Pakistan trước "cuộc đấu tay ba"

11/12/2007 00:00 GMT+7

Vận động tranh cử quốc hội ở Pakistan bắt đầu nóng sau khi cựu Thủ tướng Nawaz Sharif quyết định không tẩy chay cuộc bỏ phiếu đầu năm tới.

Ông Sharif hôm qua đã bắt đầu chuyến đi vận động sự ủng hộ cho đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) dù nhà chức trách cấm ông tranh cử với tư cách cá nhân. Trước đó một ngày, ông Sharif đã rút lại lời đe dọa rằng đảng của ông sẽ tẩy chay cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra vào ngày 8.1, để phản đối Tổng thống Pervez Musharraf.

Theo Hãng tin AP, hôm qua ông Sharif đã đến diễn thuyết tại một cuộc tuần hành ở thành phố Faisalabad và có kế hoạch đến Multan, Rawalpindi, Quetta, Karachi và Peshawar trong những ngày tới. "Chúng tôi sẽ giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử nếu có được một sân chơi bình đẳng", ông Sadiq ul-Farooq, một quan chức cao cấp của đảng PML-N, cho biết. Cũng hôm qua, đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Quaid (PML-Q) cầm quyền đã công bố tuyên ngôn tranh cử. Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thư ký Mushahid Hussain cho biết tuyên ngôn của PML-Q tập trung vào năm từ: dân chủ, phát triển, phân quyền, tính đa dạng và quốc phòng, nhằm đối lại với tuyên ngôn tranh cử do đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto công bố tuần qua, cũng gồm 5 từ: việc làm, giáo dục, năng lượng, môi trường và sự bình đẳng.

Trong khi một số đảng nhỏ hơn cho biết họ sẽ không tham gia tranh cử quốc hội vào tháng 1.2008, triển vọng một cuộc tẩy chay toàn diện đã sụp đổ sau khi hai đảng đối lập lớn nhất quyết định cử người tham gia tranh cử, dọn đường cho "cuộc đấu tay ba" giành quyền thành lập chính phủ mới. Ông Sharif, người bị ông Musharraf lật đổ vào năm 1999, đã cố thuyết phục bà Bhutto tham gia tẩy chay bầu cử, nhưng bà Bhutto tuyên bố hôm 6.12 rằng PPP sẽ tham gia, và đảng PML-N hôm 9.12 tuyên bố rằng họ không thể nhường sân chơi cho các đối thủ. Một cuộc họp của Phong trào dân chủ của tất cả các đảng phái, gồm 33 nhóm chính trị do đảng PML-N đứng đầu, đã không đạt được quan điểm chung, dẫn đến việc mỗi đảng tự quyết định có nên tranh cử hay không.

Văn phòng Tổng thống Musharraf hoan nghênh những diễn biến mới nhất từ phe đối lập. Người phát ngôn của tổng thống, ông Rashid Qureshi, hôm qua khẳng định: "Càng nhiều người tham gia tranh cử, càng tốt hơn cho tương lai của Pakistan". Tổng thống Musharraf hôm 9.12 đã bác bỏ những lo ngại của các đảng đối lập về nguy cơ gian lận bầu cử và cam đoan đó sẽ là cuộc bỏ phiếu "tự do và công bằng". Ông Musharraf đã rời quân đội hồi tháng trước và mới đây tuyên bố sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tuần này. Hành động này sẽ đáp ứng được một yêu cầu quan trọng của các đối thủ trong nước và các nước ủng hộ ông như Mỹ, vốn mong muốn cuộc bầu cử sắp tới sẽ tạo ra một chính phủ ôn hòa, ổn định ở Pakistan với cam kết đấu tranh chống Hồi giáo cực đoan.

Theo giới quan sát, sự tham dự nhiều hơn của phe đối lập làm cho cuộc bỏ phiếu sắp tới có vẻ cởi mở hơn và giúp củng cố nỗ lực tạo lập dân chủ của ông Musharraf, vốn bị ảnh hưởng nặng từ khi ông ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 3.11 và cách chức các thẩm phán có tư tưởng độc lập. Nhưng việc cho phép các đối thủ mạnh như ông Sharif và bà Bhutto tham gia vận động cho đảng của họ (hai người hiện vẫn chưa được phép tranh cử với tư cách cá nhân), đảng của ông Musharraf có thể mất phiếu và mất ghế tại quốc hội mới. Điều này hẳn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc hành xử của ông trong 5 năm tới.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.