Ông hiệu trưởng không lương

05/12/2010 10:46 GMT+7

Các trường đại học tư đang mọc như nấm sau mưa. Đã có nhiều người lao vào lĩnh vực này với mục tiêu kiếm tiền bởi nó là một ngành béo bở. Trong bối cảnh đó, thầy Huỳnh Thế Cuộc là một người lạc lõng đáng kính...

Thầy giáo Huỳnh Thế Cuộc thường rời khỏi văn phòng trường rất trễ. Ở ngôi trường Đại học Ngoại ngữ - tin học TP.HCM (HUFLIT), ông có thể đi từ sảnh hội trường đến cửa sau có chú bảo vệ và kể mọi câu chuyện về ngôi trường, như ước mơ và niềm tự hào lớn nhất cuộc đời ông đã làm được.

Từ ngôi trường “ở trọ”

Năm 1976, ông Huỳnh Thế Cuộc ngừng công tác ngoại giao để về lại TP.HCM - quê hương từ thuở bé của mình - bắt đầu những ngày đầu tiên làm trưởng khoa tiếng Pháp Đại học Sư phạm TP.HCM. Tất cả những gì đã học được trong những năm làm tùy viên báo chí ở Algeria đến thời gian làm trưởng đoàn du học sinh ở Pháp khiến ông suy nghĩ, trăn trở nhiều về giáo dục.

Ông kể: “Mình phải làm sao đào tạo được tối thiểu năm ngoại ngữ cơ bản là tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung. Đó là các thứ tiếng được sử dụng chính thức ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”. Nghĩ như thế, ghim lại trong tâm trí thế, nhưng những bước đầu tiên đi vào ngành giáo dục, ông bỡ ngỡ quá nhiều.

Xây dựng ngôi trường không vì mục đích lợi nhuận không có nghĩa là không có lợi nhuận, mà là có những giới hạn nhất định trong thu lợi nhuận và sử dụng lợi nhuận để xây dựng nội dung của ngôi trường

Thầy Huỳnh Thế Cuộc

TP như một bệ phóng của ngoại ngữ. Sinh viên Sài Gòn học nhiều ngoại ngữ. Thầy cô dạy ngoại ngữ ở Sài Gòn từ trước 1975 còn rất nhiều người giỏi. Ông Cuộc nhận ra có thể làm được điều gì đó từ những dấu hiệu hết sức lạc quan này.

Ông xác định: “Giáo dục đại học phải xây dựng một nguồn nhân lực hiện đại, có ngoại ngữ, có tin học để đáp ứng những cơ hội khi các nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện ở Việt Nam”. Nghĩ vậy nhưng mãi đến năm 1992, khi tuổi nghỉ hưu đã đến, ông mới bắt đầu thực hiện ước mơ giáo dục mà mình giữ mãi trong lòng từ sau ngày đất nước thống nhất. Cùng một số đồng nghiệp, ông xin phép thành phố cho thành lập Trường dân lập Ngoại ngữ - tin học Sài Gòn. Đó cũng là ngôi trường trung cấp đầu tiên dạy ngoại ngữ và tin học tại TP.

Ngôi trường ước mơ của ông thầy giáo nghỉ hưu chẳng có gì ngoài... cái tên. Ông phải nhờ đến người bạn lúc ấy là hiệu trưởng Trường trung học Ngân hàng cho mượn chỗ giảng dạy. Đúng thời điểm ấy, những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam. Ngôi trường đáp ứng ngay yêu cầu, thỏa mãn những trông đợi của sinh viên mong có một công cụ để thăng tiến tốt hơn trong nghề.

Ông Cuộc tự hào khoe tấm ảnh phó thủ tướng New Zealand sang thăm TP.HCM đã đến xem trường thế nào. Những thế hệ đầu tiên với các ngành tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung ra đời làm ông cảm thấy như mình đã thỏa mãn phần nào những dự định được toan tính từ thuở còn công tác tại Đại học Sư phạm. Trường trung cấp “ở trọ” của ông dần trưởng thành. Và ông muốn nó phải lớn hơn: trở thành trường đại học.

Nhìn ngôi trường hiện đại bây giờ, thầy Cuộc cười: “Tôi không dám nghĩ nó sẽ thành đại học. Tôi về hưu rồi, không nghĩ có thể làm gì lớn”. Ấy thế mà từ ngôi trường trung cấp đó, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định thành lập đại học tư thục cho trường ngay trong những năm đầu tiên xã hội hóa giáo dục đại học. Ông bảo: “Tôi chỉ nghĩ mình cứ làm hết sức để đóng góp được nhân lực có trình độ ngoại ngữ, tin học cho sự phát triển”.

Đến ông hiệu trưởng không lương

Ông Huỳnh Thế Cuộc từng là trưởng đoàn du học sinh Việt Nam tại Pháp. Trong thời chiến tranh chống Mỹ, ông là tùy viên văn hóa báo chí của Việt Nam tại Algeria. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 ông về TP.HCM làm trưởng khoa tiếng Pháp của Đại học Sư phạm.
Thầy Cuộc nhớ lại khi làm đề án xây dựng đại học tư thục, thủ tục yêu cầu cần có cơ quan bảo trợ. “Tôi là người có ý tưởng thôi chứ không có tiền. Lúc tôi nhờ nhiều cơ quan thì người ta đều bảo phải trích 10% tổng thu nhập của trường cho bên bảo trợ. Tôi nghe phải buông thôi, bởi đây không phải là chỗ làm tiền”. Chính lúc ngặt nghèo ấy, giáo sư Lê Văn Sáu, người bạn thân thiết và là giảng viên ở trường, “xúi” ông đi xin giáo sư Trần Văn Giàu giúp bảo trợ.

