Hi sinh cho sự sống trở về: Cổ tích từ cõi chết

17/11/2009 10:43 GMT+7

Cuối tháng 8-2008, Thùy Dương (TP.HCM) được chuyển khẩn cấp từ Bệnh viện Từ Dũ sang Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM. Lúc đó, người thân duy nhất bên cạnh Dương là người yêu. Bác sĩ gặp riêng anh và hỏi bằng cách nhẹ nhàng nhất “Em có xem phim Hàn bao giờ chưa? Cô ấy bị...”.

Anh hiểu bác sĩ nói gì. Còn Dương sau khi nhận hung tin cô ngây dại, không khóc nổi. Mới 24 tuổi. Đang là một nhân viên kiểm toán xinh xắn có năng lực. Đang có một tình yêu đẹp với biết bao dự định ngời sáng về tương lai. Tất cả sụp đổ, vỡ tan!

Hai người chị tuyệt vời

“10 ngày sau khi mổ ở Bệnh viện Từ Dũ (do bị vỡ nang buồng trứng), tôi đau họng không nói được. Chị Linh (chị thứ hai) xin nghỉ mấy ngày lên chăm tôi. Con của chị lúc đó mới 5 tuổi. Tối, biết chị nằm ngủ dưới gầm giường của mình, tôi thương chị quá nhưng không dám khóc” - Thùy Dương kể.

Khi Dương chuẩn bị vào chụp CT, chỉ có một điều dưỡng nam khiêng cáng. Chị Thùy Trang (chị lớn) mới sinh con được hai tháng nhưng vì em gái đã liều phụ khiêng một đầu cáng. Cô cố gắng cười thật tươi, động viên em gái: “Bé ráng lên nghen! Chị mới sinh hai tháng mà vẫn ráng khiêng em nè. Bé không được nản đâu đó”.

Việc xét nghiệm HLA được tiến hành gấp rút ở hai người chị trước. Trong hai người chị, kết quả xét nghiệm HLA cho thấy khả năng hòa hợp về bạch cầu giữa Thùy Linh và Thùy Dương đạt 100%. “Khi Dương mới ba tháng tuổi thì cha chúng tôi mất. Tôi là người chăm Dương từ nhỏ nên thương nó như chính bản thân mình. Có ai nỡ nhìn em mình ra đi khi tuổi còn quá trẻ và tương lai đầy triển vọng?” - Thùy Linh nói.

Linh phải giấu gia đình chồng chuyện cho tủy. Chị sợ gia đình chồng sẽ phản đối do lo lắng cho sức khỏe của mình. Khi Thùy Dương nhập viện đánh thuốc (hóa trị) lần thứ ba cũng là lúc Thùy Linh chuẩn bị lấy tế bào gốc. Ngày đầu tiên đi lấy tủy thiếu canxi nên chân tay Linh co quắp lại không duỗi ra được, cả người cứng đờ. Cô khóc suốt vì sợ.

”Tôi đã từng nghĩ đến việc dừng lại. Nhưng nghĩ đến em gái tội nghiệp của mình, tôi bảo: tại sao em mình can đảm đến thế còn mình yếu đuối quá vậy? Thế là lại cố gắng dù rất khó khăn” - Thùy Linh tâm sự.

Kể từ khi Dương nhập viện, tiền thuốc rất khủng khiếp. 10 triệu, 20 triệu đồng cứ hai, ba ngày là hết. Con thì mới sinh, việc ở cơ quan lại bận rộn, người chị lớn Thùy Trang phải giấu chồng nhận thêm những mối về xuất nhập khẩu bên ngoài, thức tới gần sáng làm việc để lấy tiền lo chữa trị cho em. “Tôi chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: phải làm hết sức, bằng mọi cách để kiếm tiền chữa bệnh cho Dương” - Thùy Trang nói.

Một tình yêu đẹp hơn cổ tích

Có lúc đau quá, tôi nhõng nhẽo với các chị điều dưỡng cứ như người thân của mình. Chị Việt Ánh (điều dưỡng) mở nhạc, xoa đầu, xoa lưng rồi hát cho tôi nghe. Còn chị Kim Hạnh suốt ngày năn nỉ tôi ăn từng miếng cơm.

Điều dưỡng Vũ Anh thì nấu cả cơm mang vào ăn chung với tôi. Khi cuộc ghép bị gián đoạn nhiều lần, bác sĩ Khanh xoa xoa đầu chọc cho tôi vui, còn bác sĩ Trân nắm chặt tay trấn an tôi. Những bác sĩ, điều dưỡng ở đây  xem bệnh nhân như người thân.

