Hi-tech vào giảng đường

12/10/2005 21:28 GMT+7

Không phải vì đua đòi hay muốn chứng tỏ sự sành điệu, sinh viên thời hi-tech đã biết tận dụng và đưa vào giảng đường những tiện ích của các thiết bị thời công nghệ số để hỗ trợ cho việc học tập và cuộc sống của mình.

"Không thể chép tay một cách chi li đủ hết tất cả những gì giảng viên nói vì kiến thức trong bài giảng rất mới và rất nhiều nên hầu như tất cả SV ngành y tụi mình đều phải dùng máy ghi âm để về nhà mở lại nghe rồi ghi chú thêm" - Bách Khoa, SV khoa nhi ĐH Y - dược TP.HCM cho biết. "Con" MP3 mà chàng bác sĩ tương lai này dùng chỉ là hàng  mua lại của mấy "sư huynh" năm cuối với giá cực rẻ nhưng thực sự đã hỗ trợ rất nhiều cho việc học của Bách Khoa. Tương tự, rất  nhiều  tân SV ngành ngoại ngữ trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng thường bị "khớáp" trước giảng viên bản ngữ nên cũng cố gắng "tậu" cho được chiếc máy ghi âm: bình dân thì chọn loại máy hai, ba trăm ngàn; còn xịn một chút là hàng MP3, ghi âm kỹ thuật số được liên tục nhiều giờ liền. "Có cái máy ghi âm này tụi mình mới "nuốt trôi" bài giảng của mấy giáo viên nước ngoài, không thì toi. Bây giờ cũng quen dần rồi nên ít phải dùng máy nhưng trước đây nó giúp mình rất nhiều trong việc luyện tập phản xạ trong môn nghe đó " - Quế Lam, SV năm 3, ngành tiếng Anh trường ĐH Sư phạm TP.HCM tiết lộ bí quyết luyện kỹ năng nghe trong chuyên ngành của mình như thế. Không chỉ SV, vào những lò luyện thi hiện nay cũng có thể dễ dàng bắt gặp nhiều học sinh dùng máy ghi âm để "chép" bài bình giảng của giáo viên dạy Văn. Bởi, theo một số học sinh thì chỉ bằng cách "bê nguyên xi" những lời thầy giảng mới mong đi thi làm bài được điểm cao (?!)... 

Hùng Sỹ dùng laptop để chép bài ở trường  - (Trí Quang)

Khi chất lượng cuộc sống ngày càng cao, nhiều SV được gia đình trang bị "tận răng" những "vũ khí tác chiến" giúp ích cho việc học hành, giải trí và cả làm việc. Trên giảng đường có không ít SV "hai tay hai súng": vừa "lận lưng" chiếc Smartphone vừa có Pocket PC (máy tính bỏ túi) và thậm chí cả laptop (máy tính xách tay). Nguyễn Văn Quân, SV năm cuối trường CĐ Kinh tế đối ngoại đang sở hữu chiếc Pocket PC gần chục triệu cho biết: "Mình có thể cài rất nhiều loại từ điển vào máy để tra cứu mọi lúc mọi nơi, nên rất tiện ích để học ngoại ngữ. Ngoài ra có thể nghe những bài text đàm thoại để nâng cao khả năng nghe nói, kể cả đọc báo trực tuyến trong các quán cà phê wifi (mạng không dây)". Vừa học vừa làm việc cho một công ty tư nhân về xuất nhập khẩu, Quân dùng thiết bị tiện ích này như một quyển sổ tay điện tử để lưu dữ liệu về khách hàng cũng như lên lịch gặp gỡ hay kể cả cập nhật thông tin hằng ngày trên mạng... Với bạn Phan Hùng Sỹ, quê ở Ninh Thuận thì mỗi lần đi học lớp lập trình viên lại xách theo laptop để... "chép" bài hoặc "săn" những chương trình hay từ bạn bè, thầy cô. "Chép bài bằng máy vừa giúp tăng khả năng đánh máy vừa giúp mình thao tác nhanh hơn. Còn trong những giờ học lý thuyết mình có thể ứng dụng ngay trên máy luôn, như vậy sẽ nắm bắt bài học kỹ thêm" - Hùng Sỹ chiêm nghiệm. Các SV đang có trong tay những thiết bị công nghệ cao này thường vào những quán cà phê có hệ thống mạng không dây wifi để tha hồ "cưỡi" chuột, lướt phím cập nhật thông tin "free". Với phiên bản mới của ViMobi, các "thần dân Ai-ti" sinh viên có thể tìm kiếm (search) cẩm nang đi đường, địa chỉ cà phê wifi, mã vùng điện thoại... và thậm chí có thể lướt 5 ngàn tờ báo điện tử tiếng Anh bằng Palm hoặc PDA hay những điện thoại đời mới hiện nay.

Hiện nay, giá của thiết bị máy ghi âm kỹ thuật số (có tích hợp tính năng nghe nhạc MP3, ổ cứng di động) ngày càng rẻ, thậm chí có "con" MP3 chỉ trên dưới 27 USD nên SV "rủng rỉnh" túi tiền  thì có thể thoải mái "rinh" về học hành, nghe nhạc; còn nếu "mỏng ví" một chút thì chịu khó "săn" hàng "secondhand" của cánh bạn bè hay người quen miễn "5 năm vẫn chạy tốt" là được. Võ Văn Diễn -SV năm 3 khoa Kinh tế ĐH Quốc gia TP.HCM nói: "Đi đâu "vác" theo cái MP3 đỡ lắm, gặp những giáo viên dạy bằng máy chiếu thì mình "cóp" (copy) giáo trình liền rồi về nhà ngồi máy tính tự ngâm cứu thêm!".

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.