Lạm phát cao hơn lãi suất ngân hàng: Người có tiền sẽ làm gì?

01/12/2007 01:40 GMT+7

*Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá: “Theo cách tính mới, CPI 11 tháng chỉ tăng 7,92%” *Về 2 cách tính chỉ số tăng giá tiêu dùng Lãi suất tiết kiệm về thực chất cũng là một loại giá - giá vốn. Trong kinh tế thị trường, nguyên tắc chung là lãi suất tiết kiệm phải cao hơn lạm phát để bảo đảm cho lãi suất thực dương. Nếu lãi suất tiết kiệm thấp hơn lạm phát thì lãi suất thực sẽ mang dấu âm, tức là không có lãi suất thực. Vậy giữa lãi suất tiết kiệm với lạm phát có mối quan hệ như thế nào?

Trong thời kỳ lạm phát phi mã, lạm phát cao gấp nhiều lần lãi suất tiết kiệm, đến nỗi đã được ví như hiện tượng: người gửi tiền có giá trị như một con bò, gửi vào ngân hàng nhờ "quay vòng" hộ, nhưng đến khi rút ra chỉ còn giá trị như cái đuôi bò. Cùng với các biện pháp kinh tế khác, chỉ đến khi lãi suất tiết kiệm được đưa lên đến mức cao hơn so với lạm phát (lãi suất tiết kiệm có thời gian lên đến 12%/tháng) để tăng tốc độ huy động vốn, lạm phát mới bị chặn đứng.

Trong thời kỳ giảm phát (từ năm 1999 đến năm 2003, khi tốc độ tăng giá tiêu dùng quá thấp, có năm gần như không tăng hoặc âm). Thời kỳ này tốc độ tăng vốn huy động cao hơn tốc độ tăng dư nợ cho vay (năm 1998 là 34% so với 16,4%). Tốc độ tăng vốn huy động cao chủ yếu do lãi suất huy động cao hơn so với tốc độ tăng giá tiêu dùng. Vốn huy động tăng nhiều hơn vốn cho vay là nguyên nhân và là hậu quả của giảm phát, mà giảm phát là một nguy cơ khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 12 chắc chắn tăng cao hơn cùng kỳ năm trước - ảnh: D.Đ.M

Từ năm 2004 đến nay có thể được coi là thời kỳ lạm phát, khi tốc độ tăng giá tiêu dùng khá cao, có năm còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đáng lưu ý, năm 2004 lạm phát rất cao (9,5%), năm đó tốc độ tăng vốn huy động thấp xa so với tốc độ tăng dư nợ cho vay (33,2% so với 41,65%). Những năm sau tốc độ tăng vốn huy động cao hơn tốc độ tăng dư nợ cho vay (33% so với 21,4% vào năm 2006), lạm phát xuống thấp.

Sang năm 2007, ngay từ đầu năm đã có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát tăng cao, đi liền theo đó là tiền ra lưu thông nhiều. Nhưng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại quốc doanh gần như không tăng (tính theo năm chỉ vào khoảng 8%), trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần, khi tốc độ tăng giá tiêu dùng cao lại giảm mạnh lãi suất huy động (có ngân hàng thương mại giảm lãi suất từ 9,84%/năm xuống còn 8,8%/năm) và mãi gần đây một số ngân hàng thương mại mới tăng trở lại. Lãi suất tiết kiệm tính theo kỳ hạn năm của các ngân hàng thương mại cổ phần hiện ở mức trên dưới 9%, của các ngân hàng thương mại nhà nước còn thấp hơn, chỉ ở mức 8,4%.

Dự đoán lạm phát cả năm sẽ tăng tới trên dưới 11%. Điều đó có nghĩa là lạm phát đã cao hơn lãi suất tiết kiệm, làm cho lãi suất thực mang dấu âm, với mức độ khác nhau tùy theo ngân hàng thương mại và kỳ hạn gửi.

Khi lạm phát tăng cao hơn lãi suất tiết kiệm, người có tiền sẽ có động thái gì?

Người có lượng tiền nhỏ lẻ hoặc người có lượng tiền lớn nhưng tạm thời nhàn rỗi (do đang chờ đầu tư, chưa đến kỳ trả nợ hoặc còn lúng túng chưa quyết định đầu tư vào đâu...), hoặc có lượng tiền đang gửi tiết kiệm nhưng chưa đến kỳ đảo hạn...  thì họ vẫn có thể gửi tiết kiệm. Dù sao, họ cũng cảm thấy đỡ rủi ro vì nhìn thấy có lãi suất, mặc dù đó chỉ là lãi suất theo danh nghĩa.

