Nhiều chủ sở hữu nhưng không... đầu mối

10/11/2009 01:55 GMT+7

Trả lời các PV bên hành lang kỳ họp QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền (ảnh) cho rằng: “Nhà nước nên thoái vốn khỏi các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) làm ăn thua lỗ, không phải là xương sống của nền kinh tế”.

* Ông đánh giá thế nào về sức mạnh của những “quả đấm thép” của nền kinh tế nhưng số nợ của nhiều "quả đấm" này lớn gấp hàng chục lần so với vốn chủ sở hữu?

- Có đơn vị có khoản nợ vay gấp 10 lần, có đơn vị tới 14-15 lần so với vốn chủ sở hữu. Phần lớn những đơn vị có số nợ lớn chủ yếu vay để đầu tư trung hạn và dài hạn. Xét về phương diện phát triển, những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dài hạn cần khuyến khích. Quả thực, cần chia sẻ với một số TĐ, TCT do tác động bởi khủng hoảng, suy thoái  làm cho chiến lược đầu tư bị ảnh hưởng. Ví dụ Vinashin mà dư luận đang quan tâm. Khi Vinashin có nhiều hợp đồng kinh tế ký kết với nước ngoài, ví dụ ký kết tàu 3-5 vạn tấn, TĐ này lên kế hoạch kinh doanh, đùng một cái suy thoái kinh tế, hợp đồng kinh tế bị cắt giảm nên Vinashin rơi vào khó khăn. Vậy chúng ta phải cân nhắc vấn đề này thế nào? Tôi thấy có dự án đã có hiệu quả mà DN khó khăn, Nhà nước phải hỗ trợ để tiếp tục thực hiện dự án, tránh tình trạng để càng chậm trễ, càng đình trệ, hiệu quả càng thấp hơn.

* Nghĩa là vẫn tiếp tục phải bơm vốn vào TĐ này?

- Nếu dự án đó có hiệu quả thì phải tiếp tục đầu tư, vì nếu để dự án dang dở thì sẽ không phát huy được tác dụng. Càng để lâu thì tác dụng càng thấp hơn.

* Theo ông, Chính phủ có cần xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các TĐ, TCT thua lỗ, làm thất thoát vốn nhà nước?

- Tôi nghĩ trong kinh doanh có rủi ro, có quyết định đúng, có quyết định sai. Có khi dự án đầu tư chịu tác động của nhân tố khách quan ảnh hưởng đến chiến lược, ta phải xem cái căn nguyên của nó. Trừ trường hợp có những quyết định đầu tư do yếu tố cá nhân, vì mục đích tư lợi dẫn đến thiệt hại thì phải xử lý. Nhà nước cũng cần xem xét trách nhiệm của ban lãnh đạo các TĐ, TCT làm ăn kém hiệu quả, nhưng trước hết, những dự án thấy không có hiệu quả thì phải can thiệp, tránh bị đình trệ vì đình trệ hiệu quả càng thấp hơn.

* Có đại biểu nói rằng các TĐ, TCT đầu tư quá dàn trải ra chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và hiệu quả đầu tư này thấp. Quan điểm của ông thế nào?

- Trước đây ta chưa có một văn bản nào về điều kiện một DN nhà nước đầu tư ra ngoài ngành, nên ta mới có tình trạng có tới 47 TĐ, TCT đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính, trong đó có đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản với số tiền khá lớn. Và phần lớn các dự án đầu tư này hiệu quả thấp, thấp hơn so với đầu tư trong lĩnh vực chính của họ. Đó là sai sót của Nhà nước trong quản lý, khi thấy tình trạng đầu tư ra ngoài ngành nhiều nhưng chưa kịp thời có các văn bản để điều chỉnh, trong đó quy định điều kiện, mức độ đầu tư ra ngoài ngành. Sau báo cáo giám sát này, tôi nghĩ chắc Chính phủ sẽ có các văn bản quy định cụ thể.

* Báo cáo giám sát đã chỉ ra nhiều điểm bất cập trong cơ chế quản lý TCT đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC?

- Mô hình SCIC là một bước tiến trong quản lý nguồn vốn nhà nước nhưng chưa có quy định riêng cho đơn vị này. SCIC vẫn hoạt động theo quy định chung, có những điểm bất cập. Ví dụ, trong số các thành viên HĐQT ở các đơn vị có vốn nhà nước thì có nhiều thành viên lại là kiêm nhiệm, mà quyết định của HĐQT rất quan trọng đối với một đơn vị kinh doanh, nếu là chức danh kiêm nhiệm thì không phù hợp.

* Vậy ta có nên tách SCIC?

- Chưa thể nói tách hay như thế nào, mà cần tổng kết mô hình SCIC để có quy định riêng phù hợp, chứ để như hiện nay SCIC rất khó quản lý.

* Chúng ta có nên thành lập ủy ban giám sát các TĐ, TCT giống một số nước đã làm, thưa ông?

- Hiện nay, trong thực hiện chức năng chủ sở hữu còn phân tán, dẫn đến nhiều đơn vị, nhiều cơ quan cùng có chức năng chủ sở hữu, nhưng không ai là đầu mối. Chúng tôi kiến nghị phải có đầu mối, còn đầu mối nào thì các cơ quan chức năng sẽ xem xét. Vì có quá nhiều đầu mối nên chúng ta chưa kiểm soát một cách chi tiết các hoạt động tài chính nói chung ở một doanh nghiệp nhà nước.

* Nhà nước có nên thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực không phải là xương sống?

- Nhà nước chỉ nên giữ lại doanh nghiệp cần thiết, kinh doanh các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, không nên để nhiều quá, như dâu tằm tơ hay một số DN khác đã thua lỗ nhiều năm rồi thì không cần giữ vốn nhà nước nữa.

Káp Thành Long (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.