Chọc tìm "con giống"

28/11/2007 15:13 GMT+7

Tại Hội nghị quốc tế y học tại Mỹ vừa qua, kỹ thuật "chọc hút mào tinh, tinh hoàn bằng kim nhỏ" của giáo sư Nguyễn Vượng được bạn bè quốc tế rất quan tâm.

Vẫn là... "con của người ta"!

Từ lâu, vấn đề vô sinh nam ở ta chưa được quan tâm đúng mức. Nói đến vô sinh, người ta thường hồ nghi tất cả là do phụ nữ. Quan điểm thiếu cơ sở khoa học ấy đã dần được thay đổi. Trên thế giới, trong số các trường hợp cặp vợ chồng hiếm muộn, tỷ lệ vô sinh do nam chiếm khoảng 50%. Theo nghiên cứu của giáo sư Trần Quán Anh, khoa Tiết niệu Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức, chỉ riêng tại miền Bắc,  tỷ lệ vô sinh nam chiếm tới 66,67%.

Một trong những nguyên nhân của vô sinh nam là trong tinh dịch không có tinh trùng. Trước đây thăm khám cho những cặp vợ chồng vô sinh, khi lấy tinh dịch của người chồng thử không thấy có tinh trùng thì họ bị coi như không còn triển vọng sinh sản. Sau này, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ra đời (lấy tinh trùng của người cho tự nguyện với nguyên tắc giữ bí mật cho thụ tinh với trứng trong ống nghiệm khi thành công cấy trở lại vào trong tử cung) đã mang lại niềm vui sinh con cho nhiều cặp vợ chồng. Phương pháp này tiến hành khá phức tạp và tốn kém nên không phải ai cũng có điều kiện thực hiện. Tuy nó đã mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình nhưng dẫu sao vẫn chưa trọn vẹn bởi lẽ người chồng hiểu rằng: "Con ấy là... con người ta". Và sau này khi lớn lên chỉ cần xét nghiệm AND, đứa trẻ sẽ biết về người cha đích thực của mình.

Con là... "con của chúng mình"


Tinh trùng lấy ở mào tinh nhìn qua kính hiển vi - Ảnh do Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Vượng cung cấp
Cần nhắc lại rằng, đàn ông không có tinh trùng không hoàn toàn có nghĩa tinh hoàn của họ không sản xuất ra tinh trùng. Kết quả nghiên cứu của giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vượng qua chọc hút mào tinh cho thấy, có tới 70% trường hợp bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch lại có tinh trùng ở mào tinh (nơi chứa tinh trùng). Trong đó: 1/3 có số tinh trùng nhiều và khỏe như bình thường, 1/3 có tinh trùng ở mức vừa phải, 1/3 có tinh trùng ít. 

Kỹ thuật chẩn đoán này tuy đơn giản nhưng độ chính xác cao. Khi được chẩn đoán tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng và có tinh trùng ở mào tinh, các bệnh nhân có thể được mổ dẫn lưu để không bị "tắc" trong đường "vận chuyển" tinh trùng từ tinh hoàn đến túi tinh, tinh trùng sau đó có thể lại được phóng ra cùng tinh dịch trong khi quan hệ tình dục. Sau khi phẫu thuật, các bệnh nhân có số tinh trùng nhiều, khỏe như ở người bình thường có thể tiến hành thụ tinh tự nhiên. Trong trường hợp tinh trùng yếu, y khoa sẽ can thiệp chọn tinh trùng khỏe nhất để thụ tinh nhân tạo. Những đứa trẻ này thực sự là... "con của chúng mình".

Kỹ thuật "Chẩn đoán tế bào học qua chọc hút mào tinh, tinh hoàn bằng kim nhỏ" của giáo sư Nguyễn Vượng đã được giáo sư Trần Quán Anh đưa vào áp dụng trong việc chẩn đoán, điều trị vô sinh tại khoa Tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Đã có gần 200 trường hợp vô sinh nam được chẩn đoán bằng phương pháp này và bước đầu điều trị có hiệu quả.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.