Thầy & trò đi xóa “mù “điện

21/11/2010 09:16 GMT+7

Có một chàng trai trẻ vừa làm Tổng Giám đốc, vừa là giảng viên đại học vẫn thường cùng với sinh viên về các làng quê, phát bóng đèn dây điện và sửa điện miễn phí cho bà con nông dân. Tất cả đều từ tiền túi của anh.

Tôi và thầy giáo Đặng Minh Chưởng đến một số nhà dân trong xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Xã nghèo bên sông Lam này vừa trải qua một trận lũ lịch sử, ngấn nước vẫn còn in trên các mái nhà. Trong đợt lũ, anh Thọ ở xóm 9, chèo thuyền cầm vào dây điện đã bị điện giật chết. Người ta bồi thường cho gia đình anh 90 triệu. Thế thôi.

Gần như nhà nào chúng tôi đến, cũng phô bày một thảm trạng nguy hiểm về an toàn điện, như dây bị hở, ổ cắm long ốc, không cầu dao cầu chì. Tôi hỏi chuyện, lại buồn vì một lẽ khác nữa: mỗi tháng có những gia đình chỉ dùng khoảng 5 - 10 nghìn tiền điện, hầu như chỉ để thắp sáng cái bóng đèn nhỏ xíu vào đầu giờ tối để ăn cơm. Vì nghèo, họ nhịn điện.

Tổng giám đốc về làng sửa điện giúp dân

Vợ chồng ông nông dân Trần Thị Hồng, Nguyễn Văn Quý ở xã Nam Cường, huyện Nam Đàn thường bị điện giật. Lắm hôm điện giật méo cả mồm, nhưng ông bà già trên sáu mươi này cũng chẳng thể “giải mã” được nguyên nhân. Giật nhiều quá cũng thành quen, rồi xem như một chuyện thường ngày vậy.

Sáng nay, bỗng dưng có bốn cậu sinh viên và một thầy giáo từ thành phố Vinh đến, xin phép vào nhà ông bà, soi rất kỹ hệ thống điện. Sau khi xem xét kỹ, thầy giáo bảo: “Dây điện nhà bác hỏng nhiều, ổ cắm lòi cả lõi đồng, cầu dao tênh hênh ngay cạnh bể nước, bọn cháu sẽ mắc lại và thay cho bác”.

Thầy giáo hướng dẫn sinh viên trèo lên nhà, tháo dỡ dây cũ, thay dây và bóng đèn mới. Lụi hụi một lúc thì xong, ngôi nhà ba gian của ông Quý sáng hẳn lên bởi bóng đèn mới được lắp ở vị trí trung tâm. Ông Quý nhìn hệ thống dây điện mới, vui lắm, mới khẽ khàng hỏi: “Thầy trò làm hết bao nhiêu tiền, tui xin gửi”. Thấy giáo cười bảo: “Chúng con giúp hai bác miễn phí”. Ông Quý ngỡ ngàng. Cả đời ông chưa được nhận cái gì miễn phí có giá trị như thế...

Nhưng từ lâu, thầy giáo Đặng Minh Chưởng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực miền Trung, Trưởng Cơ sở liên kết đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM tại Nghệ An vẫn thường về nông thôn “xóa mù” kiến thức về điện và lắp đặt thiết bị điện miễn phí cho bà con nông dân.

Cơ sở liên kết đào tạo ở Nghệ An của ĐH Công nghiệp TPHCM có gần 5.000 sinh viên, chủ yếu đào tạo nghề, dĩ nhiên thầy Chưởng rất bận nhưng đã thành thói quen, cứ vào ngày chủ nhật, thầy giáo này lại cùng sinh viên xách túi đồ nghề, dây điện, bóng đèn lên xe máy đi về các vùng quê. Sau đợt lũ vừa rồi, thầy trò đi cả vào những ngày làm việc bởi có quá nhiều nhà dân đang chìm trong bóng tối vì hỏng điện...

“Chỉ cần một ít kiến thức cơ bản về điện, họ có thể cải thiện được mạng điện trong nhà, chất lượng cuộc sống sẽ được nâng cao và tránh được những tai nạn điện không đáng có. Nếu làm được thế cũng sẽ tiết kiệm cho nhà nước một lượng điện khổng lồ. Tôi nung nấu ý tưởng và bắt mình phải hành động." - Thầy giáo Đặng Minh Chưởng.

