“Người đàn ông” trong âm nhạc

21/10/2006 14:18 GMT+7

Thật không thể tưởng tượng nổi nếu ai đó có ý định nghe nhạc trẻ mà "luận" đàn ông, (thường thì người ta hay nghĩ đến các "bóng hồng" trong âm nhạc hơn), khi ấy không biết người đàn ông được nhìn nhận - hay ngộ nhận - như thế nào.

Hình ảnh người đàn ông là một trang nam tử giữa cuộc đời, là một "trụ cột" trong gia đình và là điểm tựa của các "bóng hồng"... thế nhưng qua bàn tay "sáng tác" của các nhạc sĩ trẻ hiện nay thì hình ảnh người đàn ông xuất hiện trong các ca khúc nhạc trẻ được phổ biến nhanh trên thị trường xem ra cực kỳ... bi đát. Dù chỉ là hình ảnh của những người đàn ông cá biệt nhưng khi được "đi vào âm nhạc" thì đã trở thành những hình ảnh điển hình thật tội nghiệp cho đấng nam nhi.

Hứa thật nhiều và... khóc cũng thật nhiều

Mở đầu là ca sĩ Ưng Hoàng Phúc với loạt bài "hit" làm mưa làm gió trên thị trường với lời ca được hát nhan nhản khắp mọi nơi trong ca khúc Hứa thật nhiều, thất hứa rồi cũng thật nhiều, tiếp theo là một câu đầy ta thán: "chắc không gặp em đời ta đâu buồn thế" xem ra không đáng mặt đàn ông chút nào. Nhưng chẳng hiểu sao từ khi ca khúc trên ra đời thì không ít đàn ông đã thuộc nằm lòng với câu "cửa miệng" và "chế" lại thành: "Nếu không gặp em, đời ta đã khá nhiều rồi" làm ca khúc trên vốn đã "hot" lại càng "hot" thêm.

Và "ăn theo" các câu chuyện trên nên hàng loạt các ca khúc như Còn đâu lời anh hứa, Giờ thì anh hứa để làm gì… nhằm kể tội những anh chàng "họ hứa" cũng sớm được các fan nữ thi nhau truyền miệng. Bên cạnh "hứa" thì "khóc" cũng là một hình ảnh khá phổ biến và rất "hot" trong các ca khúc trôi nổi trên thị trường như Nước mắt đàn ông, Khi người đàn ông khóc với lập luận "khi cơn mơ đã trôi qua trong đời thì người đàn ông cũng khóc giống như ai", và ca sĩ Lý Hải còn... khuyến khích "hãy khóc đi khóc đi đừng ngại ngùng, hãy để nước mắt chứa chan trong lòng..." để chứng tỏ là người đàn ông cũng... yếu đuối giống như ai.

Đàn ông quá... tham lam

Vì sao anh lại muốn chọn cả hai con đường -  ca khúc đang ăn khách được ca sĩ Cẩm Ly thể hiện chẳng thấm vào đâu so với các ca khúc khác. Nghe ca khúc Thôi anh cứ đi mới thấy cô gái tội nghiệp như thế nào khi thốt lên: "Tôi nào tin vào mắt mình, nhưng rồi tôi phải tin, người kia chính là bạn thân tôi… Anh hãy bước đi vì tôi không cần người dối gian", ca sĩ Hoàn Châu "kể chuyện" một chàng tham lam đã yêu một lúc hai người con gái vốn là bạn thân với nhau. Hiện nay Hoàn Châu cũng rất "ăn khách" trên các sân khấu ca nhạc với ca khúc Người đàn ông tham lam với lời lẽ: "Người đàn ông tham lam chính là anh, một bàn tay năm ngón anh chẳng biết chọn ai…" rồi sau đó kết luận một câu xanh rờn dành cho cánh đàn ông: "Thế gian cũng giống như anh, đàn ông ai chẳng tham lam... yêu một lúc đến hai ba bốn năm cô, rồi cho yêu như vậy mới là yêu". Nghe qua mới thấy cái "sự đời" - vốn rất cá biệt - được người ta đưa vào âm nhạc thật là khủng khiếp như vậy. Thay vì "nghệ thuật hóa" trong cách thể hiện nội dung thông qua các thủ pháp về ngôn ngữ để cho vấn đề có vẻ "nhẹ" đi, hoặc phản ánh được những góc khuất trong tâm lý con người thì đằng này nó lại được mô tả lồ lộ ra bằng những ngôn ngữ trần trụi đến như thế làm cho cánh đàn ông... không thốt nên lời. 

