Nên dừng hỗ trợ ngắn hạn, tiếp tục hỗ trợ dài hạn

22/10/2009 14:31 GMT+7

(TNO) Hôm nay 22.10, Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và phương hướng năm 2010.

Các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ năm 2010. Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Báo cáo đã khái quát rõ nét đúng thực trạng của nền kinh tế Việt Nam”. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa bày tỏ: “Điểm nổi bật của năm 2009 là vai trò điều hành của Chính phủ ngày càng rõ nét hơn, phản ứng của chúng ta ngày càng chủ động, linh hoạt. Từ chủ trương trên giấy tờ đến việc triển khai đã nhanh hơn trước đây”.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, tuy đạt được tốc độ tăng trưởng so với kế hoạch mà QH đề ra nhưng mức tăng trưởng đó có thể cao hơn nếu như chúng ta khai thác tốt các nguồn lực. “Chúng ta mới chỉ bơm tiền ra để mua tăng trưởng, theo tôi một nguồn lực khác mà chúng ta chưa khai thác tốt là cải cách thủ tục hành chính”, ĐB Hòa nói. Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp các dự án triển khai nhanh, và như vậy sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế. ĐB Hòa tiếp tục: “Chúng ta nói là kích thích thị trường nội địa nhưng để kích thích thị trường nội địa thì chưa có giải pháp cụ thể”.

Các ĐBQH cũng tập trung làm rõ xem có nên tiếp tục triển khai gói kích cầu thứ 2 hay không? ĐB Nguyễn Ngọc Hòa lên tiếng: “Nhìn tổng quát thì gói kích cầu thứ nhất đã đem lại hiệu quả rõ nét tuy nhiên cần phải phân tích, đánh giá sâu hơn xem với mức tiền bỏ ra như vậy và mức tăng trưởng như vậy thì nó đã thực sự có hiệu quả chưa?”.

ĐB Trần Minh Mẫn đề nghị, Chính phủ giải trình vì sao trong gói hỗ trợ lãi suất 4%, các doanh nghiệp nhà nước lại được hưởng rất nhiều. ĐB Mẫn phân tích: “Trong tổng số khoảng 405.000 tỉ đồng dư nợ đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp nhà nước vay chiếm 16%. Nhìn vào 16% tưởng ít nhưng thực tế con số tuyệt đối lại rất lớn, doanh nghiệp nhà nước chỉ có 1.000 - 2.000 đơn vị”.

Nhiều ĐB kiến nghị nên dừng việc hỗ trợ ngắn hạn. ĐB Hòa cho rằng, chúng ta không nên ngưng hết, vẫn phải có chính sách để thúc đẩy sản xuất, tuy nhiên nó không phải là gói kích cầu mà là gói kích thích kinh tế để tái cấu trúc kinh tế. Gói kích thích kinh tế phải mang tính dài hạn 5 - 7 năm và có trọng tâm trọng điểm. ĐH Hòa hiến kế: “Nên ban hành các tiêu chí, doanh nghiệp nào đáp ứng được các tiêu chí thì được hưởng hỗ trợ, không nên phân biệt các thành phần kinh tế. Doanh nghiệp nào đầu tư vào những lĩnh vực mà chúng ta khuyến khích, có tác động tới việc thay đổi cơ cấu kinh tế thì chúng ta kích thích”. ĐB Hòa nói thêm: “Chẳng hạn chúng ta muốn phát triển thị trường nông thôn thì những doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực đó thì có chính sách kích thích như thế nào”. Phó trưởng đoàn ĐB TP.HCM Trần Du Lịch nêu quan điểm: “Tối đa là đến ngày 31.12.2009 chấm dứt việc hỗ trợ lãi suất 4% ngắn hạn”.

Có những doanh nghiệp tăng lợi nhuận do được vay hỗ trợ lãi suất 4%, vì thế “càng kéo thì người ta càng kiếm thêm lợi nhuận”, ĐB Lịch nhấn mạnh. ĐB Lịch ví von, việc hỗ trợ lãi suất 4% vay ngắn hạn như là sơ cứu, để cứu các doanh nghiệp thoát khỏi phá sản. Về lâu dài “chúng ta phải trị bệnh chứ không thể sơ cứu hoài”, ĐB Lịch nói. ĐB Lịch đề nghị tiếp tục việc hỗ trợ cho nông dân và các doanh nghiệp có dự án thay đổi công nghệ nhưng phải giới hạn lại đối tượng và giới hạn lại phạm vi, chứ không thể hỗ trợ tràn lan. Cụ thể là hỗ trợ những doanh nghiệp đã có thương hiệu mạnh để giúp họ tái cấu trúc.

Về phương hướng năm 2010, ĐB Lịch hiến kế: “Tôi đề nghị bổ sung vào phương hướng năm 2010 là tập trung nỗ lực để phục hồi bền vững trên cơ sở là năng suất cạnh tranh, ưu tiên nâng cao chất lượng tăng trưởng chứ không phải phục hồi như hồi khủng hoảng”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.