TP Hồ Chí Minh đang "khát" lao động

10/09/2005 22:51 GMT+7

Giám đốc một công ty chế biến thủy sản xuất khẩu ở KCN Tân Thới Hiệp cho biết công ty ông cứ tuyển được 10 công nhân mới thì lại có đến 20 công nhân nghỉ việc. Tình trạng "khát" lao động đang rất trầm trọng đối với nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN dệt may.

Công nhân chuyển về... quê

Nguyên nhân chính của tình trạng công nhân của các DN trong KCN-KCX bỏ việc rất nhiều hiện nay - theo nhiều chuyên gia về lao động - vẫn là do nhiều DN chưa thực hiện tốt chính sách lao động, chế độ tiền thưởng, tiền làm tăng ca... Ông Trương Minh Chí, Trưởng phòng tư vấn của một trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết những năm trước đây, trung bình mỗi năm trung tâm này giới thiệu khoảng 8.000 lao động cho các KCX-KCN. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm nay, trung tâm chỉ giới thiệu được 1.500 lao động do rất ít người đăng ký tìm việc làm. Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM (HEPZA), nguyên nhân của tình trạng này là trong khi có đến hơn 60% lao động trong các KCX-KCN là lao động nhập cư thì mặt bằng lương tại TP.HCM hiện nay lại không đủ hấp dẫn, bù đắp cho người lao động phải xa nhà.

Ở các địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... hiện có rất nhiều KCN, nhu cầu lao động ở đó cũng rất lớn. Dù mức thu nhập ở các DN tại TP.HCM cao hơn so với các DN ở các tỉnh nhưng mức chênh lệch đó không đủ bù đắp các chi phí nhà trọ, giá cả sinh hoạt đắt đỏ... ở TP.HCM nên nhiều người lao động đã lựa chọn về quê làm việc. Việc các DN dệt may tìm không ra công nhân ngay từ những ngày đầu năm không phải là chuyện hiếm. Thậm chí nhiều DN tuyển vào được 20 công nhân thì đã có hơn 50 công nhân xin nghỉ. Ông Nguyễn Đức Hoan - Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM - nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này  là do một lượng không nhỏ lao động nữ ngành may chuyển nghề, các trung tâm dạy nghề lại thiếu học viên ngành may. Hơn nữa, nhiều DN có xu hướng đầu tư mạnh về các tỉnh nên đã giữ chân một lượng đáng kể lao động tại chỗ. Đầu năm 2005, hai công ty may Vạn Tường và Phương Đông khai trương hoạt động tại KCN Dung Quất (Quảng Ngãi) đã thu hút hơn 2.000 lao động của tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh lân cận khác.

15 KCX-KCN trên địa bàn TP.HCM đang sử dụng khoảng 200.000 lao động. Theo HEPZA, trong giai đoạn 2005-2010, các DN trong KCX-KCN cần tuyển dụng thêm đến 500.000 lao động nữa. Tình trạng "khát" lao động sắp tới được dự báo sẽ rất trầm trọng.
Tình trạng thiếu lao động cũng đang diễn ra ở những lĩnh vực đòi hỏi lao động có tay nghề, chuyên môn cao. Theo kết quả khảo sát của trang web tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks.com, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong quý 2/2005 đã tăng lên 42% so với quý 1/2005. Riêng trên trang web này có đã hơn 2.300 việc làm rao tuyển, trong đó TP.HCM chiếm 57% tổng nhu cầu. Những lĩnh vực, vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao gồm bán hàng, công nghệ viễn thông, kế toán, kỹ thuật, thư ký... Ông Dương Xuân Giao - Giám đốc điều hành Công ty NetViet - cho rằng không chỉ những tập đoàn nước ngoài, các công ty liên doanh mới có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao mà ngay cả các DN Việt Nam cũng rất cần. Thậm chí, các DN Việt Nam cũng sẵn sàng chi trả mức lương từ 1.000-1.500 USD cho một số vị trí nhưng không phải lúc nào cũng tìm được người phù hợp với yêu cầu của mình.

Thừa hàng, thiếu người

Thiếu lao động là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm của ngành dệt may Việt Nam giảm sút. Theo ông Phạm Xuân Hồng - Giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 - có một tình trạng được xem là hiếm đang xảy ra: đó là việc các DN dệt may thay vì luôn lo lắng việc tìm đơn hàng như trước đây lại phải "ôm sô" đơn hàng do không đủ công nhân để thực hiện. Hậu quả là "các DN đang phải tìm cách chuyển đơn hàng gia công với chi phí bỏ thêm khoảng 25 cent/cái, thậm chí trả lên đến 50 cent/cái. Như thế còn hơn là phải bồi thường đơn hàng với giá khoảng 1 USD/cái vì không có người sản xuất" -  ông Hồng cho biết.

Quá căng thẳng trước tình trạng này, nhiều DN đã phải dẹp bỏ hết các điều kiện tuyển dụng lao động lâu nay. Thậm chí, người chưa biết sử dụng máy may cũng được nhận vào, sau đó sẽ đào tạo, trong thời gian đào tạo vẫn được bao ăn ở và trả lương. Nhiều DN phải áp dụng chính sách hoa hồng cho người môi giới lao động... Và không còn biện pháp nào khác ngoài việc các DN phải móc thêm "hầu bao" để tăng lương cho công nhân, đảm bảo được hoạt động sản xuất cho DN. Với những lĩnh vực cần nhân sự cấp cao, ngoài mức lương thưởng thỏa đáng, các DN cũng phải cạnh tranh gay gắt trong việc tổ chức điều hành, tạo ra một môi trường làm việc để tạo sức hút với người lao động.
Tuy nhiên, theo nhiều DN, đó chỉ là trước mắt. Về lâu dài, cần có những giải pháp vĩ mô của Nhà nước trong việc phát triển nguồn nhân lực mới có thể giải quyết căn cơ tình trạng "khủng hoảng thiếu" lao động hiện nay.

Vân Nga - Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.