Đàn ông... tội nghiệp, và... luôn bị lừa!

Tệ hơn nữa là đàn ông luôn cho mình là Người đàn ông tội nghiệp như ca sĩ Quách Tuấn Du "tâm sự": "Tôi yêu em ngu ngơ như con thiêu thân lao vào khói mây" trong "phim ca nhạc" có chủ đề... rất tội nghiệp vừa kể trên. Và cũng thật bất ngờ là những đấng mày râu trong các ca khúc thị trường đó dù có ranh ma, tham lam cách mấy thì cũng sớm trở thành nạn nhân và luôn... bị lừa. Mở màn là ca sĩ Lưu Chí Vỹ "làm mưa làm gió" ở các tỉnh miền Tây với câu chuyện Người ấy và tôi, em phải chọn với lời kêu cứu khi trong cuộc tình tay ba: "Ở bên người ấy em sẽ chẳng buồn đau, ở bên cạnh tôi, xin đừng làm khổ tôi" nghe qua thì ai cũng có chút chạnh lòng cho cánh đàn ông. Tiếp theo sau đó là ca sĩ Lý Hải với "hit" Yêu lầm cũng làm gió làm mưa ở các sân khấu ca nhạc miền Tây kéo theo đàn em Lâm Hùng cùng thi nhau kêu khóc Tôi đã lầm tin em. Tất cả vẽ nên một viễn cảnh ảm đạm cho những ai muốn tin vào cái đẹp của tình yêu, của âm nhạc, và tệ hơn nữa là hình ảnh người đàn ông được đem ra "lí lơi" như những anh chàng yếu đuối, luôn bị lừa dù những ca khúc trên được thể hiện bởi các ca sĩ rất đàn ông.

Và bổ sung vào đội ngũ các chàng trai bị lừa đó là một nhạc sĩ cũng rất hào hoa. Thử nghe "bây giờ tôi phải tin ai đây, nếu tin, tôi sẽ luôn bị lừa" do một nhạc sĩ trẻ có những ca khúc khá nổi tiếng trình bày đang được mở liên tục ở các quán cà phê và bài hát có một kết cục hết sức đau đớn: "một lần nữa, tôi bị lừa" để mọi người có thể hiểu là anh không chỉ bị lừa có một lần. Rồi nhạc sĩ này cùng ca sĩ Ưng Hoàng Phúc xuất hiện và tiếp tục "tâm sự" với khán giả về chuyện cả hai... cùng bị lừa: "Thế anh lầm quá, chính anh cũng thế mà... bao năm qua ta chẳng thua ai, nhưng hôm nay ngậm ngùi thôi ta đành bó tay". Nghe qua tâm sự hai người đàn ông như trên thì đúng là... bó tay thật. Nhưng cũng chính cú "bị lừa" này đã tạo ra thêm một "hit" nữa cho chàng nhạc sĩ vốn trước đây rất nổi tiếng với những bài tình ca đẹp.  

Đổ lỗi khi mình... "không lo được gì cho em"!

Ở các sân khấu ca nhạc, mọi người cũng bị "tra tấn" bởi một bài "tình ca" ra rả về thân phận của một chàng trai yêu đương rồi làm ăn thất bại đâm ra oán trách người yêu trong ca khúc Tại em mà tôi như thế, nghe qua mà thấy ngại ngùng cho đấng "nam nhi chi chí" như trên. Tiếp theo thế hệ những anh chàng bất mãn sự đời là ca sĩ Điền Thái Toàn đã đánh dấu sự trở lại của mình bằng album Tôi không lo được gì cho em với lời lẽ như "em ước mơ được sống giàu sang, nhưng tôi vẫn là chính tôi, không lo được gì cho em"  hết sức bi đát bởi một kẻ "bất lực" trong tình yêu mà lại không đành lòng... bỏ cuộc, ngồi buồn và đổ lỗi cho hoàn cảnh như những đứa trẻ rất ngây ngô: "Vì nếu đã biết trước, tôi đã không yêu em thì chẳng khổ đau thế này đâu" rồi sau đó ra một "tuyên ngôn tình yêu": "Giờ đây tôi yêu ai cũng sẽ chẳng yêu thật lòng vì sợ sẽ giống lúc trước, em lại sẽ bỏ tôi mà đi"! Thật là... không tưởng tượng nổi!

