Đề án 112: Kiểm toán Nhà nước không thể làm rõ mức độ thất thoát, tham nhũng

31/10/2007 00:04 GMT+7

Trái với mong đợi của dư luận, Kiểm toán Nhà nước chỉ phát hiện được một số mặt hạn chế, không hiệu quả của Đề án 112. Hôm qua 30.10, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã họp báo, chính thức công bố kết quả kiểm toán về Đề án "Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005" (gọi tắt Đề án 112). * Tập đoàn CMC "phản ứng" với Kiểm toán Nhà nước

Chủ trì cuộc họp báo, ngoài những thông tin đã được đăng tải trên báo chí trong những ngày qua, ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN còn nêu lên một số sai phạm lớn, đáng chú ý khác, như việc chấp hành quy chế đấu thầu mua sắm tài sản ở một số ngành, địa phương. Tại Bộ Giáo dục - Đào tạo, có tình trạng lãnh đạo Bộ phê duyệt chỉ định thầu, kết quả đấu thầu trước cả khi phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Tại Đồng Nai, Cần Thơ và một số địa phương khác, có những gói thầu được xây dựng không căn cứ trên cơ sở khoa học mà chỉ căn cứ vào nhu cầu vốn và nhu cầu sử dụng dẫn đến có một số gói thầu sau trùng với công việc đã thực hiện ở gói thầu trước... Tại Yên Bái, hầu hết trước khi ký kết các hợp đồng chỉ định thầu, người ta không làm thủ tục đấu giá, báo giá hoặc chào hàng cạnh tranh; thậm chí còn không xét đến tư cách pháp nhân của đơn vị nhận thầu.

Ông Lê Hoàng Quân, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán chuyên ngành II của KTNN cũng nêu lên tình trạng mua bán gian lận về nguồn gốc xuất xứ, thiết bị. Tại Hải Phòng, Ban điều hành Đề án 112 ký hợp đồng với Công ty tin học ISA cung cấp thiết bị DELL/EMC CX-500 giá trị tới 1,154 tỉ đồng, nói là do Mexico sản xuất nhưng qua kiểm tra thì thiết bị này lại gắn nhãn mác của Đài Loan. Sau khi thông báo về một số kết quả kiểm toán, ông Vương Đình Huệ, Tổng KTNN và ông Lê Minh Khái đã trả lời các câu hỏi của Báo Thanh Niên và một số cơ quan báo chí khác.

* Thưa ông, ông có nói rằng, con số hơn 200 tỉ đồng mà một số báo nêu về mức độ thất thoát, lãng phí là không chính xác. Vậy, tổng số thất thoát, lãng phí mà KTNN xác định là bao nhiêu?

- Ông Vương Đình Huệ: Theo tôi hiểu, con số 200 tỉ đồng như báo chí nêu, đó là phép cộng lại của các con số như trên 55 tỉ đồng do phân cấp đầu tư sai, hay có khoản hơn 100 tỉ đồng do chi đào tạo, triển khai dịch vụ cơ bản và một số khoản chi chưa có đơn giá, định mức chính thức... Nhưng như vậy là hoàn toàn không chính xác. Con số sai phạm, thất thoát phải là chênh lệch giữa khoản đã chi với giá trị thực tế, với các khoản có định mức, đơn giá chính thức. Do đó, mức thất thoát cụ thể bao nhiêu còn phải chờ kết quả điều tra của công an cũng như xác định về đơn giá, định mức của các cơ quan liên quan mới kết luận được. Tất nhiên, chúng tôi bước đầu cũng đã làm rõ những khoản nào chi sai buộc phải thu hồi, nộp vào ngân sách hoặc xuất toán như: yêu cầu thu hồi, nộp lại ngân sách Trung ương kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ bản nhưng chưa sử dụng 22,45 tỉ đồng; yêu cầu thu hồi nộp ngân sách địa phương do chi vượt định mức, chế độ trên 1,3 tỉ đồng (TP.HCM 898 triệu đồng, Đà Nẵng 292 triệu đồng...). Với Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ thì yêu cầu thu hồi, nộp ngân sách gần 2,4 tỉ đồng gồm các khoản chi thuộc nhiệm vụ của ban này nhưng lại giao cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài thực hiện (214 triệu đồng), chi sai nhiệm vụ chi 1,95 tỉ đồng; loại khỏi quyết toán các khoản chưa chi và chi trùng 38,34 tỉ đồng. Đó là những khoản đã được làm rõ, không thể chối cãi được.

* Trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong các sai phạm của các bộ này đến đâu? KTNN có kiến nghị cụ thể gì với Chính phủ để xử lý trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo, cán bộ nào thuộc 2 bộ này?

Chiều qua 30.10 ở Hà Nội, tại cuộc họp về việc tiếp nhận kết quả Đề án 112, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết chậm nhất là giữa tháng 12.2007, việc bàn giao kết quả Đề án 112 về Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ hoàn thành và việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước sẽ được thực hiện theo tinh thần của Nghị định 64 của Chính phủ. Cục Ứng dụng CNTT được giao là đơn vị trực tiếp tiếp nhận bàn giao. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định mặc dù Đề án 112 được ngừng lại nhưng việc ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh - T. Sơn

- Ông Vương Đình Huệ: Chúng tôi đã nêu trong báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của 2 bộ và đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 2 bộ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cán bộ, cá nhân có sai phạm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có sai phạm trong việc ghi vốn. Khi giai đoạn I của đề án đã kết thúc (2001-2005), sang năm 2006 đề án chưa có mục tiêu tổng thể, chưa có dự toán tổng thể và chi tiết, Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ cũng không có dự trù kinh phí, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn thông báo vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho đề án 150 tỉ đồng là vi phạm quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, và chỉ thị của Thủ tướng. Bộ Tài chính cũng có sai phạm là chậm ban hành đơn giá, định mức cho một số khoản chi cho dự án; có công văn thống nhất định mức chi đào tạo của Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ cao hơn định mức chi theo chế độ hiện hành.

* Vì sao cơ quan điều tra của Bộ Công an đã khởi tố, bắt giữ một số bị can có hành vi tiêu cực, tham nhũng trong việc thực hiện đề án nhưng KTNN mới chỉ dừng lại ở một số kết luận về sai phạm mang tính hành chính và không có đề nghị gì về khởi tố, điều tra?

- Ông Lê Minh Khái: Ngay sau khi có kết luận kiểm toán, chúng tôi đã gửi bản kết luận sang Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương để các cơ quan này có điều kiện tiếp tục làm rõ. KTNN không phải là cơ quan điều tra. Chúng tôi là cơ quan đặc thù, làm việc độc lập, khách quan và việc kiểm toán lần này là phục vụ cho công tác quyết toán. Chỉ có cơ quan công an mới có thể kết luận thất thoát, tham nhũng bao nhiêu chứ không phải chúng tôi né tránh.

Chiều 30.10, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC đã có cuộc gặp gỡ với báo chí để phản ứng về một thông tin trong báo cáo của KTNN có liên quan đến tập đoàn này. 

Tại trang 17 của báo cáo KTNN có ghi: "Năm 2004, Văn phòng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục ký hợp đồng với Công ty máy tính truyền thông CMC về việc xây dựng phần mềm "chương trình quản lý văn bản"; kinh phí đã trả theo hợp đồng 444,5 triệu đồng đến nay chưa có sản phẩm, Trung tâm tin học (của Bộ GD-ĐT) chưa nhận bàn giao". Theo KTNN, "việc làm trên gây thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước". KTNN yêu cầu Bộ GD-ĐT làm việc với CMC để nhận bàn giao sản phẩm, nếu không phải thu hồi số tiền trên về. Theo ông Nguyễn Trung Chính, phần mềm nói trên (eDocmen) là sản phẩm đã được đăng ký bản quyền, có chất lượng, được áp dụng ở nhiều nơi, đoạt nhiều giải thưởng về phần mềm trong nước. CMC cung cấp sản phẩm này cho Văn phòng Bộ GD-ĐT theo hợp đồng đã ký ngày 28.5.2004. CMC đã bàn giao các hồ sơ khảo sát, hồ sơ phân tích, bộ đĩa chương trình cài đặt... và hai bên đã tiến hành nghiệm thu, thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, theo ông Chính, từ tháng 3.2005, do có thay đổi về tổ chức nên Văn phòng Bộ GD-ĐT không bố trí được nhân sự để triển khai một số công việc tiếp theo. Ông này cho rằng, việc KTNN nói rằng Văn phòng Bộ GD-ĐT lãng phí tiền để không thu được phần mềm là "hoàn toàn không có cơ sở"... Ông Chính cho biết, nếu KTNN buộc xuất toán tiền của CMC đã nhận, CMC sẽ "chiến đấu đến cùng", không loại trừ khả năng phải kiện ra tòa. 

Mạnh Quân

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.