Ngân sách Mỹ thâm thủng 1.400 tỉ USD

09/10/2009 10:18 GMT+7

Sau một năm vung tiền đối phó với khủng hoảng tài chính, ngân sách của Mỹ sau tài khóa 2009, kết thúc ngày 30-9, ước tính thâm thủng khoảng 1.400 tỉ USD, tức gấp ba lần so với năm trước. Con số do các nhà phân tích của Phòng ngân sách quốc hội (CBO) đưa ra ngày 7-10.

Theo CBO, các khoản cứu trợ ngân hàng, kích cầu kinh tế và giảm thuế trị giá bạc tỉ đã gây ra lỗ hổng khổng lồ cho ngân sách tương đương 9,9% GDP 2009 của Mỹ. Đây là con số chưa từng thấy trong hơn 50 năm trở lại đây. Những khoản chi đáng kể nhất là chương trình giải cứu nợ xấu trị giá 150 tỉ USD, giải cứu Fannie Mae và Freddie Mac 91 tỉ USD, chi cho gói kích thích hồi đầu năm 200 tỉ USD...

Bên cạnh đó, các đầu vào trong tài khóa giảm đến 16,6% chủ yếu do thất thu thuế. Nguồn thu lớn nhất của chính phủ là thuế thu nhập cá nhân giảm đến 20%, trong khi thuế doanh nghiệp sút hơn một nửa. Các chuyên gia kinh tế lo lắng nhiều khả năng các khoản thâm hụt sẽ dẫn đến tăng lãi suất vay trong thời gian tới nhằm thu hút vốn từ giới đầu tư.

“Số liệu mới rõ ràng cho thấy con cháu chúng ta cuối cùng sẽ bị chôn dưới một núi nợ nếu chúng ta cứ tiếp tục thu thuế, vay và chi tiêu ở mức quá nguy hiểm thế này” - nghị sĩ John Boehner, lãnh đạo phe thiểu số tại quốc hội, chỉ trích.

Ước tính của CBO một phần dựa trên số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, thấp hơn so với mức dự đoán 1.600 tỉ USD trước đó hai tháng cũng của cơ quan này. Con số của CBO, dù mới chỉ là ước đoán, cũng là một tin xấu cho chương trình cải cách y tế của Tổng thống Barack Obama. Theo AP, gói cải cách trị giá gần 900 tỉ USD trong mười năm có thể làm tiêu tan các nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Theo Trần Phương / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.