Trẻ buôn lậu kiếm sống

22/12/2009 10:42 GMT+7

Mỗi ngày có khoảng 300 đứa trẻ kiếm tiền ở khu vực biên giới vốn được xem là nguy hiểm nhất thế giới.

Bé gái Sabar Mina, 8 tuổi, mặc chiếc áo choàng màu xanh nhạt đầy vết bẩn. Cô bé chất đầy củi vào chiếc túi bột rỗng. Đôi mắt cô bé trông thật hiền nhưng đầy vẻ mệt mỏi. Thay vì đến trường, bé phải đi làm kiếm tiền. Suốt ngày, Sabar mang các món hàng qua lại biên giới giữa hai nước Afghanistan và Pakistan vốn được xem là nguy hiểm nhất thế giới.

Hiểm nguy rình rập

Thông thường, theo đài CNN (Mỹ), bé buôn lậu bột mì từ Pakistan sang. Pakistan cấm xuất khẩu các loại thực phẩm sang Afghanistan nên bột mì đang là mặt hàng “nóng” hiện nay. Và khi vượt qua biên giới, Sabar lại nhặt củi ở Afghanistan mang về Pakistan. Việc làm của bé vất vả và đôi lúc nguy hiểm. Bé kể: “Khi bọn cháu mang bột đi, cảnh sát Pakistan chặn lại và đánh đập chúng cháu”.

Ước mơ

Nếu như không phải làm phụ giúp gia đình, các em sẽ làm gì? Cô bé Sabar suy nghĩ một lúc rồi nói: “Cháu muốn có một việc làm dễ chịu, một việc làm mà không ai đánh đập chúng cháu”. Còn cậu bé Hazrat Ali có ước mơ khác: “Cháu muốn trở thành kỹ sư hoặc thầy giáo”. Nhưng khi được hỏi em sẽ làm cách nào để đạt được điều đó nếu như em không đi học, cậu bé trả lời ngay: “Cháu sẽ lớn lên mà vẫn làm việc này. Cháu thích đi học, nhưng cháu không được ai giúp đỡ cả. Vì thế, cháu phải làm công việc này”.

Tuy nhiên, còn một mối nguy hiểm khác nữa vẫn đang chực chờ những đứa trẻ như Sabar. Đó là bọn trẻ có nguy cơ gặp phải những kẻ đánh bom tự sát. Sabar đã một lần tận mắt chứng kiến và nói: “Khi bom nổ, cháu đang ở Afghanistan với em gái của cháu. Chúng cháu khóc và chạy vội về phía Pakistan”.

Điều đó vẫn không ngăn được bọn trẻ đi làm kiếm sống. Một tổ chức từ thiện ước tính mỗi ngày có khoảng 300 đứa trẻ kiếm tiền ở biên giới Afghanistan - Pakistan.

Giống như Sabar, Hazrat Ali mới 9 tuổi nhưng cậu bé làm việc quần quật suốt ngày như một người đàn ông thực thụ. Cậu bảo: “Ai đưa cho cháu gì thì cháu mang cho họ thứ đấy”. Cũng đôi khi cậu bé thất vọng vì không thể mang vác tất cả mọi thứ. Ali nói: “Cháu cần có nhiều sức mạnh hơn để làm việc này. Bây giờ cháu chưa đủ khỏe”.

Hằng ngày, có hàng chục ngàn người lớn qua lại biên giới nhưng người ta dựa vào trẻ em như Ali bởi vì chúng là loại lao động rẻ tiền. Hầu hết những đứa trẻ làm việc tại biên giới đều được trả công khoảng 20 cent (hơn 3.000 đồng) cho mỗi chuyến hàng, đôi khi còn ít hơn nữa.

Giúp các em cũng không dễ

UNICEF thành lập các tổ chức cứu trợ để giúp những đứa trẻ lao động ở biên giới này. Tuy vậy, các nhân viên cứu trợ không thể yêu cầu tất cả bọn trẻ ngưng làm việc và phải đi học. Đó là bởi vì từng đồng xu chúng kiếm được đều có thể giúp đỡ gia đình. Do đó, các nhân viên cứu trợ tìm cách cho các em đi học một khoảng thời gian trong ngày và chích ngừa cho chúng để phòng bệnh.

Ngoài ra, còn có chương trình cho vay. Các gia đình có thể vay nợ không lãi suất để khởi sự làm ăn. Điều kiện duy nhất để được vay tiền là các gia đình phải đồng ý cho trẻ nghỉ làm việc và cho chúng đi học đầy đủ.

Hiện đã có hơn 300 trẻ em đến học tại các trường công lập. Thế nhưng, đây không phải là một công việc dễ dàng. Các nhân viên cứu trợ không muốn xưng danh tính hoặc nêu tên tổ chức của họ bởi vì sợ Taliban giết hại. Trong khi đó, những đứa trẻ chỉ mới 5 tuổi vẫn tiếp tục mang hàng hóa qua lại các trạm kiểm soát biên giới. Chúng không thể đi học vì cha mẹ chúng không có điều kiện cho chúng đến lớp.

Ngô Sinh / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.