Cuộc đời sẽ ra sao nếu mọi người cứ nghe nhạc trẻ mà "luận" đàn ông, vì hình ảnh đàn ông trong các ca khúc ngày nay như bị "xuống cấp" trầm trọng và gần như không còn điểm nào là đàn ông cả. Chỉ là những đàn ông hứa hẹn, bắt cá nhiều tay, rồi bị lừa sau đó đi than thân trách phận và đổ lỗi cho phái nữ. Vì âm nhạc là một loại hình nghệ thuật có tính khái quát cao nên dù hình ảnh đàn ông như thế thật sự có trong đời cũng chỉ là cá biệt, nhưng khi đã được "truyền tụng" qua các ca khúc thì hình ảnh cá biệt đó sớm trở thành hình ảnh điển hình dù những người đàn ông thật sự trong cuộc đời không giống như "người đàn ông ước lệ" được xây dựng theo "mô hình thị hiếu" trong âm nhạc. Đáng tiếc là những hình ảnh nhạt nhòa của người đàn ông như thế trong âm nhạc hiện nay lại được "xây dựng" nên bởi các nhạc sĩ cũng là những người đàn ông chính hiệu!

** Ca sĩ Đoan Trang

Tôi nghĩ đề tài "Người đàn ông" trong âm nhạc rất hay. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện khá nhiều ca khúc có ca từ thể hiện hình ảnh người đàn ông rất phản cảm, dẫn đến việc xuống cấp về nghệ thuật. Trong khi đó, một số bạn trẻ lại thích nghe những bài hát dễ dãi về ca từ lẫn giai điệu, mô tả về người đàn ông đầy yếu đuối, ủy mị, lừa lọc... hoàn toàn không mang tính giáo dục, cần ngăn chặn hiện tượng này. Tôi không bao giờ hát những bài có nội dung như thế.

** Nhạc sĩ Quốc An

Hiện nay một số ca sĩ trẻ không có giọng mà chỉ được ngoại hình bắt mắt nên chuyện họ chọn những bài hát dễ dãi về giai điệu, ca từ để thể hiện là điều dễ hiểu. Hiện nay chúng ta đang hạn chế những ca khúc nước ngoài dịch lời Việt nên những ca sĩ này đã "đặt hàng" hoặc tự ý sáng tác ca khúc với giai điệu rập khuôn nhạc Hàn, Thái hay Hồng Kông, ca từ theo kiểu đối đáp, hát như nói, chỉ sử dụng trong đời thường. Những ca khúc này nhằm gây sốc cho khán giả, nhất là giới học sinh, sinh viên, tạo nên xu hướng "nhạc trẻ". Điều đáng nói là nhiều "ca sĩ" chỉ cần rủng rỉnh tiền là có thể phát hành album nhạc. Và như thế khó mà "ngăn chặn" làn sóng nhạc nói này phát triển.

**Nhạc sĩ Lê Quang

Trước đây ít ai khai thác mặt yếu đuối của đàn ông để làm đề tài cho ca khúc nhưng giờ thì khác. Một số ca sĩ, nhạc sĩ đã tận dụng khai thác triệt để yếu tố này. Theo tôi, thưởng thức, sáng tác hoặc thể hiện âm nhạc đều là quyền tự do của mỗi người. Tuy nhiên phần ca từ nếu phản ánh nỗi buồn của đàn ông cũng chỉ nên nhằm mục đích giúp họ vượt qua chứ không phải oán trách, ta thán. Điểm này thì buộc người sáng tác phải có tâm. Tôi không lên án nhưng chỉ nhắc rằng ở góc độ người sáng tác nên trau chuốt phần ca từ để đạt chiều sâu về nội dung lẫn thẩm mỹ hơn.

Đỗ Tuấn (ghi)

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.