“Văn hóa giao thông”: Chỉ cần đúng luật!

25/10/2009 00:55 GMT+7

Báo Thanh Niên sau khi đăng liên tiếp 5 kỳ về Bi hài văn hóa giao thông, nhiều bạn đọc gửi mail, điện thoại về tòa soạn tán thưởng.

Thì ra chuyện “kẹt xe, ùn tắc và tai nạn giao thông đang là nỗi bức xúc hàng đầu của người dân TP.HCM cũng như nhiều đô thị khác trên cả nước...”; “Ngoài hạ tầng đường sá còn thiếu, "lô cốt" dày đặc... nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe ngày càng trầm trọng là ý thức chấp hành luật, cách ứng xử... của người tham gia giao thông”... “Điều đáng nói, hầu như ai cũng biết điều này, nhưng lại có rất ít người nhìn nhận để thay đổi!”.

Khi ý thức tự giác của nhiều người chưa cao, xã hội kỳ vọng vào sự nghiêm minh của lực lượng kiểm soát giao thông. Thế nhưng, không phải tất cả đều thật sự mẫn cán, tận tụy... thậm chí còn quay lưng với công việc...”. “Bên cạnh xe buýt, taxi cũng là loại phương tiện chạy ẩu không kém. Hình ảnh thường gặp trên đường là loại phương tiện này đi sai làn đường, chen vào làn đường dành cho xe 2 bánh khi dòng ô tô gần giao lộ bị ùn; quay đầu giữa đường hoặc thoải mái tấp vào đón trả khách mà đôi khi chả cần xin đường; thậm chí lấn tuyến đi ngược chiều làn đường ngược lại... gây mất an toàn giao thông...”. Còn ở môi trường giáo dục, thì: xe cộ dừng đậu dưới lòng đường, chen lấn, đi ngược chiều, nhấn còi ầm ĩ... là những hình ảnh thường thấy của các bậc phụ huynh trước nhiều cổng trường học vào giờ đưa - đón học sinh. (Mặc dù ở nhiều cổng trường đều có bảng cấm dừng và đỗ xe!). Những hình ảnh này đang từng ngày làm “hư” ý thức chấp hành luật pháp của chính con em họ...”.

Tự điển không có cụm từ Văn hóa giao thông. Vậy ta có thể tạm hiểu “Bi hài văn hóa giao thông” hàm ý là có nhiều chuyện buồn cười và đau xót trong việc đi lại của người và phương tiện trên đường công cộng hiện nay đi ngược lại những giá trị (cả về văn hóa lẫn luật pháp) của chúng ta.

Sau khi truy nguyên để tìm hiểu rõ ý nghĩa, ta chợt hiểu ra, còn khá nhiều chuyện bi hài hơn nữa đã và đang xảy ra trên các tuyến giao thông, từng ngày từng giờ và ở khắp mọi nơi mà loạt bài chưa nói hết. Ví dụ, đang đi trên đường bị một thau nước rửa chén bát từ lề đường tạt vào mặt. Nhiều nam thanh nữ tú ăn diện đẹp, dùng xe xịn mà vẫn ngang nhiên chạy ngược chiều hoặc bất ngờ quay xe ngay chỗ có bảng cấm. Đang đi xe máy trên đường vẫn bị “dính” ngay một miếng “khạc” từ cửa xe ô tô sang trọng vừa qua mặt. Những chiếc xích lô máy, Honda không phanh không đèn chạy như điên từ nửa đêm về sáng gây ra bao nhiêu tai nạn cho cả người đi bộ trên lề đường. Không chỉ chạy xe lên lề để vượt qua đám đông mà còn băng ngay cả những dải phân cách để đi sang chiều ngược lại. Cả chuyện nhiều gia đình dùng đá gạch, bê tông xây lên bó vỉa hè hoặc đục cả bó vỉa để làm chỗ lên xuống, tạo ra cảnh mất mỹ quan đô thị và cản trở giao thông. Nhiều cửa tiệm, nhà hàng ngang nhiên (hoặc cấu kết) chiếm cả lòng đường để dùng làm chỗ giữ xe cho khách. Những cảnh sát giao thông thay vì dốc sức kiểm tra an toàn giao thông lại xòe tay nhận tiền đút lót của người vi phạm...

Tất cả các hiện tượng (đang dần thành phổ biến) đó phản lại nếp sống có văn hóa trong giao thông ở các đô thị và cả các vùng phụ cận hiện nay. Khi đọc lại những quy định của Luật Giao thông đường bộ, chúng ta dễ thấy tất cả những hành vi vi phạm nêu trên đều đã được nghiêm cấm. Nhưng tại sao chúng vẫn tồn tại và trở thành một thứ căn bệnh nan y như vậy! Câu trả lời là đừng chờ đợi ở ý thức chấp hành luật một cách đơn thuần mà cần có việc thực thi pháp luật một cách phân minh, nghiêm khắc. 

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.