Hình phạt

30/12/2009 01:35 GMT+7

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh là người có rất nhiều ý tưởng lạ, trong số đó, tôi thích nhất chuyện ông gặp mặt những ông chồng bạo hành vợ để... đàn ông nói chuyện với nhau.

Tiếc là hôm đó tôi không hỏi ông thêm được vài câu bản thân còn thắc mắc, vì mình không phải đối tượng được "mời".

Thắc mắc đó hôm nay mới nói.

Từ ngày 27.1.2010, những ai có hành vi cưỡng bức trong sinh hoạt tình dục vợ chồng cũng sẽ bị phạt tiền từ trên 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Đó là nội dung mà nghị định mới nhất của Chính phủ vừa ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2008.

Có một lần tôi hỏi: "Bạo lực gia đình là răng?". Người được hỏi giải thích: "Là đánh đập, chửi bới, nhục mạ, ghẻ lạnh, ép buộc sinh hoạt tình dục…". Tôi hỏi lại: "Vậy chớ chồng mà bị vợ đánh đập, chửi bới, ghẻ lạnh, ép buộc thì răng?". Đáp: "Thì ai cũng chịu hình phạt như nhau thôi. Nhưng mà trên thực tế đa số nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn là phụ nữ. Tại thành phố Đà Nẵng, 90% nạn nhân của nạn bạo hành gia đình là nữ giới. Trong đó, 45% bị chồng đánh đập; gần 80% bị sỉ nhục, đe dọa; hơn 70% bị bỏ mặc, không quan tâm; gần 10% bị chồng cấm đoán tham gia các hoạt động xã hội. Chưa kể, xét về góc độ kỹ thuật thì làm sao vợ ép chồng… được".

Chưa thông, nhưng thôi thì nghe cũng tàm tạm đi.

Nhưng mấy hôm nay đọc thông tin phạt tiền theo nghị định nói trên xong cứ buồn cười. Đành rằng nghị định hướng dẫn càng cụ thể rõ ràng thì càng tốt. Như thế mới dễ thực thi. Nhưng mà nói thiệt, chiếu theo quy định "bên này ép bên kia quan hệ tình dục sẽ bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng" xem ra không khả thi.

Thứ nhất, đã là vợ chồng, phạt tiền thì cũng là tiền chung cả. Mất tiền biết ai xót hơn ai? Như vậy, về hiệu quả răn đe: thấp!

Thứ hai, so ra nếu muốn quan hệ với vợ (chồng) mình mà phải mất ngần đó tiền thì ai dám chắc người ta không đem mớ tiền ấy đi đổi của lạ, vừa rẻ hơn, vừa khỏi lằng nhằng (hậu quả khác nói sau). Về mặt kinh tế: thiếu hợp lý!

Dù sao, từ nay, nếu bên này đang mệt, đang buồn ngủ, đang bực mình… mà bị bên kia cứ một mực yêu cầu thì kiện, tuy nhiên, bên kia nếu bị khước từ cũng sẵn sàng la làng rằng mình bị ghẻ lạnh, bỏ mặc, cũng kiện luôn. Luật sư tha hồ nhiều việc. Chuyện thụ án chắc chắn là không đơn giản vì khó tìm bằng chứng. Khi có bằng chứng, xử phạt rồi, khối người tiếc tiền, rất có thể ân hận vì mình đã... kiện, sau đó thì không kiện nữa và bạo hành vẫn tồn tại.

Lắm khi cứ tiếc không hỏi được ông Nguyễn Bá Thanh chỗ bất hợp lý trên coi ông xử ra sao. Người có nhiều ý tưởng như ông chắc sẽ nghĩ ra câu trả lời hay. Lắm khi lại tự hỏi, nếu mình là ông Thanh, nghe câu hỏi đó mình sẽ trả lời sao nhỉ? Nghĩ mãi chỉ được cách: "Không phạt tiền, phạt lao động... gia ích (lao động tại gia) cho mấy ông chồng (hoặc bà vợ) "đòi hỏi" bạo hành ấy làm cho rã tay chân ra, khỏi ham hố chi nữa". Nhưng mà ai giám sát lao động gia ích đây? Cũng chưa khả thi lắm, vì thế câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời.

Dù sao nghị định này ra đời cũng cho thấy xã hội ta đang ngày một hướng tới sự văn minh. Nhưng văn minh hơn là việc xử phạt mà người nộp phạt cũng phải tâm phục khẩu phục. Văn minh hơn nữa thì mỗi người được dạy dỗ kỹ lưỡng hơn, để tự trọng hơn, biết tôn trọng, thông cảm với người khác hơn… Không có bạo lực gia đình, luật sư, tòa án và khối người thiếu việc làm, đã!

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.