Lang thang vùng ven

13/12/2008 18:07 GMT+7

1 Xin bắt đầu bằng dòng sông. Con sông quê chảy qua tâm thức mọi thời, qua bao biến thiên dâu bể, đời người. Sông đã dựng nên làng và vẫn cứ chảy qua làng ngày mỗi đông đúc, trù phú hơn. Nhưng sông giờ khác lắm.

Không còn bờ tre nghiêng mình soi bóng rộn tiếng chim, hàng dừa nước xanh um trù phú buông rễ giữ bờ kín đáo che những bến sông cho người phụ nữ bao đời tắm giặt, sông hiện đại với đường bê tông và kè đá, khang trang và kênh kiệu phô lòng lềnh bềnh nhiều túm ni-lông rác thải, vỏ hộp, chai dầu gội... Hàng cây với bóng chim, tăm cá đã thay bằng những tiện nghi và rác phố.

Nhưng nếu như dòng sông quê có chút bâng khuâng buồn thì những con đường lại khác. Dù hoàn cảnh nào con người cũng không thích sống cảnh nhà dột cột xiêu, đường lầy chật chội. Những con đường bùn lầy tù đọng đã được thay thế bằng chương trình bê tông hóa nông thôn rất thành công của mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Khắp thôn làng giờ khang trang với những con đường 3-4 mét, với ngã ba ngã tư dễ lẫn lộn mất hút sau hàng cây, ngõ quê. Nông thôn có điện, đường đã thay đổi hẳn. Người ta dễ dàng nhìn thấy cảnh lúa gặt dồn về từng đống chờ xe máy chở từng chuyến, cảnh nông dân chạy xe máy thăm đồng. Những con đường đi qua mấy ngôi nhà mới, đi qua cánh đồng, trường học, qua chợ xây và những hàng quán. Dĩ nhiên còn cánh đồng thì còn gia súc, chuyện đàn bò thong dong đi, về trên lối xe cộ, đủng đỉnh lộp cộp gõ móng là chuyện thường. Cũng như người nông dân, chúng chưa kịp nghĩ tới những đổi thay.

Ngôi nhà cũng thay đổi. Rào tre cổng dúi đã mất nhiều. Đất ở bỗng nhiên trở nên chật hẹp hơn khi nhiều dân phố đổ về mua vài trăm mét vuông xây nhà. Rào cây cần phá bỏ tận dụng diện tích và đến thời rào lưới sắt thoáng đãng khắp nơi. Cây cối chỉ còn ý nghĩa tạo cảnh hay bóng mát. Những vườn rau, ruộng lúa đang thu hẹp dần trong tiếng xe máy dọn bãi cho một khu tiểu thủ công nghiệp, trường dạy nghề hay cơ quan nào đó.

Và quán xá. Thời buổi thịnh hành của quán vườn. Cà phê vườn, quán nhậu câu cá mọc lên, tất yếu phục vụ cho nhu cầu con người muốn thư giãn, giải tỏa bớt những chật chội, căng thẳng sau giờ làm việc, sau cả tuần lễ ngột ngạt bao toan tính, cạnh tranh. Bức tranh quê đang thay đổi từng ngày.

2

 Thay đổi ít thấy nhất là lối sống. Bạn nhìn loáng thoáng trên đường một vài bảng hiệu: quầy tạp hóa, tiệm may, tiệm uốn tóc, sửa chữa xe máy, cửa hàng điện tử... như là điều hiển nhiên. Tuy quê kệch bảng vẽ, lời rao vẫn cứ hãnh diện phô phang chút đổi đời rằng đây chẳng còn một nắng hai sương mà làm kinh doanh và dịch vụ!

Sự khác ở chỗ những tấm bảng hiệu này nhanh chóng lạnh lùng trước mắt khi tâm thức chưa theo kịp. Hồi trước, trong thôn làng, ai cũng biết muốn may áo quần thì tới nhà ông Tám X., bà Bốn T.; muốn mua phân bón cứ lại nhà con Sáu Đ., mua nợ cuối vụ trả bằng lúa... Người quê tin mặt tin hàng chưa hề có bảng hiệu xanh đỏ nào. Rồi đêm đêm đèn chớp nháy cà phê, karaoke... Những anh hai lúa, anh ba thợ hồ đương nhiên có quyền thể hiện mình. Các chị hai, chị ba cũng có quyền tới tận nơi tru tréo lôi cổ chồng về trong cuộc ồn ào mâu thuẫn giữa hưởng thụ và kìm hãm, giữa văn minh học đòi và phèn chua đường phố!

Nhưng hưởng thụ sau đây thì rất đáng khuyến khích. Những người phụ nữ phố mới "nhập cư" có nhu cầu chăm sóc nhan sắc. Tiệm uốn tóc, làm móng phục vụ tại chỗ. Những cô thôn nữ giờ có địa chỉ thường trú thuộc thành phố, sau mùa màng cũng muốn dũa mài trau chuốt móng tay móng chân, muốn sửa lại mái tóc để gặp người yêu cho ấn tượng, sao không, xin được phục vụ! Và bạn cũng không cần thức khuya dậy sớm nhiều. Chén cơm nguội chan nước mắm ra đồng giờ có thể thay bằng mấy lá bánh xèo, ổ bánh mì thịt; cái bánh tráng nhúng ăn khuya giờ có thể bước mấy bước mua vài hột trứng vịt lộn sau khi xem xong bản tin cuối ngày trên đài truyền hình. Và nhất là kem dưỡng da, son phấn cần thiết, quần jeans đáy ngắn, áo dây, giày cho người chân ngắn trên đường quê không còn là hình ảnh quái đản.

3 

 Hỏi chuyện vài cán bộ địa phương rằng ruộng đồng đang dần thu hẹp cho phố hóa đã có những chuyển động phù hợp nào cho nhân sinh? Không có câu trả lời thực sự thỏa đáng. Đúng là không thể. Mọi chuẩn bị, trù liệu thường không theo kịp chuyển động của đời sống. Vấn đề không phải hương ước làng, càng không phải phố ước (nếu có). Mọi người mất ruộng cho các dự án đều tự tìm cách thích nghi. Và cũng chuẩn bị thích nghi cho sự sắp mất. Những kế sách chu toàn chưa thể có thì những thích nghi theo quy luật sinh tồn sẽ bổ sung. Ba má tôi là nông dân. Chuyện giống má, sâu bệnh, thời tiết đã trải hơn sáu bảy chục mùa. Ông bà rất vui khi ngồi nhà mà biết nước Mỹ đang giằng co quyết liệt trong cuộc bầu cử tổng thống, rất tự hào khi em Anh Vũ của Bình Định đứng đầu cuộc thi "Đường lên đỉnh Olimpic" quốc gia...

Mọi vùng ven, ngoại ô nào cũng đang có những chuyển động phức hợp, đa chiều với chút mừng, lo.

Lê Hoài Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.