Câu hỏi cốt lõi

26/11/2011 01:41 GMT+7

Sau khi gửi văn bản giải đáp những vấn đề mà đại biểu Quốc hội gửi lên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã trả lời chất vấn. Dư luận và các đại biểu tỏ ra chưa thực sự hài lòng với những câu trả lời liên quan.

Sau khi gửi văn bản giải đáp những vấn đề mà đại biểu Quốc hội gửi lên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã trả lời chất vấn. Dư luận và các đại biểu tỏ ra chưa thực sự hài lòng với những câu trả lời liên quan.

Thực sự, các vấn đề của ngành giáo dục, mà nhiều đại biểu bức xúc, tuy không mới nhưng tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua.

Cho nên, chúng ta thử nhìn lại tận gốc vấn đề dựa trên câu hỏi: đâu là sứ mệnh và tầm nhìn của ngành giáo dục nước nhà? Đây vốn dĩ là một câu hỏi cơ bản mà mỗi cá nhân, tổ chức đều phải tự trả lời chính xác nếu muốn thành công. Vì thế, câu hỏi trên đối với ngành giáo dục rất cần được nhận thức rõ ràng.

Thực sự, ai cũng hiểu sứ mệnh của giáo dục là đào tạo ra “tài nguyên con người” làm nền tảng cho xã hội phát triển. Đơn giản là thế nhưng dường như giáo dục Việt Nam đang đi chệch hướng. Những năm qua, quá trình xã hội hóa giáo dục góp phần không nhỏ tạo nên sự chệch hướng trên. Đó là kết quả của những thay đổi cởi mở nhằm thu hút nguồn lực xã hội nhưng vô hình trung khiến nhiều người tham gia đầu tư giáo dục nhằm kiếm lợi. Điều đó thể hiện rất rõ qua việc lạm phát mô hình trường học ở tất cả các cấp và loại hình. Như thế, xu hướng đầu tư vào giáo dục để kiếm lời trở thành chủ đạo nên người học được xem là khách hàng. Ngoài ra, một xã hội phát triển toàn diện cần nhận được “sản phẩm”, do giáo dục cung cấp, là những con người “đủ chất lượng” về mọi mặt: nhân cách, tinh thần cộng đồng, hành xử thường nhật... Cho nên, sứ mệnh của giáo dục đơn giản là đào tạo “tài nguyên con người” cho xã hội nhưng thực tế rất phức tạp.

Trong khi đó, giáo dục lại chưa đào tạo ra những con người “đủ chất lượng” để đóng góp cho xã hội phát triển. Bằng chứng là xã hội liên tục báo động về chất lượng giáo dục, mặc dù chi phí học tập liên tục tăng lên. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, vì xã hội mới là khách hàng của giáo dục, người học chỉ đóng vai trò “sản phẩm”. Sai lầm vừa nói khiến cho giáo dục đánh mất sứ mệnh cần có.

Khi sứ mệnh bị đánh mất, nghĩa là ngành giáo dục không hiểu rõ điều cần làm thì khó có thể đạt được tầm nhìn đúng. Cho nên, các bước phát triển cứ mãi giậm chân tại chỗ của ngành giáo dục Việt Nam là điều dễ hiểu. Chính vì thế, ngành giáo dục nên quay trở về làm rõ câu hỏi cốt lõi ban đầu: đâu là sứ mệnh và tầm nhìn của ngành giáo dục nước nhà? Chỉ khi nào làm rõ được câu hỏi trên thì ngành giáo dục nước nhà mới có được chiến lược phù hợp và xác đáng để đất nước được gặt hái quả ngọt.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.