Tuyên chiến với lãng phí - Giải pháp từ các đại biểu Quốc hội

21/10/2005 23:56 GMT+7

Trong suốt loạt bài vừa qua, Báo Thanh Niên đã chỉ ra cụ thể những địa chỉ thất thoát lãng phí trên nhiều lĩnh vực, nhiều thời điểm khác nhau, trải dài từ Nam ra Bắc... Tại phiên khai mạc kỳ họp QH, Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định: “Tệ quan liêu, lãng phí đang rất phổ biến và nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, khiến lòng dân không yên, có nhiều bất bình, gây cản trở phát huy sức mạnh của dân và hiệu lực của Nhà nước”. Rất nhiều đại biểu QH chia sẻ với Báo Thanh Niên, đồng thời khơi gợi những đề xuất nhằm góp phần hạn chế tệ nạn này.

 

Đại biểu Tào Hữu Phùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH: “Ai duyệt chi lãng phí phải bị xử lý từ hành chính đến hình sự”

 


Ảnh: CTV

Mặc dù QH đã có nghị quyết, Chính phủ cũng có nhiều chỉ đạo nhưng hiện nay, thất thoát, lãng phí vẫn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; đón nhận huân, huy chương; hội nghị, hội thảo; chi mua sắm, sửa chữa tài sản công... vượt quá định mức, xây dựng trụ sở quá rộng... Việc các bộ, ngành, các cấp chính quyền tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài, tiếng là học tập kinh nghiệm, hội thảo nhưng thực chất là đi chơi, đi du lịch... cũng gây lãng phí tiền nhà nước ghê gớm. Tôi hy vọng khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được ban hành sẽ có cơ chế rất cụ thể. Pháp lệnh hiện nay thì cơ chế xử lý chưa cụ thể, chưa nghiêm. Người ta gây ra tổn thất, thất thoát chẳng xử lý gì cả... Luật sẽ quy định cụ thể ai là người duyệt chi thì người đó phải  chịu trách nhiệm theo các mức từ bị xử lý hành chính đến cách chức, xử lý hình sự. Dự án Luật đầu tư, Luật đấu thầu sắp tới được QH thông qua cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng này. Nhưng theo tôi, cái ta chưa lập được trật tự, kỷ cương trong việc tiết kiệm chính là thiếu tính tự giác của từng công chức đến cán bộ có chức, quyền... Phong trào toàn dân giám sát, đấu tranh chống lãng phí chưa mạnh. Việc phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên đi đôi với việc kiểm tra, giám sát, quy trách nhiệm xử lý... còn rất yếu.

 

Đại biểu Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Chống thất thoát, lãng phí phải rất tập trung”

 


Ảnh: CTV

Theo tôi, việc chống lãng phí, thất thoát phải rất tập trung, trước hết hướng vào những dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, những đề án lớn có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng trở lên, làm cho "ra ngô, ra khoai" để truy ra trách nhiệm. Như vụ án trong ngành dầu khí phải tìm xem trách nhiệm còn ở đâu nữa. Dù lãng phí trong chuyện mua sắm xe, điện thoại... cũng nhiều nhưng không lớn bằng lãng phí trong xây dựng cơ bản. Trong nhiều báo cáo, người ta nói thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản 20-30%. Đầu tư cho xây dựng mỗi năm rất lớn: 20-30 ngàn tỉ đồng mà thất thoát, lãng phí chừng đó là quá ghê gớm. Những công trình lớn thuộc về Chính phủ, các bộ... Như vậy, những ông bộ trưởng thế nào? Đến lúc không thể từ chối trách nhiệm được. Hình thức kỷ luật hiện nay cũng đã có nhưng ai làm? Chính phủ có nhiều chương trình như 5 triệu ha rừng, chương trình đánh bắt cá xa bờ, nhưng do khâu tổ chức thực hiện không ra gì cho nên chương trình chưa hiệu quả và vì thế cũng rất lãng phí. Công khai, minh bạch cũng sẽ làm giảm tình trạng lãng phí. Lãng phí ở khu vực ngân sách cũng lớn mà lãng phí của dân ở ngoài xã hội cũng lớn. Lãng phí bây giờ như một bệnh dịch mà người ta nói mãi nhưng không làm gì nhiều nên nó càng lan truyền. Lãng phí lớn có thể thấy ngay ở nhiều dự án lớn, hay nhìn vào bảng tổng chi ngân sách: mỗi năm ngân sách chi cho giáo dục gần 43.000 tỉ đồng, chi cho y tế cũng vào chục ngàn tỉ nhưng thực tế, chất lượng giáo dục, dịch vụ y tế vẫn thấp thì phải chăng cách thức đầu tư, rót tiền ngân sách cho lĩnh vực này chưa hiệu quả và ở một khía cạnh nào đó có thể nói đấy là lãng phí. Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí được thông qua kỳ này, tôi cho là sẽ tạo ra một không khí mới cho việc chống lãng phí, nhưng vấn đề chính vẫn là ở chỗ hành động, tổ chức thực hiện.

 

Đại biểu Mai Quốc Bình, Phó tổng thanh tra Chính phủ:  “Người tiết kiệm phải được thưởng...”

 


Ảnh: M.Q

Chống lãng phí phải gắn liền với động lực, lợi ích còn kêu gọi chống lãng phí một cách chung chung thì không đem lại kết quả. Người tiết kiệm được, tiết kiệm được nhiều thì cũng phải được hưởng một khoản gì đó, khích lệ để họ tích cực trong tiết kiệm hơn. Vừa qua ở một số nơi như Bộ Tài chính hay ở TP.HCM..., việc khoán kinh phí, hay khoán biên chế đẩy mạnh việc tiết kiệm trong cơ quan, công sở đã tạo ra các khoản để cải thiện đời sống đáng kể cho cán bộ, công chức. Bớt hội họp vô ích đi, bớt lãng phí điện, nước, giấy tờ đi... sẽ tiết kiệm được những khoản không nhỏ đâu. Theo tôi, lãng phí còn lớn hơn nhiều so với tham nhũng. Đáng tiếc là ta cũng chưa thống kê được. Những cái lãng phí lớn nhất, theo tôi, là lãng phí thời gian, lãng phí trong chủ trương, chính sách không nhất quán... làm kéo dài thời gian thực hiện một công việc, một dự án, một chương trình nào đó. Thanh tra Chính phủ cũng đã tiến hành thanh tra nhiều dự án, công trình vay vốn ODA và phát hiện thấy nhiều dự án vay vốn ODA có số vốn rất lớn, hàng chục, hàng trăm triệu USD nhưng riêng khâu chậm trễ triển khai dự án, việc tổ chức thực hiện yếu kém cũng đã khiến lãi suất đi vay đội lên rất cao. Cho nên, dù là vay với lãi suất thấp nhưng thành ra lãi suất phải trả thực tế lại rất cao, rất lãng phí. Việc chống lãng phí hiện nay chỉ dừng lại ở việc kêu gọi thôi chứ không có chế tài, kỷ luật rõ ràng, không có sự tự giác sâu sắc nên nhận thức về tiết kiệm hay không tiết kiệm nó chỉ là cảm tính thôi.

 

 Mạnh Quân (thực hiện)

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.