Dòng A Vương đang chết!

24/10/2009 15:56 GMT+7

Đi dọc dòng A Vương, tôi bồi hồi nhớ bao kỷ niệm thời làm đường Hồ Chí Minh. Đâu rồi những chiếc cần tre cong vút, những bến chiều thiếu nữ C’tu tắm trần? Đâu rồi dòng nước trong xanh, bọt tung trắng xóa khi đổ qua ghềnh đá? “A Vương nước đục cả dòng/Từ ngày mế bỏ theo chồng, Giàng ơi!...”, chợt xót xa trước dòng sông đang chết, tôi đọc tặng Alăng Thò hai câu ngẫu hứng.

Alăng Thò sinh ra và lớn lên bên dòng A Vương. Từ ngày là thanh niên xung phong, anh đọc sách, tìm hiểu văn hóa C’tu xưa, ngang dọc từ Tây Giang xuống Đông Giang, qua tận Nam Giang tỉnh Quảng Nam. Thời làm đường Hồ Chí Minh, anh từng xuống Đà Nẵng hội quân, bắt tay anh Hoàng Bình Quân, lúc ấy là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Thò cũng từng xuất hiện trong chương trình Người đương thời của VTV. Nhưng rồi đi đâu, ở đâu Alăng Thò cũng không thấy đẹp bằng rừng núi quê hương. Anh về lại Đông Giang. Tất cả đều còn, ngoại trừ dòng xanh của A Vương! Có phải do thủy điện A Vương, Zà Hung ngăn dòng? Tôi hỏi, Kình lắc đầu nguầy nguậy: “Thủy điện chỉ làm chết khoảng một hai cây số chứ không làm đục dòng sông. Thủ phạm không ở đây mà ở tận Tây Giang. Anh thấy đó, đoạn chảy qua Zà Hung ở phía trên lòng hồ mà sao vẫn đục? Vì nước đãi vàng từ Tây Giang chảy xuống”. Từ mấy năm nay, rộ nhất từ 2006, dọc con sông A Vương chảy qua xã A Tiêng thuộc huyện Tây Giang, đã mọc lên các xà lan di động tận thu vàng sa khoáng dưới lòng sông. Những xà lan này hết khuấy đảo đoạn này lại tiếp đến đoạn khác, bất kể ngày đêm. Thượng nguồn khuấy, hạ nguồn đục. Cơn sốt vàng đã cuốn theo hàng trăm người C’tu từ trẻ em cho đến người già. Họ bỏ rẫy nương, bỏ thú cắm cần câu cá qua đêm và bỏ luôn cả những tập tục hay đẹp của xóm làng. Người thì đãi thuê để lấy tiền công, người có tiền thì nộp phí cho những ông thầu người đồng bằng, thuê lại một khoảng đất để tự khai thác, hên xui may rủi.

 

Alăng Thò bức xúc! - Ảnh: Đ.N.K

Tôi từng chứng kiến xà lan khai thác vàng trên dòng A Vương ở Tây Giang. Việc khai thác ở đó không nguy hiểm do sập đào hầm, nổ mìn như các bãi vàng trên núi mà chỉ cần dùng máy xúc, máy ủi múc đất và đưa lên máy sàng, đãi xuống ngay tại dòng sông. Các ông chủ người đồng bằng và C’tu, từng là cán bộ, đã tận dụng thời cơ, bất kể nạn ô nhiễm môi trường của A Vương. Tại các bãi vàng, nhiều xà lan được dựng lên với đủ loại máy móc, từ phát điện đến bơm nước, từ ròng rọc đến các công cụ phân loại quặng. A Vương bị nghẽn lại nhiều đoạn bởi những tảng đá to hết cỡ do gàu sắt múc lên. Có đoạn, ngày trước ầm ào như thác, nay cạn khô như mùa kiệt. Nguy hiểm hơn, có đoạn nước sông bị đặc quánh do “kim tặc” dùng hóa chất độc cyanua chiết xuất vàng trong đá. Lần gặp tôi, ông Bh’riu Liếc, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang giải thích: “Ngoài hoạt động thỏa thuận, các công ty khai thác cát sạn còn có trách nhiệm hỗ trợ lại cho huyện xây dựng các công trình phục vụ dân sinh tại chỗ. Từ nguồn này huyện sẽ hỗ trợ hằng tháng thêm 50 ngàn đồng cho hơn 300 học sinh của địa phương”. Nhưng họ đâu chỉ khai thác cát sạn và khi chiết xuất vàng vậy là tàn sát dòng sông? Tôi thắc mắc, ông ngập ngừng: “Thấy tài nguyên khoáng sản nằm im uổng quá nên địa phương chủ trương cho các công ty khai thác cát, sạn tận thu. Nhưng nay có ý kiến của tỉnh, chúng tôi sẽ coi lại”.

