Những cái lỗi chết người!

06/11/2007 00:39 GMT+7

Nhân đọc Lời nói thẳng về hệ thống điều khiển giao thông, TN 3.11.2007: Đi đúng luật vẫn có thể xảy ra tai nạnCác biển báo các hướng dẫn giao thông ảnh hưởng rất nhiều đến an toàn giao thông. Hướng dẫn sai, đèn hiệu sai cũng như bố trí sắp xếp sai là một trong những lý do làm gia tăng tai nạn giao thông.

Nếu nói về số lượng những nơi có vạch trắng cho người đi bộ qua đường thì ở Việt Nam không thua kém quốc gia nào. Nhưng nếu nói về hiệu lực của các vạch trắng đó, nghĩa là để cho người đi bộ qua đường nơi có vạch trắng thì hầu như không có ý nghĩa gì cả. Đó chỉ là những vạch làm trắng đường thôi, đi qua đó cũng không an toàn hơn những chỗ khác.

Có nơi những vạch trắng này lại đặt sai vị trí, càng không an toàn gì cả. Ví dụ, phía trước Nhà hát lớn TP.HCM, góc đường Đồng Khởi - Lê Lợi, phía trước quán cà phê Givral, những vạch trắng cho người đi bộ được kẻ thụt lùi rất xa phía sau vạch dừng xe khi có đèn đỏ. Khi có đèn đỏ, xe vẫn tiếp tục chạy vượt qua vạch trắng này một đoạn mới dừng lại mà không phạm luật. Vì vậy, khi có đèn đỏ thì theo luật, người đi bộ có thể đi qua đường theo vạch trắng này, nhưng nếu bị xe cán chết thì người lái xe cũng không phạm luật, vì chưa đến vạch dừng trước đèn đỏ. Trường hợp này thì hệ thống đèn báo hiệu phải đặt lùi lại khoảng 15 mét để cho vạch dừng khi đèn đỏ đặt trước vạch trắng dành cho người đi bộ. Cái sai này nằm ngay trung tâm một thành phố lớn nhất nước mà không ai nhận ra để sửa chữa.

Thêm một ví dụ: Trên đường Điện Biên Phủ, có đến mấy chỗ đặt đèn báo hiệu xanh - đỏ cho quẹo trái thì nằm ở bên phải. Đặt như vậy làm sao người lái xe có thể phát hiện để tham gia giao thông một cách an toàn?

Bạn hãy lái xe đi một vòng quanh thành phố, sẽ thấy rất nhiều điểm sai tương tự. Hãy coi chừng: đi đúng luật vẫn có thể xảy ra tai nạn vì những cái sai như vậy.

Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức)

Đèn phản quang đâu?

Tôi có đôi điều bàn về vấn đề liên quan an toàn giao thông:

Về đèn phản quang. Hiện nay các lọai xe tải, xe ben, rơ-moóc container, xe chuyên dùng cỡ lớn khi lưu thông đều ít lưu ý đến việc trang bị các đèn phản quang, tấm dán phản quang. Những đèn hiệu này phải được trang bị đầy đủ khi lưu thông để các phương tiện khác dễ dàng nhận biết khi cùng lưu thông hoặc khi xe gặp sự cố tại những điểm không có đèn đường hay không đủ ánh sáng.

Chỉ có rất ít các xe mới nhập khẩu là có trang bị các đèn phản quang này, còn lại đa số là không quan tâm. Với những làn đường giao thông hỗn hợp như xe tải trên 3,5 tấn và xe mô tô cùng tốc độ di chuyển thì rất nguy hiểm và tạo tâm lý căng thẳng cho người điều khiển khác khi xe tải chuyển hướng. Vấn đề này tồn tại ở nhiều khâu: luật không phạt hoặc ít bị phạt, các nhà sản xuất, lắp ráp cũng không lưu ý vì không có quy định bắt buộc.

Về lan can, rào chắn, giải phân cách. Tôi thấy rào chắn, lan can trên các đường quốc lộ có thiết kế không an toàn. Cọc thép của lan can, rào chắn luôn nhô cao hơn thành lan can từ 3 cm đến 10 cm, hầu như không có lợi ích gì đáng kể nhưng lại gây nhiều nguy hiểm. Người điều khiển nếu va phải lan can và trượt trên mặt thành lan can sẽ có ít cơ hội sống sót vì chúng đâm phải các phần trên cơ thể. Cô giáo cũ của tôi đã qua đời vì vết thương quá xấu do va chạm với cọc và thành rào chắn. Biển phản quang cũng vậy, chỗ có chỗ không, nơi mờ nơi tỏ.

Về gờ giảm tốc: Tôi đề nghị cần có nghiên cứu lại gờ giảm tốc. Hiện tại chúng chưa phát huy tác dụng nhiều vì không được làm đúng kỹ thuật. Các loại xe tải, cơ giới với bánh xe có đường kính lớn và hệ thống giảm xóc tốt nên chúng không dằn xóc bao nhiêu, nên các tài xế thường ít giảm tốc độ vì sợ hao dầu (xe phải về số, tăng tốc trở lại) hơn là sợ tai nạn.

Về chắn bùn. Những xe chở vật liệu rời có cường độ hoạt động lớn (trên 12 giờ/ngày) như xe ben, xe trộn bê tông, xe sơmi rơ-moóc, đầu kéo container... thường ít lưu ý đến cái chắn bùn nhỏ nhoi. Chúng gây nguy hiểm lớn cho người đi sau vì cát và đá bay thẳng vào mắt với tốc độ cao, hoặc gây vỡ, bể kính chắn gió của ô tô, nón bảo hiểm người đi ngược chiều.

samlongthanh@gmail.com

 

* Tôi rất tâm đắc với ý kiến của bạn Nguyễn Quang Phú về hệ thống điều khiển giao thông. Ai cũng hiểu sự có mặt của các chiến sĩ CSGT là để điều tiết và giữ an toàn giao thông, nhưng không ít nơi CSGT chọn những điểm khuất tầm nhìn để thổi phạt, ví dụ trước một giao lộ  có biển cấm quẹo trái, thay vì các anh đứng để nhắc nhở mọi người thì các anh lại "nấp" ở phần đường cấm người đi vào để ai lỡ quẹo thì phạt. Dù thế nào đi nữa cũng mong rằng các anh nên làm đúng nhiệm vụ chính của CSGT là giữ gìn trật tự an toàn giao thông chứ không phải để hoàn thành "chỉ tiêu" thổi phạt.

Pham Xuan Truong (Gò Vấp)

* Lâu rồi tôi mới thấy có người nhận xét rất hay về vấn đề giao thông và tín hiệu giao thông ở Việt Nam. Viết rất chính xác và đúng tâm lý của mọi người. Xin cám ơn.

Nguyễn Văn Dung (Q.1, TP.HCM)

Bài tham gia trang này xin gửi về: Trang “Ý kiến”, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: ykien@thanhnien.com.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.