Thực phẩm đồng loạt tăng giá

06/08/2013 11:00 GMT+7

Nhiều loại thực phẩm, nhất là thủy hải sản, đã tăng giá do ảnh hưởng thời tiết, đồng thời nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng bắt đầu rục rịch tăng theo giá xăng và điện.

Nhiều loại thực phẩm, nhất là thủy hải sản, đã tăng giá do ảnh hưởng thời tiết, đồng thời nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng bắt đầu rục rịch tăng theo giá xăng và điện.

 Thực phẩm đồng loạt tăng giá
Nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá dù sức mua yếu - Ảnh: H.V

Từ chợ lẻ đến siêu thị đều tăng

Tại Hà Nội, từ cách đây một tuần, rau tại các chợ bắt đầu rục rịch tăng giá. Lúc đầu tăng trung bình 1.000 - 2.000 đồng, nhưng đến ngày 3.8, khi trận bão số 5 đổ bộ, giá rau xanh đã tăng gấp 2 - 4 lần so với cách đây 2 tuần. Theo khảo sát của Thanh Niên ngày 5.8 tại các chợ như: Ngô Sỹ Liên, Hôm, Thái Hà, Ngã Tư Sở… giá rau muống từ 3.000 đồng lên 10.000 đồng/bó; bí xanh từ 5.000 lên 10.000 đồng/kg; bắp cải từ 10.000 lên 17.000 đồng/kg; hành lá từ 10.000 lên 20.000 đồng/kg; xà lách tăng 20.000 lên 40.000 đồng/kg... Thịt heo cũng bất ngờ tăng giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Thịt ba chỉ giá 85.000 - 90.000 đồng/kg; sườn thăn: 120.000 đồng/kg; vai 100.000 đồng/kg…

 

Áp lực tăng giá đầu vào

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food), cho biết chỉ riêng việc giá điện tăng đã làm chi phí về điện của công ty đội lên 840 triệu đồng/năm. Giá xăng dầu tăng cũng tác động mạnh lên nguyên liệu, chi phí sản xuất. Đơn cử như tôm (một loại nguyên liệu sản xuất chính của Saigon Food) cũng tăng giá mạnh, mức tăng lên đến 30 - 40% so năm trước.

Tại TP.HCM, theo đại diện chợ đầu mối Bình Điền, khoảng 2 tuần nay giá nhiều mặt hàng thủy hải sản đã tăng. Mực ống tăng 20.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg, mực lá tăng 20.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg. Nhiều loại cá cũng tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg như cá bạc má tăng từ 57.000 - 58.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg, cá ngân tăng từ 37.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg...

Tại các chợ lẻ, giá thực phẩm tăng cao hơn. Ông Nguyễn Tiền Phong, tiểu thương chợ Thái Bình (TP.HCM), cho biết: Gần đây thủy hải sản tươi sống, từ cá đồng, cá nuôi cho đến cá, tôm, cua, ghẹ, mực đánh bắt tự nhiên đều đồng loạt tăng giá, mức tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với trước.

Từ giữa tháng 7.2013, nhiều siêu thị trên địa bàn TP.HCM đã nhận được thông báo đề nghị tăng giá của một số nhà cung cấp đối với các nhóm ngành tiêu dùng, thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến. Ngày 5.8, đại diện Saigon Co.op cho biết giá một số mặt hàng thủy hải sản như cá thu, cá nục, mực ống tăng trung bình 3-5%. Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh, cho biết từ cuối tháng 7.2013 đến nay một số mặt hàng thuộc ngành hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng… tăng giá khoảng 5% so với trước. Đại diện hệ thống siêu thị Vinatexmart cũng nói có 10% trên tổng số nhà cung cấp thực phẩm, công nghệ có thông báo tăng giá, mức tăng giá khoảng 5%.

Tăng giá cục bộ do bão?

Đánh giá về sự tăng giá đột biến của các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong đó đặc biệt như rau xanh, thịt cá… một lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chiều 5.8 cho rằng nguyên nhân là do tác động cục bộ tại một số địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 5. Theo vị lãnh đạo này, trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ vẫn trên đà tăng. Hai yếu tố có thể nhìn thấy trước là đợt tăng giá xăng hồi giữa tháng 7 tác động lên CPI khoảng 0,1%, giá điện tăng 5% hồi đầu tháng 8 kéo CPI tăng 0,2%. Như vậy, trong tháng 8, CPI sẽ phải gánh 0,3% từ giá điện, xăng tăng; còn lương thực, thực phẩm nếu không có những diễn biến bất thường như dịch bệnh, mưa bão sẽ không tác động đáng kể.

Ngoài ra, với tỷ trọng 39%  trong rổ hàng hóa tính CPI, lương thực, thực phẩm tác động rất nhiều đến việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm. Theo kinh nghiệm, năm 2010 chỉ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm khiến CPI tăng đột biến, lạm phát vượt tầm kiểm soát. Vì thế, Bộ Tài chính vẫn luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT trong điều hành mặt hàng này, đảm bảo chủ động phối hợp với mưa bão, dịch bệnh tạo nguồn cung ổn định, mặt bằng giá hợp lý.

Từ đầu năm đến nay, nhiều sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em cũng đã liên tục tăng giá. Mới đây, nhiều hãng sữa đã có thông báo về việc sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Trước tình hình này, Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương) vừa đề nghị Bộ Tài chính thanh kiểm tra giá sữa trên cả nước. Cụ thể là kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ đối với việc tăng giá sữa và chủ trì, tổ chức đoàn thanh kiểm tra xử lý hiện tượng gian lận thương mại, kê khai gian dối về hàng hóa đối với nhóm sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.

Taxi Mai Linh tăng giá cước

Ngày 5.8, Tập đoàn Mai Linh đã điều chỉnh giá cước taxi. Theo đó, tại khu vực TP.HCM, giá cước tăng từ 300 - 500 đồng/km tùy từng dòng xe. Tại khu vực ĐBSCL chỉ tăng giá cước taxi khu vực TP.Cần Thơ với mức tăng 500 đồng/km. Tại khu vực Đông Nam bộ tăng giá cước taxi đối với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu với mức tăng 500 đồng/km. Tại khu vực miền Trung và miền Bắc, các công ty thành viên của Tập đoàn Mai Linh sẽ phối hợp với hiệp hội taxi các tỉnh, thành họp xem xét điều chỉnh giá cước.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết ngoài Mai Linh, các hãng taxi còn lại chưa tăng giá cước.

Đình Mười

Quang Thuần - Hoàng Việt - Thu Hằng - Anh Vũ

>> Sau bão, thực phẩm tăng giá vù vù
>> Thực phẩm tăng giá
>> Thực phẩm tăng giá tùy tiện
>> Rau xanh, thực phẩm tăng giá đột biến
>> Các mặt hàng thuộc lĩnh vực giáo dục, thực phẩm tăng giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.