Làm giàu trên vùng đất cằn

06/12/2010 17:20 GMT+7

Đến xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), ai cũng nức lòng khen anh Đinh Văn Vị tuổi trẻ nhưng chịu khó làm ăn giúp nhiều người có thu nhập ổn định.

Cơ ngơi của anh Vị nằm sát QL1A, cách đèo Ngang chừng 1 cây số với 2 máy đúc gạch bờ-lô, 2 chiếc xe tải nhỏ. Ở đó luôn tấp nập xe cộ vào ra đổ đá, xi măng và bốc xếp gạch. Với nhiều công ty, doanh nghiệp, số tài sản đó chẳng thấm tháp vào đâu, nhưng ở cái xứ khô cằn, nghèo khó ấy thì đó là một tài sản lớn, là kỳ tích trong mắt không ít người dân.

Lúc chúng tôi đến, anh Vị đang cặm cụi cùng với công nhân sửa cái máy đúc gạch, việc cúp điện thường xuyên và không đủ tải khiến máy hay bị trục trặc. Anh đưa tay áo gạt mồ hôi, lau vết dầu mỡ lấm lem trên khuôn mặt, nhìn vẫn trẻ hơn độ tuổi 30. Anh lập gia đình năm 24 tuổi và đã có 2 đứa con. Chính vợ con là niềm an ủi, động viên lớn nhất để anh có thêm nhiều quyết tâm, nghị lực vượt khó.

Ít sự thành công nào không có gian nan, với anh Vị, sự gian nan càng nhiều hơn. Học xong lớp12, vì hoàn cảnh nghèo khó không có tiền học đại học nên anh phải đi kiếm nghề để thoát nghèo. Anh đi học sửa chữa xe máy ở Gia Lâm (Hà Nội). Học xong trở về quê mở tiệm sửa nhưng thu nhập “èo uột” lắm. Bởi ở miền đất nghèo rớt mồng tơi lúc ấy, người đi xe máy đếm trên đầu ngón tay, mà có hư xe người ta cũng chẳng buồn sửa vì trong túi không có tiền. Loay hoay trăn trở mãi, anh quyết định đi học lái xe ô tô, để tiệm bán phụ tùng xe máy cho vợ ở nhà trông coi. Học xong anh đi lái xe thuê cho một công ty xây dựng ở thị trấn huyện. Lái thuê được một thời gian thì anh xin góp vốn mua chung xe ben tải trọng lớn với chủ. Trong thời gian này, chị Tưởng Thị Hải (vợ anh) ở nhà bán phụ tùng xe máy cũng không thu được bao nhiêu đành nhượng  cho người khác lấy tiền chung vốn mua máy đúc gạch với một người quen.

Thời điểm này, vùng ven biển Quảng Đông và các xã lân cận thuộc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nở rộ việc xây nhà tái định cư vì di dời lấy mặt bằng cho các khu kinh tế, nhà máy. Thấy nhu cầu gạch bờ-lô xây dựng lớn, anh nghỉ lái xe, về quê vay mượn tiền đầu tư mở xưởng đúc. Mua miếng đất ven đường, đổ nền hết 50 triệu đồng; tiếp tục vay mượn anh mua thêm 1 máy đúc gạch trị giá 60 triệu đồng. Hỏi xưởng hoạt động có đều không, anh cười sung sướng: “Anh thấy đó, xe vào ra liên tục, đúc bao nhiêu chở đi hết bấy nhiêu; các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương (Hà Tĩnh) cũng vào đây lấy gạch. Mỗi ngày đều nhập 2 xe đá xay. Hiện có 11 công nhân làm việc, thu nhập bình quân từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng; lương tính theo sản phẩm. Trừ tất cả chi phí thì tôi thu hơn 20 triệu đồng/tháng”. Ngoài việc đúc gạch, anh còn nhập nguyên vật liệu xây dựng như cát, đá từ các nơi về để bán lại.

 
Anh Vị bốc gạch  lên xe chở đi giao

Điều người dân trong vùng mừng hơn hết là sức trẻ của vợ chồng anh Vị đã góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt quê hương. Từ vùng đất khô cằn nắng gió dưới chân đèo Ngang thì nay đã rộn ràng hơn với xe cộ, công xưởng. Đặc biệt, xưởng đã giải quyết công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh nghèo khó, thất nghiệp. Chị Huỳnh Thị Phương (46 tuổi) tâm sự: “Nhà tôi có 4 người con, do khó khăn mà ăn học không đàng hoàng. Trước kia tôi đi làm cấp dưỡng, lương tháng chỉ 1,5 triệu đồng, nên khi biết chú Vị mở xưởng, lương cao là tôi tới xin làm ngay. Ở đây tính theo sản phẩm nên có động lực cho mình cố gắng, làm nhiều thì tiền nhiều”.

“Sắp tới mình sẽ đầu tư kinh doanh thêm vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép”, anh Vị cho biết. Trời không phụ lòng người, tôi tin anh sẽ làm được bằng sự chịu khó và lòng quyết tâm.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.