Căng thẳng tại Copenhagen

09/12/2009 23:53 GMT+7

Một dự thảo về biến đổi khí hậu vừa bị tiết lộ và làm bùng lên chỉ trích từ nhiều phía, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch) lại vấp phải rắc rối hôm thứ ba khi đại diện các nước đang phát triển, các tổ chức bảo vệ môi trường và các nhóm cứu trợ phản đối dữ dội một dự thảo do nước chủ nhà đề xuất. Nội dung dự thảo bị chỉ trích là quá ưu ái cho các nước giàu trong các vấn đề then chốt. Theo AP, dự thảo đề ngày 27.11 đã được một số quốc gia thảo luận trước khi diễn ra sự kiện tại Copenhagen.

Dự thảo này xoay quanh những điểm chính là tìm ra một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012 và đề ra một thời gian cụ thể cho đỉnh cao nhất của lượng khí thải công nghiệp và phấn đấu giảm khí thải sau mốc đỉnh cao đó. Nội dung dự thảo cũng nêu rõ mục tiêu vào năm 2050 sẽ cắt giảm 50% lượng khí thải so với mức của thập niên 1990.

Các ý kiến chỉ trích cho rằng những nước lớn như Mỹ tuyên bố mục tiêu giảm khí thải quá thấp và để hoàn thành hạn mức vào năm 2050, gánh nặng trên vai các nước nghèo và các nền kinh tế đang nổi sẽ cực lớn, theo BBC. Chưa kể việc đề ra một thời điểm cho đỉnh cao của lượng khí thải sẽ kềm hãm sự phát triển của nhiều nước. Hơn nữa, việc một số nước lớn tự thảo luận và ra đề xuất bên ngoài hội nghị khiến các thành viên có vị thế kém hơn của LHQ lo sợ bị gạt ra khỏi quyết định cuối cùng.

“Nếu biến đổi khí hậu là nguy cơ lớn nhất cho tương lai nhân loại thì 10 tỉ USD có thấm vào đâu. Số tiền này không đủ mua quan tài cho người dân các nước nghèo”.
Đại biểu Lumumba Stanislas Dia Ping (Sudan)
Đại biểu Lumumba Stanislas Dia Ping của Sudan phê phán dự thảo đã "đe dọa tới quá trình đàm phán tại Copenhagen.", theo AFP. "Không thể chấp nhận một thỏa thuận sẽ đẩy 80% dân số thế giới vào khổ sở và bất công", ông nói. Đại diện của tổ chức Oxfam International Antonio Hill nói dự thảo phớt lờ lợi ích của những người nghèo nhất. "Giống như kiến trong căn phòng đầy voi, các nước nghèo đang có nguy cơ bị gạt ra khỏi đàm phán ở Copenhagen".  Người đứng đầu cơ quan về khí hậu của LHQ Yvo de Boer và chủ tịch hội nghị Connie Hedegaard của Đan Mạch cố làm dịu tình hình bằng cách tuyên bố dự thảo trên không phải là văn kiện chính thức và đừng để nó gây xao lãng trong quá trình đàm phán.

Thật ra, vấn đề bản dự thảo chỉ là biểu hiện cho bất đồng cực kỳ sâu sắc giữa hai thế giới giàu-nghèo về việc chia sẻ gánh nặng của biến đổi khí hậu. Hãng tin AP hôm qua dẫn lời ông Dia Ping chỉ trích mức hỗ trợ 10 tỉ USD cho các nước nghèo thích ứng và ngăn chặn hậu quả biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2013-2020 do EU ấn định. Ông nói con số này quá nhỏ nhoi so với hơn 1 ngàn tỉ USD bỏ ra để cứu các định chế tài chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi. "Nếu biến đổi khí hậu là nguy cơ lớn nhất cho tương lai nhân loại thì 10 tỉ USD có thấm vào đâu. Số tiền này không đủ mua quan tài cho người dân các nước nghèo", ông nói. Cần nhớ là cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào chịu bỏ tiền giải ngân cho khoản đóng góp trên.

Xem ra con đường đạt được đồng thuận trong ngày cuối cùng của hội nghị Copenhagen vẫn còn lắm chông gai. Trong khi đó, một báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới công bố hôm 8.12 cho hay thời gian 10 năm 2000-2009 là thập kỷ nóng nhất kể từ khi giới khoa học bắt đầu đo nhiệt độ Trái đất vào năm 1850, kéo theo nhiều hậu quả ngày càng khủng khiếp và sát sườn.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.