Vào hang cùng người Rục

29/11/2008 23:36 GMT+7

Giữa muôn trùng núi đá vôi ở miền tây Quảng Bình, chẳng ai biết có bao nhiêu hốc, hang đá, nhưng bất cứ chỗ nào cũng có thể là “nhà” của người Rục. Họ ngủ ngồi, ăn lá cây, củ rừng, sắn ngô và muông thú. Để đến được hang đầu tiên, chúng tôi phải lội bộ hàng giờ, vượt qua nhiều suối nước ngập lút chân…

Người đàn bà trở về

Huyện Minh Hóa những ngày cuối tháng 11 trời rét cắt da cắt thịt. Từ thị trấn Quy Đạt, chúng tôi ngược đường 12, liếc nhìn đồng hồ đã 8 giờ sáng mà sương mù dày đặc, từng đám mây bạc cuộn kín mấy ngọn núi nhấp nhô. Đường Hồ Chí Minh đoạn ở ngã ba Pheo mịt mờ, phải bật đèn pha mà chạy. Chúng tôi đang hướng về “thung lũng đá”, nơi có người Rục quây quần sinh sống cùng với mấy tộc người khác tại 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ.

Theo nhiều tài liệu chúng tôi có được trước lúc lên đường thì nhóm người Rục được phát hiện muộn nhất trong những nhóm tộc người ít ỏi ở miền tây Quảng Bình như Sách, Mày, Mã Liềng... Đó là vào những năm 1959-1960. Việc phát hiện này được đánh giá là kỳ tích bởi lúc đó nhóm người này chỉ hơn 30 người với bộ dạng, lối sống như người nguyên thủy giữa đại ngàn: tóc dài, mặc vỏ cây, ăn lá, củ cây và thú rừng, hễ thấy người lạ thì bỏ chạy.

Lần lượt những năm sau đó, chính quyền địa phương cùng với bộ đội biên phòng nhiều lần thuyết phục họ ra ở nơi định cư mới, tập lối sinh hoạt mới và cung ứng, giúp đỡ nhiều thứ khác. Gần đây nhất là vào năm 2004 đã hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường học và nhà ở cho đồng bào Rục cũng như các đồng bào ít người khác trên địa bàn. Những phương thức sản xuất trồng trọt được đưa ra, những con, cây giống được đưa lên. Thế nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Có nguyên nhân người ta không lý giải được nhưng cũng có cái người ta biết nhưng không khắc phục được. Và thế là, năm vì chiến tranh, năm thì vì dịch bệnh, lúc không có cái ăn nên người Rục lại kéo nhau vào hang đá ở.

 

Trên đường vào rẫy

Xe giật số 1 mãi rồi cũng đến con dốc cao ngất cuối cùng, vừa xuống sườn dốc đã thấy khu định cư người Rục thấp thoáng ánh vàng. Bản Ón nằm ngay đầu tiên. Trên đường tịnh không một bóng người, chạy xe đến cuối bản, tôi chỉ thấy một vài người ngồi trong nhà nhìn ra, còn hầu hết các ngôi nhà đều im ỉm cửa. May gặp trưởng bản Trần Xuân Tư đang chuẩn bị đi họp giao đất rừng gì đó. Băn khoăn sao bản vắng, anh cho biết: “Bản Ón có 56 hộ, trong đó có 43 hộ là người Rục.

Mọi người đi rừng cả rồi. Và hiện có 6 hộ người Rục vào ở thường xuyên trong các hang đá quanh vùng, họ vào mấy ngày rồi ra nhà, ra mấy ngày rồi vào, có người ở triền miên cả tháng”. Hỏi đường vào các hang đá đó, anh Tư bảo không tự đi được vì rất xa, nhiều hang nằm nhiều nơi khác nhau, đường rừng khó đi, lại nhiều lối, đến khu vực hang nhưng không biết lối lên thì cũng chịu và vào thì cũng ít khi gặp người dân vì họ thường đi đặt bẫy, tìm cái ăn.

