Hi sinh cho sự sống trở về - Kỳ 5: Cho lá vàng xanh màu trở lại

16/11/2009 15:09 GMT+7

Bình Dương, một sáng đầu đông, người mẹ trẻ đỏ hoe đôi mắt run rẩy đưa ngón tay lên mân mê khuôn mặt người thanh niên đẹp trong bức hình, nước mắt cứ chảy dài khi nói về quá khứ chỉ mới hơn một năm trước.

Trong cơ thể của chị Kim Chi, tên của người mẹ trẻ sinh năm 1971 ấy, một nửa nhịp đập của sự sống được hiến tặng từ người con trai duy nhất Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1990).

Con đi xa mang sự sống về cho mẹ

18 tuổi, Tú ra đi sau một tai nạn giao thông. Ngay khi mới nhập viện, biết mình không qua khỏi Tú đã ráng gắng gượng nói với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy: “Các chú hãy lấy thận của con để ghép cho mẹ con. Đừng để mẹ con chết”. Lời nói sau cùng ấy của Tú đã làm các bác sĩ như chết lặng vì quá bất ngờ, không nén được xúc động và cảm phục.

“Tôi không tin con mình đã chết nên muốn các bác sĩ ráng cứu con tới phút cuối cùng. Nhưng họ bảo: con chị đã không còn nữa” - chị Kim Chi kể. Nước mắt tưởng đã khô cạn sau cái chết đột ngột của đứa con trai còn quá trẻ, ngoan ngoãn, hiền lành và hiếu thảo lại ướt đẫm trên gương mặt người mẹ. Chị đồng ý ghép thận sau khi tổ chức đám tang xong cho con trai, nhưng quả thận không thể đợi đến lúc đó mới ghép.

PGS.TS Trần Ngọc Sinh, trưởng khoa ngoại - tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, nhớ lại: “Chúng tôi và gia đình khuyên thế nào chị Chi cũng không nghe”. “Chỉ đến khi nhớ tới câu nói của con sẽ cho mình thận hồi nó còn sống, tôi mới đồng ý ghép mà khóc sưng húp mắt. Tôi yêu cầu được gặp mặt con lần cuối trước khi ghép, các bác sĩ đồng ý. Nhưng họ sợ tôi thương con quá lại thay đổi ý định nên từ lúc đó cho tới lúc phẫu thuật, tôi không được gặp mặt con lần nào nữa” - chị Kim Chi nghẹn ngào kể.

Chị nói trong nước mắt: “Hơn một năm chạy thận là chừng ấy thời gian nó đi đi về về giữa Sài Gòn - Bình Dương với tôi. Suốt một tháng đầu tiên tôi mới chạy thận, nó ở trong bệnh viện chăm mẹ mà không bao giờ nhăn nhó, than thở. Lúc nào nó cũng cười, làm trò cho mẹ vui.

Hai tháng trước khi mất, có buổi tối nó ôm lấy tôi bảo: “Con cho mẹ thận nhé! Mẹ mà không chịu ghép là không sống được lâu đâu. Nhà mình có ba người mà chết một người thì buồn lắm”. Nghe con nói vậy tôi buồn lắm, cứ nghĩ nó nói mình. Tôi không có ý định ghép thận vì không đủ tiền. Cũng không bao giờ nghĩ sẽ nhận thận của con dù nó nói sẽ cho thận mình nhiều lần rồi.

Nghĩ tới cảnh bỏ lại con, thương nó mà rớt nước mắt. Ai ngờ con lại chết trước mình. Hồi nó mới đi, cứ mỗi lần ngồi trên xe buýt lên bệnh viện tái khám là tôi lại nhớ con không kìm được nước mắt. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của con: Từ bữa mai con dẫn mẹ đi xe buýt cho an toàn. Mẹ lại đỡ bị nắng nôi mệt người lắm. Vậy mà nó đi, đi luôn, không bao giờ dẫn tôi lên xuống xe buýt nữa”...

