Mồi lửa thánh chiến sau 30 năm

30/11/2009 00:45 GMT+7

Một sự kiện đẫm máu cách đây 30 năm được xem là tia lửa làm bùng lên tư tưởng tiến hành thánh chiến bằng khủng bố.

 Lễ hành hương Hajj năm nay tại Mecca (Ả Rập Xê Út) từ ngày 25.11 đã kết thúc hôm qua với sự tham dự của 2,5 triệu tín đồ Hồi giáo. Khoảng 100.000 nhân viên an ninh đã được huy động để bảo đảm an toàn cho nghi thức tôn giáo lớn nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân khiến vấn đề an ninh được đặc biệt chú trọng là vì chính quyền vẫn chưa quên vụ tấn công cách đây ba thập niên mà hệ lụy vẫn còn tới ngày nay.

Rạng sáng ngày 20.11.1979, khoảng 400 tay súng đã tấn công Đại thánh đường Mecca, thánh địa thiêng liêng nhất của Hồi giáo, giữa lúc khoảng 50.000 người đang cầu nguyện. Kẻ cầm đầu Juhayman al Oteibi tố cáo Hoàng tộc Saud đã phản bội Hồi giáo khi quan hệ thân thiết với Mỹ và để những thứ "dơ bẩn" của phương Tây như ca nhạc và điện ảnh làm sa đọa xã hội. Nhóm tấn công đòi lật đổ Hoàng gia và thiết lập một nhà nước Hồi giáo “đúng nghĩa”. Nhiều sử gia xem sự kiện này là đợt jihad (thánh chiến) đầu tiên của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Buổi cầu nguyện tang tóc

Đại thánh đường Mecca là ngôi đền Hồi giáo lớn nhất thế giới với diện tích gần 500.000m2 và sức chứa tối đa khoảng 4 triệu người. Nơi đây chính là điểm đến của đợt hành hương Hajj, một nghi thức bắt buộc đối với mọi tín đồ vào cuối năm theo lịch Hồi giáo.

Rạng sáng ngày cuối cùng của lễ Hajj năm 1979, al Oteibi cùng đồng bọn đã nổ súng bắn chết các cảnh vệ trong Đại thánh đường và giành lễ đài để tuyên bố thánh chiến. Theo cuốn The Siege of Mecca (tạm dịch: Mecca dưới làn lửa đạn) của nhà báo Yaroslav Trofimov xuất bản năm 2007, cuộc tấn công đã được chuẩn bị trong vòng nhiều tuần lễ, vũ khí được đưa vào ngôi đền trong các quan tài và giấu sẵn trong các căn phòng ngầm dành cho các tín đồ nghỉ ngơi. Những kẻ tấn công thả hầu hết con tin, chỉ giữ lại khoảng hai ngàn người và cho đến lúc đó thế giới Hồi giáo mới chú ý đến al Oteibi.

Sinh năm 1936 trong một gia đình thế lực tại miền Trung Ả Rập Xê Út, al Oteibi từng tham gia lực lượng Vệ binh quốc gia đến khoảng 1973. Sau đó hắn thành lập một nhóm tôn giáo cực đoan, lôi kéo được rất nhiều thanh niên từ cả những nước láng giềng. Theo Trofimov, nhóm vũ trang tinh nhuệ của al Oteibi đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều gia đình giàu có thuộc thành phần bảo thủ và cả thành viên trong quân đội.

Ả Rập Xê Út đã nhờ tới sự giúp đỡ của quân đội Pakistan và lực lượng chống khủng bố Pháp tham gia chiến dịch giải cứu. Các tay súng bắn tỉa từ trên tường thành của ngôi đền liên tục hạ gục bất cứ ai đến gần trong khi các giáo sĩ cao cấp cho phép quân đội toàn quyền hành động bất chấp luật cấm bạo lực trong Đại thánh đường. Nhà báo Mỹ Lawrence Wright viết rằng quân chính phủ khoan tường và liên tục ném lựu đạn vào các phòng ngầm trong đền, bất chấp việc rất nhiều con tin bị chết oan.

