông Viễn cho là phải rút kinh nghiệm sâu sắc đã quá trễ.

Không phải chúng ta thua mà cay cú, có đau buồn nhưng người hâm mộ bóng đá Việt Nam không bao giờ cay cú. Tất cả những gì diễn ra trên sân Mỹ Đình trong trận chung kết giữa U.23 Thái Lan và Việt Nam với tiếng còi của trọng tài Salleh người Malaysia - mà đội Malaysia lại thua đau đội Việt Nam trong trận bán kết trước đó - tiếng còi thiên vị của ông trọng tài này đã góp phần đẩy tụt chiếc huy chương vàng ra khỏi tầm tay của tuyển Việt Nam và đã phá hỏng một bữa tiệc đang bày ra rất công phu và thịnh soạn của bóng đá khu vực.

Trách nhiệm đó của một số người trong liên đoàn và trong ban tổ chức môn bóng đá đối với hàng triệu người hâm mộ Việt Nam là không thể thoái thác và không thể chấp nhận được.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 14/12/2003)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.