Người Rục ở hang mà chúng tôi gặp đầu tiên là bà Cao Thị Bim khi bà đến nhà trưởng bản Tư chơi sau những ngày dài ở hang trở ra bản. Bà không nhớ tuổi nhưng nhìn người yếu lắm rồi, đến cái tên cũng phải một lúc lâu bà mới nhớ ra. Ánh mắt bà nhìn ngây dại, bàn tay và những ngón chân đen đủi, sần sùi. Gió thộc từng cơn khiến bà run bần bật vì áo quần phong phanh. Anh Tư kể rằng mới đây bà đau nằm liệt không đi lại được, anh phải lấy gạo và đường sữa cho ăn mới hồi phục.

Cuộc sống ở hang

Tình cờ chúng tôi cũng gặp một thanh niên trên đường vào hang. Anh cho biết tên là Quang, 19 tuổi, đã cưới vợ được 1 năm. Biết chúng tôi muốn vào hang, cậu liền vui vẻ đồng ý cho theo cùng. Cửa ải thử thách đầu tiên là một ngầm nước lạnh và chảy khá xiết, sâu gần lút chân người. Vượt qua được, chúng tôi lần bộ hướng về phía tây dãy Trường Sơn theo con đường lầy lội bùn nhão và cỏ dại, hai bên là bụi rậm; đường men dọc rặng núi đá sừng sững.

Đi một đoạn nữa thì gặp 4 thiếu nữ cùng với 1 cậu bé đang ngồi nghỉ, người nào cũng mang theo bao bị, giỏ mây. Họ cho biết đang vào rẫy đào củ sắn. Chúng tôi nhập đoàn. Đi cùng nhưng không ai chịu nói chuyện với chúng tôi mặc dù có Quang tiếp lời, hỏi gì cũng không nói, nhìn thì họ tránh mặt. Dường như bản tính tránh người lạ vẫn còn trong máu thế hệ con cháu như những người Rục thuở mới phát hiện ra.

 

Gập ghềnh đường kiếm cái ăn của người Rục

Đi mãi đến 3 tiếng đồng hồ thì gặp một con suối rộng chừng 3m nhưng sâu nên người Rục xô đổ một cây rừng vắt ngang qua làm cầu luôn. Đi qua vừa phải nín thở bò, vừa chăm chú xem mấy cành khô lâu ngày có bị rạn gãy không. Qua suối, đám người đi rẫy rẽ hướng khác, họ cho biết mất hơn 1 tiếng nữa mới đến rẫy.

Chúng tôi rẽ phải đi tiếp đoạn nữa thì gặp một cái chòi bỏ không, chỉ còn sót lại vài đồ dùng mục nát cho thấy trước đó đã có người ở. Quang hú lên mấy tiếng nhưng không có hồi đáp. Cậu ngước mặt lên dãy núi cao chót vót trước mặt bảo trên đó là hang vợ chồng ông Loa, là ông ngoại của vợ Quang. Đường lên hang như dựng đứng, chúng tôi phải bấu vào rễ cây và các mỏm đá sắc nhọn để bò lên. Vị trí hang cách chân núi khoảng 25-30m và cũng cách đỉnh núi chừng đó. Gọi là hang chứ thực ra đây là một hốc đá được che chắn bởi những khối đá lớn kéo dài thẳng đứng lên đỉnh núi.

Trong “ngôi nhà” của ông Loa chỉ mấy cái áo quần cũ là được vắt lên cây sào, còn những cái chăn, màn rách nát thì nằm vương vãi tứ tung, cái được nhét vào khe đá, cái thì thả bệt dưới nền. Trên một khoảnh nhỏ bằng phẳng có mấy tấm bao lác, đó là nơi vợ chồng ông ngủ. Họ ngồi ngủ. Vật dụng trong hang có một cái nồi, một tấm sắt mỏng có lỗ để mài sắn, một khúc cây to tròn được khoét rỗng đoạn giữa chắc là để giã sắn, một cái lưới xúc cá làm từ màn rách và những que gỗ nhỏ làm bẫy chuột. Vợ chồng ông cũng ăn lá trầu với bột từ vỏ ốc mài ra. Để đốt lửa, họ dùng cách đánh đá châm mồi như thời nguyên thủy.