Sau hai tuần chống trả quyết liệt, những kẻ bắt giữ con tin đã đầu hàng, 67 người kể cả al Oteibi bị bắt giữ trong khi nhiều tay súng khác đã trốn thoát bằng cách trà trộn vào các con tin được giải cứu. Theo số liệu chính thức, 127 binh sĩ và 117 tay súng đã thiệt mạng. Tuy chính phủ không công bố số dân thường tử vong, các nhóm điều tra độc lập cho hay hơn 1.000 người đã bị chết.

Hậu quả khôn lường

Al Oteibi cùng đồng bọn bị xử chém công khai vào tháng 1.1980, nhưng theo các học giả, vụ tấn công đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình thế giới đến tận ngày nay. Vụ tấn công đã trở thành nguồn cảm hứng cho trùm khủng bố Osama Bin Laden.


Al Oteibi - Ảnh: AFP

Nhà báo Trofimov viết khi Bin Laden bắt đầu thể hiện sự chống đối Hoàng gia Ả Rập Xê Út và Mỹ đầu thập niên 1990, hắn đã hầu như nhắc lại từng lời rao giảng của al Oteibi. Reuters dẫn lời nhà văn Ả Rập Turki al Hamad nói: "Al Oteibi đã trở thành hình tượng anh hùng của al-Qaeda và các nhóm mujahideen khác. Luận điệu của hắn chính là luận điệu của al-Qaeda ngày nay".

Trước khi vụ việc xảy ra, Ả Rập Xê Út là một đất nước Hồi giáo ôn hòa và cởi mở nhưng sau những cáo buộc của al Oteibi đã thay đổi tất cả. Giới chức sắc tôn giáo bảo thủ áp đặt luật Sharia vô cùng khắc nghiệt: rạp hát, truyền hình cáp và mọi văn hóa phẩm từ phương Tây đều bị cấm ngặt. Phụ nữ không còn được đi làm, tham gia vào các hoạt động xã hội và phải mặc áo trùm kín toàn thân trừ đôi mắt.

"Al Oteibi là một bước ngoặt trong lịch sử đất nước", nhà văn al Hamad nói với Reuters, "Chính phủ đã chém đầu hắn nhưng không thể tiêu diệt mầm mống cực đoan hắn gieo vào lòng xã hội". Mãi gần đây, Quốc vương Abdullah mới bắt đầu thực thi một vài cải cách "cởi trói" phần nào cho người dân. An ninh cũng không còn được như trước khi một số môn đồ của al Oteibi hiện gia nhập al-Qaeda và tiếp tục chống đối Hoàng gia. Theo AFP, hồi tháng 8, những kẻ đánh bom tự sát thất bại trong gang tấc với kế hoạch ám sát một thành viên cao cấp của chính phủ. Cảnh sát tháng trước đã phá một âm mưu khủng bố ngay tại Riyadh, bắt giữ hàng chục nghi can cùng rất nhiều súng ống và chất nổ.

Hành động của nhóm vũ trang al Oteibi đã thổi bùng lên ngọn lửa jihad chống Mỹ và phương Tây. Mặc dù không có bằng chứng, nhưng tin đồn Washington đứng sau cuộc tấn công càng kích động sự phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo. Thủ lĩnh tối cao của Iran khi đó là Ruhollah Khomeini tuyên bố: "Không loại trừ khả năng đây là tội ác của Đế quốc Mỹ và Israel", theo BBC. Dù không phải lực lượng cực đoan nào cũng tin vào cáo buộc trên, họ vẫn cho rằng phương Tây là nguồn gốc của tội lỗi và gián tiếp gây ra vụ tấn công. Trong số 19 thủ phạm gây ra vụ khủng bố 11.9.2001 có 15 người mang quốc tịch Ả Rập Xê Út. Trong cuốn sách của mình, Trofimov viết: "Từ sự kiện kinh hoàng ngày 11.9, những vụ đánh bom khủng bố ở London và Madrid đến tình trạng hỗn loạn hiện nay tại Afghanistan và Iraq, tất cả đều bắt đầu từ buổi sáng tháng 11 năm ấy".

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.