Hai người cầm đề án thành lập trường đến nhà cụ Giàu, ông Cuộc lóng ngóng không dám vào. Ông sợ thầy Giàu từ chối, mãi không dám mở miệng xin. Giáo sư Lê Văn Sáu nói, chẳng ngờ cụ Giàu buông một câu nhẹ bẫng: “Tôi ký cho chứ có gì đâu!”. Lúc đó cụ là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, không đòi hỏi chút gì từ ngôi trường mơ ước của thầy Cuộc.

HUFLIT ra đời. Sau những đêm trăn trở viết đề án thành lập trường, giờ thầy Cuộc trở thành hiệu trưởng trường đại học... nghèo. Những bữa trưa đầu tiên, từ hiệu trưởng đến nhân viên đều nấu cơm ăn tại trường. Ông Cuộc tính chi li từng đồng, không nhận lương phần mình mà sống hoàn toàn nhờ vào lương hưu sau mấy chục năm cống hiến. Nhiều cán bộ quan trọng của trường cũng một lòng cùng ông dồn sức làm, không nhận lương, nhưng quyết phải trả tiền đầy đủ cho các thầy cô lên lớp. Ông nghĩ ra phải trả mức lương cao hơn cho các giảng viên tốt để kéo người thật sự giỏi về làm công tác giảng dạy tại trường. Dần dần, tham vọng xây dựng các ngoại ngữ được dùng tại Liên Hiệp Quốc của ông được thực hiện. Có thời điểm, Trường HUFLIT dạy đến tám ngoại ngữ.

Suốt những năm làm quản lý, ông liên tục có những trao đổi giáo dục với các nước trong khu vực và phương Tây. Ông nói thao thao về câu chuyện giáo dục: “Ở Mỹ có hơn 300 trường đại học không vì mục đích lợi nhuận nhưng giáo dục Mỹ vẫn sống rất tốt. Malaysia cũng là một trong những nước ở châu Á có giáo dục tốt. Malaysia có một thời sinh viên đi du học rất nhiều. Khi sực tỉnh, họ mang các mô hình giáo dục tốt về nước mình. Và hiện nay Malaysia từ nước mất ngoại tệ đã trở thành một nước thu ngoại tệ trong giáo dục”.

Ông có thể dẫn chứng hàng chục câu chuyện quản lý giáo dục ông đã suy nghĩ suốt nhiều năm qua sau các hội thảo giáo dục. Ông đi nhiều nơi và nhìn thấy những nền giáo dục thay đổi. Khi nhìn Malaysia từ ngày lạc hậu đến thời điểm phát triển mạnh mẽ, không còn chảy máu ngoại tệ vì “tị nạn giáo dục” nữa, ông nghĩ đến TP.HCM và ngôi trường của mình. Theo đuổi mục đích lợi nhuận và không theo đuổi mục đích lợi nhuận là những thái cực giằng xé luôn xảy ra trong những ngôi trường đại học hiện nay. Thầy giáo Huỳnh Thế Cuộc cũng không đứng ngoài dòng chảy đó, buộc phải liên tục đối mặt với những quyết sách mang tính sống còn của trường lẫn triết lý giáo dục mà ông và những người thầy cùng chí hướng đã gìn giữ nhiều năm qua.

Ông hoạch định chính sách ngôi trường, dồn tất cả khả năng về khoa học, tài chính mà trường dư dả qua từng thời kỳ để tiếp tục bồi đắp cơ sở vật chất và tri thức cho lớp sinh viên kế tiếp. Những người thầy mang theo niềm tin vào sự phát triển của giáo dục như thầy Trần Văn Giàu, Dương Thiệu Tống, Lê Văn Sáu... đã có thể dần thấy được thành quả của mình từ ngày cùng thầy Cuộc đi chung một con đường.

Thầy giáo Huỳnh Thế Cuộc bây giờ tóc đã bạc phơ nhưng vẫn đi về như con thoi, vẫn chỉ ăn lương hưu nhà nước và nghĩ nhiều về những sự lạc hậu của giáo dục. Ông thích kể chuyện sinh viên trường mình thi ngoại ngữ, đối thoại, trò chuyện, sinh hoạt văn hóa... trong những câu lạc bộ và những hội thảo khoa học với các trường khác. Ông tự hào vì có những sinh viên đang trưởng thành dần, với đúng ước mơ “nguồn nhân lực bậc cao” mà những người thầy lớn như Dương Thiệu Tống, Lê Văn Sáu đã gửi lại cho đời qua ngôi trường mà họ kỳ vọng. Ông nhắc đi nhắc lại: “Đây không phải là ngôi trường của tôi, mà là của rất nhiều người tâm huyết với nó”.

Sự đầu tư phát triển trong giáo dục đại học, với thầy Cuộc, là để được ứng dụng và cập nhật tri thức cho thế hệ nhân lực mới của một xã hội phát triển. Ông đã đi hết 34 năm làm giáo dục của mình trong tâm thế như vậy.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.