 Khi chúng tôi đến, ông Loa đi đặt bẫy vắng còn vợ ông ra bản. Quang chạy đi tìm ông về. Ông cũng đã già yếu, dáng người nhỏ thó trong bộ áo quần rách tươm, đôi bàn chân trần luôn leo trên cây và đá khiến da nó chai sạn, sù sì. Với vẻ mặt buồn thiu, ông nói đi kiểm tra mấy cái bẫy đặt chuột từ tối qua mà không được con nào. Như thế, ngày hôm nay ông đành phải ăn mỗi món sắn nhổ từ dưới bãi. Vì trồng không được nhiều nên người Rục cũng không dám ăn nhiều, một bữa chỉ một hai củ cầm cự còn phải kiếm thêm lá cây, củ rừng và bẫy thú mà ăn. Sắn ăn theo kiểu vùi trong củi than hay giã ra làm bồi chấm muối. Có người lạ, ông Loa cứ ngồi tư lự, không nói năng, hỏi gì ông ậm ừ lí nhí.

 Hang thứ 2 chúng tôi tìm đến là của vợ chồng ông Cao Vềng nằm ở phía đông bản Ón. Dân bản kể rằng vợ chồng ông ở hang thường xuyên nhất, hiếm khi họ về bản. Đến, nhưng vợ chồng ông không có ở hang. Hỏi một người đi bẻ cây kim tuyến bán mới hay vợ chồng ông đã chuyển sang hang khác để dễ kiếm cái ăn hơn, thỉnh thoảng hai người mới về hang chính, hết cái ăn lại đi. Giống như hang ông Loa, hang ông Vềng cũng chẳng có gì ngoài mấy bộ áo quần rách, cái nồi móp méo, đống củi cháy chưa hết.

Bỏ bản vì sợ bò?

 Ở giữa hoang mạc núi đá vôi này, không ai biết chính xác có bao nhiêu cái hang to nhỏ. Tất thảy các hang đó chính là nơi trú ngụ, là mái nhà cho bất cứ người Rục nào. Vào rừng kiếm thức ăn, họ ở lại hang; đi làm rẫy xa bản quá, họ ở lại hang. Và một lý do nữa xuất phát từ đàn bò hàng trăm con. Trên đường trở ra, gặp một đàn bò béo mộng, lông con nào con nấy óng mượt. Tôi hỏi Quang bò của dân bản hay của ai, Quang trả lời là bò của người ngoài xã (ý nói là những gia đình ở trung tâm xã - PV).

Đến đây tôi nhớ lại lời trưởng bản Tư: “Đất sản xuất được khoảng 15 ha, phân bố mỗi nơi mỗi ít, bà con thường trồng ngô, sắn nhưng bị đàn bò ngoài xã thả rong vô phá hết, mấy lần tổ chức rào chắn nhưng không hiệu quả lắm. Bà con không biết cách đuổi cùng với việc không có kinh nghiệm sản xuất nên lại mất mùa, thiếu ăn”. Thậm chí có một điều mới nghe thì lạ, tưởng đùa nhưng rất thật đó là người Rục sợ bò vì nó hôi; nó ăn cây của bà con, ăn no rồi “ra” những đống phân to tướng rất bẩn. Đúng thế thật, con đường chạy dọc bản đầy phân bò nhầy nhụa, bốc mùi hôi khó chịu. Hay như phần trên đã nói về cái chòi bỏ không giữa đám sắn, người Rục không ở cũng vì sợ bò đến quấy nên lên hang ở.

Trước khi rời bản Ón, tôi nhìn những ngôi nhà đóng kín cửa lần nữa, cái ý nghĩ người Rục đang quay trở lại hang sống một cách tự nhiên như thuở ban đầu mãi day dứt. 

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.