Lau nước mắt chị nghẹn ngào bảo: “Lúc ghép tôi chỉ còn da bọc xương. Lấy thận của con mình ghép, đứt ruột chứ có sung sướng gì đâu”. Khi các bác sĩ vừa lấy thận của con ra, chị Kim Chi được tiến hành ghép ngay. “Lúc tỉnh dậy tôi nghĩ đến con là không cầm được nước mắt. Trước khi ghép tôi đã dặn chồng phải mua cho con cái hòm loại tốt nhất vì Tú cao lắm. Tôi đòi gọi điện thoại về nhà ngay nhưng không nói chuyện được, cứ khóc ròng.

Tôi khóc nhiều quá, huyết áp lên. Bác sĩ khuyên đừng khóc nhiều quá, quả thận sẽ bị hư. Dù con mình đã chết nhưng vẫn còn một phần cơ thể của con hiện hữu trong cơ thể mình. Nghe nói thế, tôi mới ráng không dám khóc nữa” - chị Kim Chi kể, nước mắt vẫn không ngừng chảy.

Hình ảnh của Tú vẫn tươi nguyên trong chị: “Vợ chồng chỉ có đứa con duy nhất nên dạy dữ lắm. Nó bảo với tôi: Mẹ cứ yên tâm, con không làm gì để ba mẹ phải buồn đâu. Hồi tôi định xây nhà, nó bảo: Mẹ cất nhà nhỏ thôi để dành tiền chữa bệnh. Vậy mà xây nhà được hai tháng thì nó đi...”.

Người ở lại ươm tiếp một mầm non

Khi nhớ lại ca ghép đặc biệt này, dù đã một năm trôi qua nhưng bác sĩ Trần Ngọc Sinh, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, vẫn không nén được xúc động: “15 năm trước trong thời gian làm việc ở Pháp, tôi đã có điều kiện tham gia rất nhiều cuộc ghép tạng được hiến từ người chết. Nhưng ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên sau 15 năm tôi mới được thực hiện ghép một trường hợp như thế này. Đã từng ghép mấy trăm ca nhưng lần ghép này tôi không khỏi ngậm ngùi và thương cảm.

Dù về chuyên môn chúng tôi đều đã rất thuần thục, nhưng tôi vẫn nói với êkip phải hết sức nghiêm túc, thận trọng khi đưa sự sống từ cõi chết trở về cho người mẹ. Vì sự sống đó, hơn ai hết, với người mẹ là điều rất thiêng liêng và còn là hình bóng của người con trai duy nhất đã mất”.

Sau khi ghép xong, chị Kim Chi tăng từ 45kg lên 63kg,  cứ một tuần chị phải lên Sài Gòn khám một lần. Do sức khỏe và quả thận thích ứng với cơ thể chị rất tốt nên bây giờ một tháng chị tái khám một lần. “Những người ghép cùng với tôi ai cũng bảo chắc con trai tôi phù hộ nên quả thận mới được tốt như vậy. Giờ con không còn nữa nhưng vẫn còn một phần cơ thể của con sống mãi trong cơ thể mình. Nghĩ đến con tôi lại bảo mình ráng vượt qua đau buồn nuôi dạy cháu nội cho tốt. Có như thế con mình mới thanh thản ra đi” - chị Kim Chi nói.

Khi ba Tú mất, bé Tú Như mới được ba tập đi được ba bữa. Con bé cứ lần bò vào chỗ để quan tài cha. Bà con hàng xóm thấy vậy ẵm bé Tú Như đưa tới gần quan tài thì cha nó mới chịu nhắm mắt lại. Chị Kim Chi vừa kể, vừa khẽ vuốt những sợi tóc mai lơ thơ trên trán bé Tú Như. Con bé vô tư đang ngủ rất say, trong tay còn nắm chặt tấm hình ba Tú.

Số liệu thống kê từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy tại bệnh viện này hiện có khoảng 500 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng. Trong đó, hơn 1/3 người có thể được cứu sống nếu có thận ghép. Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ ghép được 30 trường hợp/năm từ người sống cho thận, chưa thể nhiều hơn vì bệnh thì nhiều mà không có người hiến thận.

Đó là chưa kể đến nhu cầu ghép các tạng khác như gan, phổi, tim, tụy. “Số bệnh nhân xin lọc máu (chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng) hiện quá tải tại Bệnh viện Chợ Rẫy” - PGS.TS Trần Ngọc Sinh khẳng định.

My Lăng/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.