Tập sách của một người thầy

18/12/2005 15:40 GMT+7

Tôi nhớ lại những người thầy của tuổi thơ. Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo; nơi có những hàng tre, dòng sông, cánh đồng, những con đường đất sỏi và Quốc lộ 1 đi qua. Tuổi thơ chúng tôi không có nhiều trò chơi, thú vui như bây giờ - đơn độc và côi cút. Tiếp đó, là một cuộc chiến tranh chết chóc, kéo dài trên quê hương nhỏ bé của chúng tôi trong suốt thập niên 60 và những năm đầu 70.

Có lẽ cuộc sống thôn dã và nhiều đau thương đó đã tạo ra một lớp người lãng mạn, nhiều tình cảm và cũng nhiều khát vọng lớn như lớp học trò chúng tôi.

Tâm hồn và những ước mơ rất người của đám học trò chúng tôi có bóng dáng của những người thầy từ lớp vỡ lòng đến bậc trung học đệ nhất cấp. Hình ảnh ông giáo làng nghiêm trang, nhẫn nại dìu dắt chúng tôi học đánh vần từ chữ quốc ngữ a, b, c... đầu tiên đến những dòng ngoại ngữ bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Rồi chúng tôi học hát: "Má em hừng đông đi cày bừa, tía em hừng đông đi cày bừa, má em là một người nông dân, tía em là một người nông dân...." vang vọng mãi cho đến tận bây giờ. Chúng tôi học chữ và học cả nhân cách của những người thầy. Tôi còn nhớ như in hình ảnh những thầy giáo Đạo, thầy giáo Cương, thầy Quốc, người mà hôm nay lại nhờ đứa học trò từ thời đệ ngũ (tức lớp 8 bây giờ) là tôi giới thiệu về tập sách Thế giới của những điều kỳ diệu của ông.

Nay ông đã ở vào tuổi 82, song tinh thần và trí tuệ của ông thật minh mẫn và muốn làm điều có ích trong quỹ thời gian còn rất ít ỏi và mong manh còn lại của mình. Ông viết thư cho tôi nói về những ấn tượng trong cuộc đời dạy học, ông khen lớp của chúng tôi là những học trò để lại nhiều ấn tượng trong cuộc đời dạy học của ông. Tất nhiên là chúng tôi cũng mừng với những lời khen, có lẽ đó là những lời ông dành cho lớp học trò mà ông cưng nhất mà thôi.

Mười sáu tuổi, thầy Nguyễn Quốc, tức Nguyễn Vi Bản đã ra học ở Huế, biết làm thơ làm văn gửi dự thi báo Thanh Nghệ Tĩnh được giải khuyến khích của thầy Hoài Thanh. Và năm ngoái, học trò của thầy đã xuất bản cho thầy một tập thơ Những nhành xanh, mà khi đọc lại tôi vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh của tuổi thơ tôi ở đó.
Những bài thầy viết được tập hợp trong tập sách Thế giới của những điều kỳ diệu đã xuất hiện trên các tờ báo văn nghệ ở Sài Gòn từ trước khi đất nước được thống nhất, và các tờ báo chính trị xã hội, văn nghệ có nhiều bạn đọc nhất sau giải phóng.

Mong ước của thầy, một người thầy đáng kính của chúng tôi đã sống trên cuộc đời này gần ngót một thế kỷ, chỉ là in được một tập sách nhỏ đã thành hiện thực. Đó không chỉ là niềm vui riêng thầy, mà là niềm vui của các thế hệ học trò nhớ đến công ơn của thầy.

Tôi chỉ tiếc là thầy giáo vỡ lòng của tôi: thầy giáo Đạo đã mất. Thầy Lê Cương từ thời tiểu học thì vẫn còn, vẫn với phong thái của một người thầy mà chúng ta khó tìm lại được: hiền lành, đạo đức và một người luôn để lại niềm cảm mến và kính trọng cho các thế hệ học trò và những người biết đến ông. Ông lại là cậu của tôi.

Một chi tiết cuối cùng khá thú vị với thầy Quốc: những năm dưới chế độ Ngô Đình Diệm, ông là thầy giáo có uy tín được mời làm quận phó hành chính của quận Thăng Bình, quê hương tôi, nhưng thật ra ông là cán bộ hoạt động cho cách mạng được "cài cắm" và ông luôn giữ được cốt cách và sự hành xử của một người trí thức, người thầy giáo mang trong mình dòng máu yêu nước, thương nòi ở bất cứ lúc nào và cương vị nào.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập Thế giới của những điều kỳ diệu của thầy Nguyễn Quốc, một trong những người thầy có ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi thơ và cuộc đời của chúng tôi sau này.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 20/11/2002)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.