Nhà đầu tư (có lượng tiền lớn, có thói quen và kinh nghiệm đầu tư…) thì có xu hướng sẽ rút tiết kiệm và chọn kênh đầu tư khác để đạt hiệu quả cao nhất. Người ta sẽ chọn và cân nhắc các kênh đầu tư sau đây:

Đối với kênh mua ngoại tệ, sẽ có sự phân loại các ngoại tệ để đầu tư. Đối với USD, do nguồn cung vào nhiều, tỷ giá sẽ tăng không đáng kể hoặc không tăng, trong khi lãi suất tiền gửi bằng USD sẽ giảm (hiện cũng chỉ bằng khoảng hơn một nửa lãi suất tiết kiệm bằng tiền đồng). Đối với nhân dân tệ, do được định giá gắn với đồng USD, mặc dù các nước phát triển đang tạo sức ép để Trung Quốc nâng giá trị đồng tiền của nước này, nhưng nếu có tăng cũng tăng không nhiều, nên đầu tư vào đồng nhân dân tệ sẽ không thu lợi được nhiều. Đối với đồng euro, bảng Anh, yen Nhật, do đồng USD bị mất giá lớn so với các đồng tiền này, nên đầu tư vào các đồng tiền này sẽ có lợi. Tuy nhiên cần phải lưu  ý:  tỷ giá VND/các đồng tiền trên hiện đã lên khá cao, trong khi lãi suất gửi ngân hàng ở trong nước đối với những đồng tiền này hiện chỉ bằng khoảng một nửa so với lãi suất gửi USD.

Đối với kênh đầu tư vàng, nếu tính chung trong 7 năm qua thì rất có lợi. Tuy nhiên, có hai trở ngại cần chú ý: giá vàng ở trong nước gần như phụ thuộc vào giá vàng thế giới; giá vàng hiện biến động theo hình "răng cưa" do có yếu tố đầu cơ (mua vào khi giá thấp, bán ra khi giá cao). Vấn đề là phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường vàng thế giới và phải khôn ngoan, nhạy bén.

Đối với kênh bất động sản, theo chu kỳ thống kê kinh nghiệm, thì đã đến lúc giá sẽ tăng (thực tế năm nay đã qua vài ba cơn sốt cục bộ), theo dự đoán sẽ tăng cao hơn vào thời gian tới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý mấy điểm: đầu tư vào đây cần một lượng vốn khá lớn; việc mua, bán không dễ dàng, nhanh chóng, bởi người bán gặp được người mua đã khó khăn, rồi còn giấy tờ, phong thủy...; giá bất động sản hiện đã khá cao, nay lại tăng "kép" (vừa tăng do giá đất tăng, vừa tăng do giá vật liệu xây dựng tăng)...

Đối với kênh chứng khoán, tính về lâu dài cũng có lãi. Hiện có một lượng vốn lớn của nước ngoài đang "mai phục" các "đại gia" IPO vào cuối năm khi có kết quả tốt của các công ty niêm yết và thông thường cuối năm (đã mấy năm rồi) chỉ số giá chứng khoán đều tăng. Tuy nhiên, sẽ khó gặp lại được diễn biến chỉ số giá như cuối năm ngoái và đầu năm nay. Chỉ số giá chứng khoán hiện tại lại đang có xu hướng giảm (mặc dù vẫn diễn biến như hình "răng cưa"), số công ty niêm yết tăng, số công ty đã niêm yết lại phát hành thêm chứng khoán, những công ty lớn IPO sẽ thu hút thêm lượng tiền vào đây. Hiện có hơn 200 mã chứng khoán, nên vấn đề là theo dõi, lựa chọn cách đầu tư (dài hạn, hay lướt sóng) và chọn đúng mã để đầu tư. Những mã đã có thị giá cao (trên 200 nghìn đồng), hoặc niêm yết đã lâu nhưng vẫn ở mức thấp (dưới 100 nghìn đồng) thì sẽ có lãi ít. Tất nhiên, mã nào thì phải cập nhật thông tin kịp thời và chính xác.

Nhìn chung, khi lãi suất tiết kiệm thấp hơn lạm phát và hiện tượng này còn kéo dài ít nhất cho đến tháng 2 sang năm thì tiền đang có xu hướng ra nhiều hơn vào, tạo thêm áp lực lạm phát và hiện tượng "thừa USD", thiếu tiền đồng sẽ gia tăng.

N.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.