Chính sự quan tâm và tình yêu thương của các bác sĩ đã giúp tôi lạc quan hơn, có thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật.

“Chị Linh không thể nghỉ việc quá nhiều. Chị Trang thì lo kiếm tiền chữa bệnh cho tôi. Má tôi đã gần 60, sức yếu nên không thể chăm tôi mãi được. Tất cả chỉ còn nhờ vào anh, mối tình dài năm năm của tôi.

Trong thời gian tôi nằm ở phòng cách ly của khoa ghép suốt 5-6 tháng trời, anh coi bệnh viện là nhà của mình, giường của anh là hành lang bệnh viện. Thời gian đầu lúc chưa được chuyển vào phòng cách ly (phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện), mỗi lần ăn uống tôi phải chờ anh về đút cho từng muỗng nhỏ. Vệ sinh ngay tại giường.

Hơn nửa năm trời ròng rã, cả ngày đi làm, tối anh còn phải học cao học. Học xong, anh mua cơm cho tôi rồi tất tả chạy về bệnh viện” - Thùy Dương xúc động kể.

Dương nghĩ đến mình, đến anh, đến tương lai hai đứa… Nước mắt cứ chảy, mặn đắng. Tuyệt vọng. Không lối thoát. Cô từng úp mặt vào gối cho ngạt thở nhưng không chịu nổi phải bỏ ý định tự tử. Còn anh, lúc trước làm ở một công ty gần bệnh viện nhưng phải đi công tác suốt, không chăm được Dương.

Anh giấu cô chuyển qua công ty khác, ít phải đi công tác hơn để có nhiều thời gian chăm sóc người yêu. Những buổi tối nhìn qua cửa kính Dương thấy anh ngồi bệt xuống nền gạch học bài. Nhìn cảnh đó vừa thương anh, vừa nghĩ đến bệnh tật của mình, Dương quặn thắt lòng...

Cô quyết định chia tay. Suốt một tuần Dương không nói chuyện với anh, với người thân. Gọi điện thoại vào phòng cách ly, Dương ngoảnh mặt đi. Nhưng anh vẫn kiên quyết ở bên cạnh cô. Thùy Dương kể: “Lúc đầu tóc tôi dài ngang vai. Hóa trị đợt một xong là rụng hết. Rờ cái đầu tròn trọc lóc của mình, tôi mặc cảm khủng khiếp. Nhưng vừa nhìn thấy anh chỉ tỏ vẻ bất ngờ mấy giây, rồi rất nhanh anh cười toáng lên: Em xuống tóc rồi hả?

Khi đánh thuốc đợt hai xong, về nhà tôi bị thủy đậu phải nhập viện. Toàn thân từ đầu đến chân bôi thuốc nhìn rất gớm ghiếc. Anh vẫn vào chăm tôi như bình thường. Anh nói chuyện cho tới lúc tôi ngủ mới thôi. Nhưng tôi không ngủ được do sốt liên tục, lại đau đớn. Vậy là hầu như anh cũng thức trắng đêm.

Ngày ghép tủy, khi dòng máu đầu tiên của chị Linh đi vào cơ thể, tôi cảm nhận rõ từ giọt đầu tiên của sự sống, tôi lạc quan nghĩ đến những ngày được sống phía trước.  Anh đến thăm, đứng ngoài phòng cách ly, cầm điện thoại nhìn tôi qua cửa kính hát: “Một con vịt xòe ra hai cái cánh. Nó kêu rằng éc éc éc ẹc ẹc ẹc…”. Anh nghiêng đầu một bên để giữ điện thoại, hai tay làm động tác xòe cánh, vỗ cánh, bơi… Anh cố tình làm tôi vui. Tôi bật cười, thấy vị mặn của nước mắt”.

“Sau khi ghép tủy xong tôi thấy mình ăn được, uống được, đi được, nói được, cười được… Trải qua một hành trình thập tử nhất sinh vô cùng mong manh ấy, tôi đã nhận ra sự sống đáng quý như thế nào, những điều bình thường ấy vô giá như thế nào. Ung thư máu là một tai họa."

"Nhưng cũng chính từ đó mà tôi nhận ra tình yêu sâu sắc và chân thành hiếm gặp của người đàn ông miền Trung mà mình yêu thương. Giờ đây tôi thấy yêu quý cuộc sống này hơn, thấy trân trọng những điều mà mọi người đã giúp đỡ để tôi có được ngày hôm nay” - Thùy Dương nói.

Theo My Lăng (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.