Làm rõ quy định về điều kiện thành lập trường ĐH

24/10/2009 12:55 GMT+7

(TNO) Sáng 24.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Đại biểu quốc hội (ĐBQH) tập trung vào thảo luận các quy định về thành lập trường, quyền quyết định thành lập các trường đại học (ĐH)…

Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông cho biết, thời gian vừa qua có những trường hợp thành lập trường, để đủ điều kiện họ đã lấy tên của nhiều giáo viên rồi ghi vào hồ sơ, khi hỏi những giáo viên có tên trong danh sách của trường đưa lên thì những người này nói họ không hề biết, không có liên hệ gì với trường.

Trước thực tế như vậy, ĐB Lê Văn Cuông nói: “Luật quy định tách việc thành lập trường thành hai bước là quyết định cho thành lập và quyết định cho phép hoạt động giáo dục còn quá chung chung”.

ĐB này đề nghị, luật phải ghi thật rõ và chi tiết quy định này và phải có chế tài xử lý đối với người quyết định thành lập và người quyết định cho phép hoạt động những trường không đủ điều kiện.

Đối với những trường hợp gian dối trong việc lập danh sách giáo viên tham gia công tác thì phải truy tố trước pháp luật về tội gian dối, ĐB Cuông nhấn mạnh.

ĐB Trịnh Thị Giới bày tỏ: “Không phải ai đủ điều kiện cũng được thành lập trường ĐH mà phải phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. 

Thủ tướng hay Bộ trưởng quyết định thành lập trường ĐH?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận tán đồng với dự luật quy định phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quyết định việc thành lập trường ĐH (hiện nay là Thủ tướng - PV). ĐB Nguyễn Văn Thuận lên tiếng: “Thủ tướng phải điều hành chung, không phải cái gì cũng đưa lên Thủ tướng”.

Tuy nhiên, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông lại có quan điểm khác: “Chưa nên giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập và cho phép hoạt động. Thủ tướng quyết định việc thành lập trường, Bộ trưởng cho phép hoạt động”.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng hưởng ứng: “Giao cho Thủ tướng quyết định thành lập trường ĐH”. Bảo vệ quan điểm của mình, ĐB Đỗ Mạnh Hùng đưa ra ba lý do: “Đào tạo nhân lực là vấn đề vĩ mô, thứ hai là số lượng trường ĐH thành lập một năm không nhiều, khoảng mươi trường và thứ ba là nếu tôi ở ngành giáo dục mà được Thủ tướng trực tiếp quan tâm và quản lý thì vô cùng phấn khởi”.

ĐB Vũ Thị Phương Anh cho rằng, để cho ra một trường ĐH có chất lượng hay không thì khâu thẩm định quyết định. ĐB Phương Anh kiến nghị: “Giao cho Bộ GD-DT quyền thẩm tra và phải gắn trách nhiệm vào đó”.

ĐB Trịnh Thị Giới bức xúc trước tình trạng có quá nhiều loại sách tham khảo cho học sinh: “Ai cũng lo ngay ngáy không biết mua cái gì, chọn cái gì”, ĐB Giới chia sẻ. Theo ĐB Trịnh Thị Giới, nội dung chương trình thì quá nặng, có những bài quá khó. ĐB Giới nói: “Tôi thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH là phải quy định trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tổ chức biên soạn nội dung sách giáo khoa, phải ghi trách nhiệm chứ nếu không thì cứ hòa cả làng thôi”.

Tuy dự luật và Báo cáo thẩm tra dự luật không đề cập tới các quy định về đạo đức nhà giáo nhưng trước hiện tượng xuống cấp đạo đức của một số giáo viên, ĐB Đỗ Mạnh Hùng kiến nghị luật cần có quy định về tiêu chuẩn giáo viên. ĐB Hùng lo lắng: “Có một số cán bộ trong ngành giáo dục đang gây phiền lòng cho xã hội. Vì thế mà xã hội mất thiện cảm đối với ngành giáo dục”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.