Cơ hội mua nhà của người thu nhập thấp

15/12/2004 22:36 GMT+7

Quy chế thí điểm về bán nhà trả góp cho người có thu nhập thấp tại Hà Nội đang được chính quyền thành phố xây dựng. Động thái này - dù còn một số bất cập cần chỉnh sửa - đã mở ra hy vọng cho rất nhiều người có thu nhập thấp chưa có nhà ở.

Trả góp 700.000 đồng/tháng vẫn quá cao

Cuối cùng, đối tượng người có thu nhập thấp của Hà Nội cũng được xác định: đó là những người có thu nhập bình quân trong gia đình dưới 500.000 đồng/người/tháng. Quy chế bán nhà cho những đối tượng này đang được xây dựng, trong khi thành phố đang có khoảng 202 căn hộ chung cư đợi bán.

Thành công khiêm tốn của dự án thí điểm bán nhà cho người thu nhập thấp đầu tiên (dự án 228 Đường Láng, 25 căn hộ) đã buộc các cơ quan chức năng của Hà Nội phải thận trọng hơn trong việc xây dựng quy chế bán nhà tại các dự án B3, B4, B5 Cầu Diễn (thuộc dự án tổng thể xây dựng khu nhà ở Cầu Diễn, huyện Từ Liêm), CT1B Xuân La (thuộc dự án tổng thể xây dựng khu nhà ở cao tầng tại phường Xuân La, quận Tây Hồ), dự án 9 tầng Xuân Đỉnh (thuộc dự án tổng thể xây dựng khu nhà ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm). Để được ưu đãi về nhà ở, cụ thể là mua nhà trả góp trong các dự án của thành phố, người mua phải được xác nhận có khó khăn về nhà ở (diện tích ở dưới 5m2/người).

Một quan chức trong Ban Điều hành Chương trình phát triển nhà thành phố lý luận rằng không thể bắt buộc các ngân hàng tham gia vào nếu họ không muốn mà bản thân các cơ quan, chủ sử dụng lao động phải chủ động tạo ra quỹ phúc lợi phục vụ nhu cầu cải thiện nhà ở của người lao động từ sự tự nguyện đóng góp của chính họ. Nói như vậy cũng không sai, nhưng sẽ là chưa đủ khi muốn quy chế về việc giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở có tính khả thi. 

Ngoài ra, một quy chế chung bán nhà cho người thu nhập thấp (dự kiến bán khoảng hơn 20.000 m2 sàn mỗi năm) cũng đang được khẩn trương xây dựng. Ngoài đối tượng vẫn được xác định là cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp; cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần và cán bộ, công chức nghỉ chế độ..., lần này dự thảo quy định cụ thể về thu nhập bình quân của hộ gia đình và cơ chế bán nhà trả dần trong 10 năm. Theo đó, người mua nhà sẽ phải trả 70% giá thành xây dựng của căn hộ ngay sau khi ký hợp đồng mua nhà; 30% giá thành xây dựng còn lại trả dần hằng tháng trong 2 năm. Phần tiền còn lại (giá bán theo hợp đồng mua nhà trừ đi giá thành xây dựng), người mua nhà được trả dần hằng tháng trong thời hạn 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng.

Chưa nói đến những thủ tục của việc mua nhà (được biết cũng hết sức phức tạp như phải có đơn đề nghị có xác nhận của thủ trưởng cơ quan, công đoàn, bản kê thu nhập các thành viên trong gia đình có xác nhận của cơ quan từng người...), phương thức thanh toán kể trên trong trường hợp này rất không khả thi. Thu nhập dưới 500.000 đồng/người tháng, nhất là lại ở một thành phố đắt đỏ như Hà Nội là thì chắc chắn quanh năm phải "giật gấu, vá vai", không thể nghĩ đến chuyện mua nhà, dù có trả chậm tới vài chục năm. Theo tính toán cụ thể của Sở Xây dựng, để mua một căn hộ chung cư diện tích 50m2 theo quy chế, người mua nhà phải trả ngay 140 triệu đồng, sau đó, với thời gian trả góp 10 năm, lãi suất vay vốn 10%/năm thì người mua nhà phải trả góp khoảng 1.000.000 đồng/tháng; nếu lãi suất vay vốn 5% thì người mua phải trả 700.000 đồng/tháng. Đây rõ ràng là những con số vượt quá khả năng chi trả của đa số cán bộ, công nhân viên, công chức, viên chức, đối tượng của quy chế. Theo một điều tra khác, số tiền tích lũy cho việc xây nhà, thuê nhà của các hộ gia đình thuộc đối tượng kể trên tại Hà Nội chỉ khoảng 249.400 đồng/tháng (TP Hồ Chí Minh có thể cao hơn, khoảng 305.549 đồng/tháng/hộ). Trong khi đó, quy chế này hoàn toàn không đề cập đến sự tham gia của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng trong việc hỗ trợ các đối tượng mua nhà trả góp thông qua việc kéo dài thời hạn vay vốn và giảm lãi vay. Quỹ Phát triển nhà của thành phố đã được bàn đến việc mở rộng quy mô nhưng cũng chỉ là để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư vay vốn mà không phải để cho người mua nhà vay.

