Mạng xã hội Việt và những thách thức

30/10/2009 14:16 GMT+7

Các mạng xã hội Việt Nam (MXHVN) tuy mới hình thành trong giai đoạn gần đây nhưng đã sớm thích nghi được với nhu cầu người sử dụng. Tuy nhiên để duy trì sự bền vững của những MXHVN này thì cần thiết phải có những bước tiến dài hơn nữa nhằm vượt qua các thách thức khác đang chờ đón.

Mạng xã hội là mô hình phát triển tất yếu?

Nếu những năm trước đây cuộc “cách mạng” Web 2.0 phát triển như vũ bão với vị trí gần như độc tôn của Yahoo! 360, thì nay thương hiệu lừng danh toàn cầu một thời này đã dần bị rơi vào quên lãng và chỉ được nhắc tới như một kỷ niệm đẹp. Nhớ vào khoảng thời gian từ năm 2006 - 2007, giới trẻ Việt Nam gần như bị cuốn vào và không thể cưỡng nổi trước sự hấp dẫn của thế giới “ngôi nhà web” mới lạ. Blog là nơi họ được thoải mái “thể hiện cái tôi” qua những bài viết, hình ảnh, đoạn clip hay những trao đổi, đánh giá với những người bạn trên mạng. Trao đổi thông tin trên blog đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với phần lớn "cộng đồng" cư dân mạng vào thời điểm đó.

Tuy nhiên sự sụp đổ được dự báo trước của blog Yahoo! 360 đã mở ra một “cơ hội vàng” đối với thế hệ Web 3.0 mạng xã hội (MXH) “bùng phát” như Facebook, MySpace hay Twitter. Những yếu điểm bộc lộ của Yahoo! 360 qua quá trình sử dụng đã được các MXH sau này khắc phục triệt để và nâng cấp lên một tầm cao mới. MXH cũng dường như đã thay đổi hoàn toàn giao thức trao đổi thông tin giữa những cá nhân nhóm nhỏ đơn thuần (viết, đọc và bình luận) với sự mở rộng danh sách bạn bè, nhóm hội cùng sở thích lên tới hàng chục nghìn bạn bè. Bên cạnh đó MXH còn đóng vai trò “công dân” trong việc tự tạo lập các mối quan hệ và tự tổ chức xoay quanh các mối quan tâm chung trong những cộng đồng thúc đẩy sự liên kết của các tổ chức xã hội.

Năm 2006, sự ra đời của Facebook đánh dấu bước ngoặc mới cho hệ thống MXH trực tuyến với nền tảng lập trình "Facebook Platform" cho phép thành viên tạo ra những công cụ (apps) mới cho cá nhân mình cũng như các thành viên khác dùng. Facebook Platform nhanh chóng gặt hái được thành công vượt bậc, mang lại hàng trăm tính năng mới cho Facebook và đóng góp không nhỏ cho con số trung bình 19 phút mà gần 250 triệu thành viên trên khắp thế giới bỏ ra trên trang này mỗi ngày.

Thống kê về sở hữu tài khoản “ảo” cho thấy, 43% người sử dụng từ 18 tuổi trở lên có một tài khoản, 25% có hai tài khoản, 13% có bốn hoặc nhiều hơn nữa tài khoản trên các MXH. Tỷ lệ nam giới sử dụng MXH nhiều hơn nữ giới. Lứa tuổi 13 - 15 tuổi có tỷ lệ 3,5% tham gia các MXH, lứa tuổi 16 - 18 tăng vọt lên 25,5%, cao nhất là 19 - 21 với tỷ lệ tham gia là 32,8%, sau đó giảm dần, tới lứa tuổi 46 - 57 chỉ còn 0,5%.

Chỉ trong thời gian hơn 1 năm ngắn ngủi nhưng các MXH đã đầy ắp hàng trăm triệu thành viên. Theo thống kê thì chỉ riêng 3 MXH hàng đầu như Facebook, MySpace, Friendster đã có tới gần 600 triệu thành viên trên khắp thế giới và con số trên vẫn tăng lên từng ngày. MXH tuy đa dạng nhưng nhìn chung được phân chia 03 dạng chính, đó chính là dạng MXH lấy nội dung làm trọng tâm (Youtube, Blogger, Blogspot, Wordpress), dạng MXH lấy cái “tôi” cá nhân làm trọng tâm (MySpace, Yahoo 360 Plus, Qzone) và dạng MXH lấy các mối quan hệ xã hội làm trọng tâm (Facebook, Bebo, Xiaonei).