Chưởng thích học vật lý và “nghiện” sửa điện từ nhỏ. Mới học lớp 8 đã biết mắc điện nhưng bây giờ nghĩ lại Chưởng thấy ớn lạnh. Ớn lạnh vì lúc ấy chưa hiểu gì về nguyên lí điện, không biết ngắt cầu giao, không có bút điện mà tay trần vẫn ngồi trên bàn “hồn nhiên” nối dây điện. Có lần chặt cây làm đứt dây điện nhà hàng xóm, Chưởng tháo dây, cắt ngắn ra để tìm chỗ bị hở mạch và thử bằng bóng đèn. Bây giờ khi đã trở thành một giảng viên vật lý, nhớ lại, Chưởng vẫn toát mồ hôi...

Mỗi lần về quê ở huyện Đô Lương, mẹ vẫn hay phàn nàn về điện, lúc thì cái ổ cắm lỏng, lúc thì cái nồi cơm điện nấu mãi mới sôi, lúc thì quạt lò thổi bếp không quay. Nhà bà con xóm giềng hầu như cũng đều có vấn đề về điện.

Chưởng tâm sự: “Tôi thấy nhận thức về điện của bà con nông dân còn đơn giản quá. Họ chưa hiểu hết được sức mạnh của điện, độ nguy hiểm của điện. Họ hứng đâu là lắp điện đó, không theo một nguyên lí gì cả. Vì thế mà ở nông thôn rất nhiều người bị điện giật”.

Chưởng đã chứng kiến nhiều người bị điện giật và có những cái chết rất thương tâm. Có hai vợ chồng đi gặt lúa về muốn kiếm tí thức ăn đã kéo dây điện ở trong nhà ra ao để bắt cá. Cá chưa nổi lên thì chồng đã bị điện giật teo cả người. Vợ lao vào kéo tay chồng, cũng bị giật chết.

Những năm 90 của thế kỷ trước, người nông dân ở nhiều vùng quê bắt đầu được dùng điện nhưng họ chưa có hiểu biết sơ đẳng về điện. Người ta dùng dây thép trần, dây phanh xe đạp để làm đây điện. Một số bạo gan còn móc dây lên hai đường điện trần ăn cắp điện để... nấu cám lợn. Dùng điện kiểu “điếc không súng”, thế nên người chết vì điện giật ở làng quê thuở ấy khá nhiều.

Thầy Chưởng đi nhiều vùng quê, quay lại những video clip về hệ thống điện trong gia đình nông dân và cách dùng điện của họ. Tôi xem mà giật mình. Ba bốn em bé ngồi học bài dưới chiếc bóng nhỏ xíu lắp ở tận... nóc nhà. Ánh sáng lờ mờ ấy không đủ rõ để nhìn thấy con chữ mà chỉ kích thích cơn buồn ngủ. Và đây, nhà một bà cụ nông dân dây điện sơ sài đến mức giống cái bẫy người. Không cầu dao, cầu chì, bà cụ vẫn thường tay trần chân đất cắm điện. Bà cụ bảo: Nhiều hôm cắm điện giật bổ ngửa, tí rồi lại đứng dậy cắm tiếp...

Chưởng bảo: “Anh thấy đó, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn chưa cao một phần vì hiểu biết về sử dụng điện của họ thấp quá. Đi làm đồng về mệt mỏi, cắm nồi cơm mãi không chín, cái quạt quay lờ đờ, bóng đèn sáng lù mù, bơm nước yếu ớt vì sao? Chỉ cần một ít kiến thức cơ bản về điện, họ có thể cải thiện được mạng điện trong nhà, chất lượng cuộc sống sẽ được nâng cao và tránh được những tai nạn điện không đáng có. Nếu làm được thế cũng sẽ tiết kiệm cho nhà nước một lượng điện khổng lồ. Tôi nung nấu ý tưởng và bắt mình phải hành động”.