Vào thời điểm này, Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng đề án phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị và khu công nghiệp tập trung, dự kiến trong đó có đề cập đến những hỗ trợ về tiền sử dụng đất, vốn xây dựng hạ tầng... của Nhà nước để khống chế giá bán nhà chung cư cho đối tượng này ở mức 2,5 triệu đồng/m2 và sự hỗ trợ của các ngân hàng trong việc kéo dài thời hạn vay vốn. Tuy nhiên, đề án này cũng đang gặp lúng túng trong việc quy định về phương thức mua, bán nhà.

TP Hồ Chí Minh: Chưa có quy chế rõ ràng

Trong năm 2004, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành 4.500 căn nhà dành cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, con số ấy vẫn còn ít ỏi so với nhu cầu. Những người có thu nhập thấp chưa có nhà ở vẫn cố gắng tìm kiếm cho mình một cơ hội...

Rào cản

Theo số liệu của UBND TP Hồ Chí Minh, có 23 dự án đã được duyệt để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp với số lượng nhà ở là 9.355 căn sẽ được hoàn thành trong các năm 2005 và 2006. Số lượng nhà này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu về nhà ở vốn rất bức xúc hiện nay của những người có thu nhập thấp. Nhưng gay go nhất vẫn là việc xây dựng một quy chế rõ ràng cho vấn đề rất cấp thiết này. Quy chế ấy, theo một chuyên viên về quản lý đô thị của thành phố, phải tạo điều kiện tối đa để thu hút mọi thành phần xã hội tham gia xây nhà cho người có thu nhập thấp, bao gồm vấn đề quỹ đất, cơ chế thu hút vốn đầu tư, giá bán và phương thức thanh toán, vấn đề phân phối nhà ở sao cho đúng đối tượng có nhu cầu... Giám đốc của một doanh nghiệp từng đăng ký tham gia xây dựng gần 1.000 căn nhà bán trả góp cho người có thu nhập thấp, là đơn vị tư nhân tiên phong trong lĩnh vực này cũng phải ngậm ngùi: "Do chưa có quy chế rõ ràng nên việc xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp vẫn còn gặp phải sự thờ ơ của xã hội, nhất là các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh nhà ở". Vị giám đốc này kể rằng, dự án của công ty ông triển khai xây dựng từ năm 2003 nhưng sau rất nhiều lần yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền mới duyệt giá bán. "Đó chính là rào cản trong thực hiện dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp. Sự chậm trễ càng làm tăng khó khăn cho người cần nhà. Do đó cần sớm có quy chế về vấn đề này" - ông nói.

Vốn đầu tư ở đâu?

Để huy động được quỹ đất cho chương trình xây nhà bán trả góp cho người có thu nhập thấp, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch rà soát lại các dự án đã được giao đất trước đây để bổ sung quỹ đất cho chương trình, chỉnh trang các khu nhà lụp xụp, các chung cư xuống cấp để xây dựng hàng loạt khu chung cư mới dành cho người có thu nhập thấp...  

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh - nơi chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, lộ trình nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2010, nhà bán cho người có thu nhập thấp phải được thanh toán theo hình thức người mua chỉ phải trả trước 30%, số còn lại trả góp từ 10 đến 15 năm hoặc người mua sẽ trả tiền theo tiến độ thi công công trình. Giá bán một căn hộ khoảng từ 200 triệu đồng đối với loại chung cư từ 5 tầng trở lên, có diện tích bình quân là 50m2. Những trường hợp khó khăn hơn có thể thuê căn hộ để ở theo hình thức đóng tiền ký quỹ trước 3 năm, chia ra làm 2 kỳ đóng trong 2 năm đầu khi thuê ở và số tiền ký quỹ này sẽ được hoàn trả cho người thuê nhà khi hết nhu cầu thuê nhà. Theo tính toán của Sở Xây dựng, mỗi căn hộ 50m2, chung cư 5 tầng trở lên được xây dựng cho thuê dự kiến vốn đầu tư chỉ vào khoảng 150 triệu đồng. Dù vậy, để xây dựng được 60.000 căn hộ bán trả góp và 10.000 căn hộ cho thuê từ nay đến năm 2010 phải có ít nhất là 13.500 tỉ đồng. Vốn đầu tư là khó khăn lớn nhất trong việc phát triển quỹ nhà ở, do vậy Sở Xây dựng cũng đưa ra 6 hình thức huy động vốn đồng thời cũng đề xuất các chính sách tạo điều kiện và ưu đãi cho các nhà đầu tư tham gia chương trình này.

T.T.Bình 

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.