Điện sóng - tại sao không?

22/11/2009 23:33 GMT+7

Theo PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC), VN có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng từ sóng biển. Ông cho biết:

- Từ năm 1973, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã tiến hành nghiên cứu để khai thác năng lượng từ sóng biển tại một số nước tiên tiến như Mỹ, Bồ Đào Nha, Pháp... Đến năm 2003, Bồ Đào Nha là nước đầu tiên trên thế giới có tổ hợp phát điện từ sóng biển, với công suất khoảng 30 MW; giá thành của nó tương đương với điện gió. Lĩnh vực nghiên cứu năng lượng biển bao gồm: năng lượng thủy triều, năng lượng gió, năng lượng chênh lệch nhiệt, năng lượng dòng chảy và năng lượng sóng. Đối với điều kiện của biển VN thì năng lượng sóng là có tiềm năng nhất.

* Có thể tạo ra điện từ năng lượng sóng biển như thế nào, thưa ông?

- Theo tính toán, nếu sóng có độ cao 1 mét, ở độ dài khoảng 1,8 km bờ biển thì có thể tạo ra được một nguồn năng lượng bằng 35.000 mã lực; khi sóng cao 3 mét thì có thể tạo ra áp lực khoảng 29 tấn/m2 mặt biển... Lịch sử hải dương học ghi chép lại, sóng có thể đẩy những viên đá nặng 2-3 nghìn tấn trên bờ biển di chuyển mấy chục mét, đập vỡ được những tảng đá có trọng lượng 60-70 kg, văng cao đến 20-30 mét... Hiện nay, một số nước trên thế giới sử dụng rất nhiều các công nghệ khác nhau để chuyển năng lượng sóng thành điện như thiết bị phao sóng, thiết bị dao động sóng, thiết bị thủy lực sóng, thiết bị chuyển hóa năng lượng sóng... để dùng cho sóng ven bờ hoặc sóng ngoài khơi. Các thiết bị này nổi trên mặt nước và được một cái neo ở đáy biển giữ chặt. Khi dao động sóng đập vào các cánh quạt sẽ làm quay turbine, tạo ra điện năng...

PGS.TSKH Nguyễn Tác An -Ảnh: V.Kỳ 

* Thưa ông, so với các nguồn điện năng khác, điện sóng có ưu điểm gì?

- So với thủy điện, điện sóng không phá hoại môi trường, không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cảnh quan. So với điện hạt nhân, điện sóng có mức đầu tư ít hơn, tính an toàn cao hơn, tạo được sự đồng tình trong xã hội lớn hơn, không cần một bộ máy điều hành lớn và phức tạp... Vì vậy thế giới gọi điện sóng là nguồn năng lượng sạch. Nghiên cứu để giải quyết an ninh năng lượng là vấn đề cấp bách ở nước ta hiện nay. Việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Các nước trên thế giới chỉ phát triển điện hạt nhân khi họ không thể tìm được nguồn năng lượng nào khác, trong khi đó nước ta nguồn năng lượng từ biển rất dồi dào.

* Tiềm năng điện sóng ở nước ta như thế nào, thưa ông?

- VN có bờ biển dài với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ nên có thể nói nguồn năng lượng từ sóng biển rất lớn, đặc biệt là ở miền Trung và các đảo. Các chuyên gia đã tính toán, với điều kiện sóng, gió, địa lý như ở VN thì năng lượng tạo ra từ 1m2 sóng biển được xếp vào loại lớn trên thế giới. Ở VN đã có một số hội nghị cùng các đề tài nghiên cứu về vấn đề tạo ra điện sóng, nhưng chưa được quan tâm đúng mức để có thể triển khai vào thực tế. Chúng ta vẫn đang tập trung chủ yếu vào nhiệt điện, thủy điện, điện gió và mới đây là điện hạt nhân.

* Nước ta cần làm gì để có thể sản xuất điện sóng quy mô lớn, thưa ông?

- Trước mắt ở các đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hòn Mê (Thanh Hóa)... có thể nhập khẩu các thiết bị chuyển đổi năng lượng sóng thành điện năng cỡ nhỏ để dùng cho nhu cầu trên đảo. Thậm chí các giàn khoan trên biển cũng có thể sử dụng thiết bị trên để phát điện thay cho máy nổ... Nếu có hiệu quả, chúng ta sẽ tiến hành triển khai trên diện rộng. Nhà nước cũng cần có một số chương trình chiến lược lâu dài về vấn đề này để khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu. Việc khuyến khích các nhà đầu tư cũng rất quan trọng, bởi hiện nay họ chỉ quan tâm đến thủy điện vì giá thành rẻ, nhanh thu hồi vốn...

Theo tôi, việc phát triển nguồn điện năng này ở VN là rất khả thi.

* Xin cảm ơn ông.

Văn Kỳ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.