Trong thực tế, từ khi rộ lên nạn khai thác vàng bừa bãi, người dân sống dọc dòng A Vương đã không còn dùng nước sông để uống. Tại thị trấn P’rao, tại xã Zà Hung... người dân cũng đã bỏ dòng A Vương, dùng nước tự chảy từ núi cao. Nước đục từ A Vương lan sang cả sông Bung. Tại thị trấn Thạnh Mỹ, mỗi sáng người dân phải theo nhau đi chở nước sạch.

Nhiều người dân ở A Tiêng cho biết, việc khai thác vàng diễn ra rầm rộ từ khi một số công ty được phép khai thác cát, sạn phát hiện ra vàng sa khoáng. Từ 2006, huyện Tây Giang đã cấp giấy phép hoạt động cho 3 công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, từ Tam Kỳ lên cũng có, từ Đông Giang sang cũng có. Họ được phép khai thác cát, sạn tận thu nhưng... Mới đây, gặp chúng tôi tại trụ sở Công an huyện Đông Giang, ông Huỳnh Sông Thu, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Quảng Nam, ưu tư: “Vấn đề là các đơn vị khai thác có làm đúng giấy phép hay không?”. Ý ông nói, nếu khai thác vàng sa khoáng thì nước sông chỉ bị đục hữu cơ, còn nếu chiết xuất vàng bằng hóa chất thì nguy cơ làm chết dòng sông là rất rõ.

 

A Vương dòng trong dòng đục - Ảnh: Đ.N.K

Cả năm chỉ yên được 3 ngày tết, dòng trong xanh của A Vương đã qua đời. Alăng Thò tiếc nuối những buổi câu đêm với những con cá Ch’prong, lớn bằng bàn tay, những buổi quăng chài cá Liêng, loại cá đẹp nhất, ngon nhất được mang tên người con gái H’liêng. “Người C’tu đặt tên làng theo tên suối. Từ P’rao trở vô là Tà Lu, K’dấp, Gố, A Xanh, A Dung, A Roii, K’dâu... Chỗ cầu A Sờ ngày xưa gọi Tam P’lo, tức nguồn cá. Ngày trước chỗ đó có nhiều hồ suối, cá nhiều lắm, có con to bằng bắp chân... Bây giờ, đặt cần suốt đêm không có một con Ch’plong, quăng chài chỗ cửa sông cũng không có cá Liêng. Nước đục như sữa, cá còn không sống được huống chi người?”, anh bức xúc.

Sông đục quanh năm, cá gần như tụ hết vào lòng hồ thủy điện. Song, Alăng Thò lại lo âu: “Cá sông A Vương cần có thác nước, ghềnh đá mới tới mùa tức trứng, đẻ. Nước cứ đục, sông bị nghẽn... cá đẻ làm sao?”. Anh cho biết, luật tục C’tu cấm không cho ai đốt phá rừng đầu nguồn, làm vẩn đục sông suối, vì cho rằng năm đó dễ xảy ra dịch bệnh trong làng. Do vậy, ai làm sai phải chịu khoản chi phí cho làng, ít nhất phải có một con heo to, một con dê và gộc rượu. Tôi hỏi: “Nay, người ta làm chết cả dòng sông, phạt thế nào?”. Anh cười buồn, không trả lời mà đọc tôi nghe một đoạn trong lời cúng của người làng Aroii: “Các thần núi rừng, Giàng trong làng xóm là một, đừng ai xấu với ai. Các Giàng một lòng như nhau cầu cho chúng tôi nhiều lúa gạo, ngô bắp, của cải, ché chiêng; chặn điều xấu điều ác, giữ cho chúng tôi sức khỏe và sống lâu...”.  

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.