Ngư dân Việt ở Mỹ

28/11/2009 22:54 GMT+7

Người Việt ở Mỹ làm nhiều nghề nhưng làm nghề chài lưới thì chắc ít ai nghe đến.

Con tàu đánh cá rẽ đôi làn nước như thể nó đang kéo ra một tấm màn, phản chiếu bầu trời lúc chạng vạng ở vịnh Dickinson, hạt Galveston, bang Texas, Mỹ. Trong ánh sáng của buổi chiều muộn đó, Thanh Nguyen neo tàu của mình lại vào cầu cảng. Anh cùng những người khác chất những bao tải hàu nặng 105 pound (chừng 47 kg) lên bờ. Đối với anh Thanh và những ngư dân khác ở đây, hàu là tiền, là công cụ giúp họ xây dựng cuộc sống, Báo The Galveston County Daily News viết.

Cũng như bao ngư dân khác trên thế giới, người Việt theo nghề chài lưới cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là thiên tai. Cơn bão Ike hồi tháng 9.2008 gần như đã làm kiệt quệ cộng đồng đánh bắt thủy sản tại đây. Tàu bè bị phá hủy, thu nhập cạn kiệt. Trong tình cảnh vất vả, những ngư dân Việt Nam nhận ra rằng họ càng bị cô lập bởi ngôn ngữ và văn hóa nhưng họ vẫn phải tìm cách vật lộn để tái thiết lại cuộc sống.

Cứ mỗi khi đêm xuống, Thanh và người phụ việc lại rửa sạch, kiểm kê số hàu đánh bắt được và ngư cụ. Ngư dân ở đây thường mặc những chiếc quần rộng ướt sũng, bó trong đôi bốt cao su với cái áo khoác quá cỡ. Trên quần áo họ còn vương lại những vệt muối của biển khơi và vôi từ vỏ những con hàu. Ẩn sau chiếc mũ rộng vành là những khuôn mặt gầy guộc, hốc hác. Những khuôn mặt ấy đột nhiên mỉm cười. Đơn giản là số hàu đánh bắt được hôm đó có thể đem lại cho họ nhiều tiền hơn là chi phí xăng dầu cho tàu bè. Vì vậy, họ có thể đem chút gì đó về cho gia đình.

Tại San Leon và Bacliff ở hạt Galveston, có khoảng 150 đến 200 gia đình người gốc Việt trong một cộng đồng đan kết chặt chẽ với nhau và sinh sống bằng đánh bắt hàu, cua và tôm. Họ sống co cụm, gần gũi, xuất phát từ truyền thống tự lực cánh sinh, ít nhờ cậy vào người ngoài.

Ông Van Horn Nguyen, một chủ tàu ở San Loen và cũng là một ngư dân nhiều kinh nghiệm nói tàu đánh cá của người Việt thường được đóng bằng tay trong nhiều năm để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên những chiếc tàu “cây nhà lá vườn” cũng gây ra khó khăn cho ngư dân gốc Việt vì các hãng bảo hiểm không chi trả cho họ nếu có sự cố. Các hãng bảo hiểm cho rằng những chiếc tàu như vậy không thể ra khơi được.

Anh Thanh nhớ lại khi cơn bão Ike ập đến, mọi thứ bị phá hủy. Anh trở lại tìm thuyền của mình sau thiên tai và nhận ra rằng mình còn may mắn. Tàu của anh không bị hư hại mấy trong khi nhiều tàu khác đã bị cuốn trôi. Không chỉ có ngư dân, những người kinh doanh ngư cụ và mối lái người Việt cũng điêu đứng. Mặc cho mất mát, hầu hết người gốc Việt đều ở lại sau cơn bão bởi họ có mối gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, theo tờ The Galveston County Daily News viết. Những ngư dân như anh Thành đã bám trụ ở nơi đây 20 năm hoặc hơn. Sau bão, nhiều láng giềng không phải gốc Việt đã bỏ đi, làm mất đi một lượng lớn khách hàng của các ngư dân và cả những dịch vụ khác như các tiệm làm móng.

Giá thu mua thủy sản thấp trong khi giá nhiên liệu ngày một tăng khiến những ngư dân trong cộng đồng gốc Việt càng thêm bấp bênh. Phức tạp hơn, sau cơn bão, quần thể thủy sản trong vịnh bị ảnh hưởng nặng nề vì mảnh vỡ của nhà cửa, đồ đạc bị cuốn ra biển. Ngư dân gốc Việt ở đây than phiền đôi khi những mảnh vỡ này làm lưới bị rách toạc. Nhiều người giờ đây cực kỳ cẩn trọng khi ra khơi bởi họ biết rằng nếu thuyền bị hỏng thì chi phí sửa chữa và số tiền mất đi mỗi ngày còn lâu mới kiếm lại được. Điều đó đồng nghĩa với bữa ăn càng thêm đạm bạc và việc dành dụm tiền để sửa nhà sau cơn bão hầu như không thực hiện được nữa. Rào cản về ngôn ngữ và những con tàu tự đóng khiến việc đòi bảo hiểm rất khó khăn.

Căn nhà di động của anh Thanh bị hư hại nặng sau trận bão. Giờ đây, anh, vợ cùng 3 đứa con phải đi lại thật nhẹ nhàng trong căn nhà còn bị dột. Gió mạnh thỉnh thoảng vẫn rít qua khe cửa. Nhưng gia đình anh vẫn còn hy vọng vì chiếc tàu đánh cá của anh vẫn còn hoạt động được. Vợ anh Thanh, chị Le Diem, đi làm thuê cho một tiệm làm móng. Một tổ chức nhân đạo cũng đã giúp họ có thêm một số đồ nội thất và chi trả chi phí sinh hoạt. Những hư hại khác của căn nhà sẽ được sửa từ từ, trông đợi vào những bao tải hàu mà anh Thanh đánh bắt được.

Giờ đây, do động cơ tàu bị trục trặc vì thiên tai, con tàu không thể chạy nhanh được ảnh hưởng đến việc đánh bắt tôm. Anh Thanh cho hay đánh bắt hàu dễ hơn vì tàu không cần chạy nhanh. Hàu cũng là nguồn kiếm ăn mà anh đang dựa vào để tái thiết lại cuộc sống sau cơn bão. 

Việt Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.