TP.HCM: Dân tiếp tục bức xúc về đồng hồ nước chạy sai

04/10/2005 23:25 GMT+7

Sau bài Dân chóng mặt vì đồng hồ nước chạy sai, lại thêm nhiều trường hợp người dân bức xúc phản ánh đến báo về tình trạng nàỵ…

Chiều 4/10, người nhà ông Trần Ngọc Châu ngụ ở 28 Bàu Cát 1, P.14, Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết, từ khi đồng hồ nước (ĐHN) của gia đình được thay mới, thì số tiền nước phải đóng tăng lên 400.000 - 500.000đ/tháng, gấp 4-5 lần so với thời gian còn sử dụng ĐHN cũ. Từ khi sử dụng ĐHN mới, lượng nước sử dụng luôn ở mức 45 - 65m3/tháng (trước đây chỉ khoảng 25m3/tháng) trong khi số người sử dụng nước trong gia đình trước và sau khi thay ĐHN mới vẫn không thay đổi (5 người) và chỉ dùng nước để sinh hoạt hằng ngày như nấu ăn, tắm, giặt... Bức xúc trước tình trạng này đã xảy ra hơn 6 tháng qua, ông Châu báo lên Công ty Cấp nước TP.HCM. Công ty Cấp nước có cho nhân viên xuống kiểm tra và kết luận ống nước không bị bể hay rò rỉ, nhưng sau đó không giải quyết gì. Một trường hợp khác, ông Nguyễn Phước Long, nhà số 10B Trần Não, P.Bình An, Q.2 (TP.HCM) cho biết: "Cách đây hơn 1 năm, nhân viên Chi nhánh Cấp nước (CNCN) Thủ Đức đến nói ĐHN của gia đình tôi chạy không chính xác, yêu cầu thay mới. Sau khi thay, chỉ số ĐHN tăng rất cao so với trước. Đầu năm 2005, gia đình tôi làm đơn yêu cầu kiểm tra ĐHN có chính xác hay không. Đến tháng 5/2005, nhân viên CNCN đến kiểm tra và khẳng định ĐHN chính xác. Nhưng so với mức sử dụng nước trong gia đình và chỉ số của ĐHN trước khi thay mới, tôi cho rằng ĐHN mới chạy không chính xác".

Ngày 3/10, CNCN Phú Hòa Tân đã có văn bản phúc đáp Báo Thanh Niên về trường hợp bà Nguyễn Thị Lệ (số 12 Nguyễn Thái Học, P.Tân Thành, Q.Tân Phú) phản ánh ĐHN chạy sai. Giám đốc chi nhánh - ông Nguyễn Năng Thân cho biết, đại diện CNCN Phú Hòa Tân và SAWACO ngày 3/10 đã đến tận nhà bà Lệ để tiến hành kiểm định ĐHN nhưng do chủ nhà đi vắng, người thân của chủ nhà không đồng ý cho kiểm định. CNCN Phú Hòa Tân sẽ liên hệ với khách hàng này để giải quyết thỏa đáng. Ông Lý Chung Dân, Phó tổng giám đốc SAWACO ngày 4/10 cho biết: "Các phản ánh của khách hàng về ĐHN chạy nhanh, chúng tôi cố gắng giải quyết trong ngày. Tuy nhiên, có một số khách hàng không đồng ý cho tháo gỡ ĐHN mang đi mà yêu cầu được kiểm tra tại chỗ. Để đáp ứng yêu cầu này, chúng tôi vừa đặt hàng Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 (Trung tâm 3) làm các thùng nước đạt chuẩn 100 lít, một tháng nữa mới xong, sẽ giao cho các CNCN dùng làm phương tiện kiểm tra ĐHN".

Liên quan đến phản ánh của người dân về tình trạng nước đục xảy ra vào những ngày qua, Phó tổng giám đốc SAWACO - ông Bùi Sỹ Hoàng giải thích nguyên nhân do vào đêm 30/9, Nhà máy nước ngầm Tân Bình đã ngưng bơm để thực hiện kế hoạch súc xả đường ống định kỳ. Dù SAWACO đã có kế hoạch điều tiết van trước và sau khi Nhà máy nước Tân Bình ngưng bơm, nhưng một số khu vực đầu nguồn tiếp nhận nước vẫn xảy ra hiện tượng nước đục cục bộ. Cụ thể tại các địa chỉ trên đường Ba Vân, Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình); u Cơ, Trần Hưng Đạo, Thạch Lam (Q.Tân Phú), Bình Thới và cư xá Lê Đại Hành (Q.11), SAWACO cho biết đã khắc phục xong bằng cách cho súc xả các vị trí xảy ra nước đục nói trên. Về lâu dài, để hạn chế tình trạng nước trên mạng bị giảm chất lượng mỗi khi Nhà máy nước Tân Bình thay đổi chế độ vận hành, SAWACO đang từng bước xây dựng kế hoạch khoanh vùng cụ thể khu vực tiếp nhận nguồn nước từ nhà máy này, tức nguồn nước ngầm Tân Bình chỉ được cung cấp trong vùng lân cận nhà máy, không cho hòa chung vào nguồn nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai như hiện nay.

Mai Vọng - Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.