Sau đó, Chưởng bắt tay vào tập huấn cho các sinh viên và một số giáo viên. Chương trình “An toàn và tiết kiệm điện cho người dân nông thôn” của Đặng Minh Chưởng ra đời tháng 9-2009 và “phủ sóng” hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mỗi huyện chọn một số xã và mỗi xã chọn một số gia đình khó khăn để thực hiện. Cho đến nay, 251 gia đình nông dân đã được thầy Chưởng cùng các sinh viên của trường giúp sửa chữa, lắp lại hệ thống điện và phổ biến các kiến thức về điện.

Nhịn ăn mua bóng đèn tặng dân

Sáng hôm ấy, khi đang sửa điện cho vợ chồng ông Quý thì bà con xóm làng kéo đến nhà người nông dân này. Họ tò mò không hiểu mấy thanh niên ở thành phố về đây leo lên nhà dân giăng mắc dây chạc làm gì. Thầy Chưởng mời tất cả bà con tập trung ở sân, gồm cả nam phụ lão ấu, bắt đầu nói cho họ nghe những kiến thức về điện: “Thưa bà con, nhiều bà con vẫn hay cắm phích điện, dùng các thiết bị điện mà vẫn đi chân đất, như thế sẽ rất nguy hiểm. Vì đi chân đất, khi bị điện giật thì cơ thể mình sẽ biến thành một dây dẫn điện...”

Chứng kiến buổi nói chuyện của Chưởng, tôi thấy nhiều người nông dân đã “ồ” lên nhận biết được những kiến thức rất đơn giản mà xưa nay họ không hề biết, vì thế mà từ lâu nay phải chịu nhiều nổi khổ từ việc “không hiểu gì về điện”.

Kết thúc buổi trò chuyện, nhóm sinh viên đến từng nhà trong xóm 1 để giúp dân.

Trưa. Thầy trò Chưởng đã sửa xong điện cho chị Nguyễn Thị Mai, không chồng, một mình nuôi con nhỏ. Chưởng đưa tiền cho nhóm sinh viên để đi ăn trưa. Từ lâu thầy trò này có một nguyên tắc: đi giúp dân nhưng phải tự túc ăn uống. Thậm chí, khi nhóm sinh viên về xã Cam Lâm, huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An giúp cho 78 hộ dân trong 20 ngày, các em đã nhịn ăn để lấy tiền mua thiết bị điện cho bà còn vì thương họ quá nghèo.

 

Luôn hướng dẫn tận tình - Ảnh: Phùng Nguyên

Nhưng chỉ cần một lần tình nguyện theo thầy Đặng Minh Chưởng sửa điện giúp dân, thì sinh viên đều muốn được tiếp tục công việc này. Với góc nhìn một nhà đào tạo nhân lực, Chưởng bảo: “Sinh viên về quê sửa điện giúp dân cũng là một cách thực hành nghề, qua mỗi lần như thế thao tác của các em thành thục và chính xác hơn, tay nghề nâng cao hẳn. Đặc biệt, sau khi về với dân, nhiều em ngoan và trưởng thành hơn”.

Hơn một năm theo đuổi chương trình này, chi phí mua các thiết bị điện, rồi tiền ăn uống, xăng xe cho những lần về giúp bà con cũng gần một trăm triệu đồng. Tất cả đều từ túi tiền của thầy Chưởng. Tôi biết anh cũng chẳng giàu có gì, vẫn đang nợ mấy chục triệu tiền mua dây điện chưa trả được, nhưng tần suất về nông thôn giúp dân miễn phí lại ngày càng dày hơn.

Qua một năm, chương trình của Chưởng đã cho thấy được tính hiệu quả và nhân văn, nhưng vẫn còn nhỏ lẻ vì tiềm lực có hạn. Chưởng mong những việc thầy trò đang làm sẽ được nhân rộng, và lan tỏa đến với bà con nông dân cả nước. Và nông dân phải xem việc “xóa mù” kiến thức về điện cũng cần thiết như khi mua thuốc, phải “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.

Tôi cứ nghĩ rồi đây nếu như Nhà nước nhân rộng chương trình này, rồi một vài doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tài trợ cho thầy trò Chưởng thì chắc hẳn những hệ lụy từ việc “mù” kiến thức về điện ở nông thôn sẽ giảm đi nhiều lắm.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.