Thách thức chờ đón MXHVN

Hiện tại Facebook đang tạo nên một “cơn sốt” rộng khắp đối với các user Việt, từ giới văn phòng, giới nghiên cứu và đặc biệt là giới trẻ bị mê hoặc “ngôi nhà chung” toàn cầu này. Sự phát triển nhanh chóng của Facebook cũng đặt ra một bài toán khó đối với các MXHVN như Zing Me, Tamtay, Yume hay Cyworld đang còn quá mới mẻ. Những MXH này nếu không nhanh chóng thích nghi thì việc bị đào thải là điều khó tránh khỏi trong tương lai gần.

Zing Me là một trong những MXH đã sớm thích nghi với thách thức mới này. Bằng chứng là số người dùng Zing Me cũng đã tăng nhanh chóng với số lượng gần 1 triệu thành viên. Dù rằng việc so sánh Zing Me và Facebook là việc làm khá khập khiễng nếu 1 triệu user của Zing Me so với 250 triệu user Facebook đang có trong tay nhưng sự kiện này cũng đã mở ra một hy vọng sáng sủa đối với sự phát triển của của MXHVN nói chung và Zing Me nói riêng.

Zing Me, Tamtay, Yume hay Cyworld vẫn tiếp tục chào đón những thành viên mới đang tìm kiếm một nơi an toàn và lý tưởng để xây dựng “ngôi nhà” của họ. Sự thành công của một số ít những MXHVN kể trên phần lớn phụ thuộc vào cách họ xây dựng “bản sắc” riêng nhắm tới cộng đồng. Ngoài giao diện được Việt hóa toàn bộ, dễ sử dụng, MXHVN thường nhắm tới những khách hàng nhất định, chẳng hạn Zing Me, Cyworld dành cho giới trẻ teen yêu thích giao diện màu sắc vui nhộn chia sẻ ảnh và video, các trò chơi flash vui nhộn thì Cyvee, Yume lại hướng đến đối tượng dân văn phòng, chuyên gia và giới kinh doanh… Có những MXH khác như Vietspace thì hướng phát triển với các hoạt động hướng đạo sinh tạo ý nghĩa cộng đồng cao.

Ưu thế lớn nhất của các MXHVN chính là yếu tố gần gũi, thân thiện và đa tiện ích với user. Giao diện hoàn toàn được Việt hóa, đường truyền tốt, nhiều chức năng hấp dẫn như blog, photo album, game mini Việt Nam, trắc nghiệm… là những ưu điểm thấy rõ của của MXHVN vào thời điểm này.

Nhận định về sự phát triển nhanh chóng của MXHVN, bạn Thanh Giang, một member của Zing Me cho rằng "sự phát triển của MXHVN là tất yếu, tuy nhiên để có được sự phát triển bền vững thì MXHVN phải vượt qua được cái bóng quá lớn của Facebook hay MySpace bằng cách tìm cho mình một bản sắc riêng, phù hợp với sở thích và gu thẩm mỹ của người Việt Nam”.

Lợi thế là vậy tuy nhiên MXHVN không khỏi vướng phải những thách thức lớn hơn dường như đã trở thành “căn bệnh” của một bộ phận giới trẻ Việt Nam, đó chính là tâm lý “sính ngoại” cho dù không cần biết họ có nhu cầu trao đổi quốc tế hay không. Ông Vương Quang Khải, giám đốc chuỗi sản phẩm giải trí Zing - VinaGame từng phải thừa nhận “thị trường MXH ở Việt Nam rất tiềm năng tuy nhiên, muốn thực hiện được ước mơ thu hút cộng đồng mạng Việt Nam, Zing Me cũng như các MXHVN khác vẫn còn nhiều việc phải làm. Trước hết là phải vượt qua tâm lý “sính ngoại” của người sử dụng”.

Sự ra đời và phát triển của các MXH là điều tất yếu khi số lượng người dùng intemet ngày càng gia tăng và đòi hỏi những dịch vụ tiện ích do intemet mang lại. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh, các MXHVN phải tự tạo được hướng đi của riêng mình, phát triển những dịch vụ, tiện ích bổ sung thú vị và hấp dẫn nhằm “giữ chân” các thành viên cũ và mở rộng thu hút thành viên mới...

T.T.D.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.