Nhớ nước Nga, giữa ngày thu Hà Nội...

07/11/2007 00:35 GMT+7

Như mọi năm, dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, cũng là lúc tâm tư lắng lại bởi sắc thu Hà Nội, "dân Nga" (những người từng học ở Nga) chúng tôi lại tụ tập. Không hẹn mà nên, lần này có bốn bạn làm báo người Nga, hai nam, hai nữ, cùng dự. Người Nga nói tiếng Việt, còn người Việt nói tiếng Nga.

Rồi đến lúc nào đó, thì quên cả nâng ly, tất cả đều hát những bài hát Nga: Những bài dân ca, những bài hát thời nội chiến ("Những chiến binh từ xa tới, vó câu dồn dập bước…"), những bài hát thời Vệ quốc, chưa hết câu đã thấy rưng rưng ("Giờ này, em thân yêu xa cách ngàn trùng, còn cái chết cách anh bốn bước..."), rồi Chiều Matxcơva, Hắc Hải, Niềm hy vọng - không gì tha thiết hơn, rồi cả những bài hát đượm buồn mà ấm áp tình người của những năm 70 của "Người đàn bà hát" Alla Pugachova…

Những tưởng đã thấu hiểu tâm hồn Nga, tôi lại phải tự hỏi, lại suy nghĩ miên man: 3/4 thế kỷ 20, kể từ năm 1917, với nước Nga là thời gian của bão tố, của thử thách, của nhiều niềm vui, nhiều điều vĩ đại, nhưng cũng rất nhiều khốc liệt. Nhưng nền văn hóa Xô viết lại mênh mông, mênh mông đằm thắm, dịu dàng. Như câu thơ của nữ sĩ Olga Bergon "dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi…". Dẫu ai đó có nói gì đi nữa, dẫu có những lời lẽ gạt bỏ phũ phàng đến bao nhiêu, thì vẫn có một điều tôi hằng tin: Chỉ một sự nghiệp hướng tới những điều cao cả, chỉ một xã hội nhân bản, mới có thể sản sinh một thế giới tinh thần trong vắt đến như vậy.

Khi còn đi học ở Nga, tôi cũng đã có dịp đến Gorki - nơi có ngôi nhà Lenin từng ở, nay là nhà bảo tàng. Dịp đó là mùa đông, tuyết phủ trắng khắp vùng. Ngôi nhà không lớn, nhưng khu rừng bao quanh rất rộng. Và ấn tượng đầu tiên là cây. Những thân cây hùng vĩ, đều tăm tắp, có lẽ hàng trăm năm tuổi. Sau này đọc Lenin, tôi gặp bức thư đầy giận dữ, trong đó vị đứng đầu Nhà nước Xô viết đòi "truy tố" người giám đốc đã chặt một cây lớn nhiều tuổi trong vườn vì một lý do không đâu. Lenin kiên quyết khẳng định rằng đó là tội "hủy hoại tài sản quốc gia". Rồi bức thư sau, Lenin đề nghị, vì lý do vị giám đốc đã thực sự hối lỗi, nên để anh ta chịu phạt phải lao động công ích một số giờ, sau đó vẫn giữ nguyên chức vụ quản lý toàn bộ tài sản, trong đó có rừng cây quý mà anh ta đã từng có hành vi phá hoại. Có thể cảm nhận trong các bức thư ấy sự phẫn nộ trước những gì vô lý, sự công bằng trước con người, và cả một nét gì đó hóm hỉnh của nhà quản lý. Việc không lớn, nhưng nếu nhớ lại nhiều sự việc khác, sẽ thấy tính cách thống nhất trong con người Lenin: Đó là con người quyết liệt, không khoan nhượng. Hãy đọc lại để thấy, bằng những lời lẽ và lập luận không thể bác bỏ, Lenin phá tan tành, thậm chí hủy diệt những lý thuyết, quan điểm, tư tưởng sai lạc của những nhân vật đáng gờm như Troski, Karmeniev, Zinoviev, Bukharin, kể cả người Lenin yêu quý như Lunatchaski. Nhưng sau khi quan điểm sai lầm của họ đã bị loại trừ, thì chính những con người đó, khi Lenin còn sống, luôn được giữ các trọng trách trong Nhà nước Xô viết, luôn được Lenin bàn thảo về những công việc lớn, và tài năng của họ được phát huy vì lợi ích chung. Và nhiều lúc, Lenin vừa phê phán họ, vạch ra các "sai lầm chết người”, buộc họ phải từ bỏ những sai lầm đó, nhưng vẫn khẳng định họ là "nhà lý luận tài năng nhất”, hoặc "nhà tổ chức tài năng nhất" cần được trọng dụng. Không phải trong bão gió và hỗn loạn của cuộc đấu tranh thì không thể bao dung và trân trọng con người.

Từ chuyện cây trong rừng ở Gorki, lại nhớ đến cây trong vườn Bác Hồ. Nhớ đến chuyện có cây trong vườn Bác bị sâu đục ruỗng cả thân, có người xin chặt. Bác không cho chặt bỏ cây, Bác đắp vá chỗ sâu đục, chăm chút để cây lại xanh tươi mạnh mẽ. Rồi Bác mới phân tích: Cái cây bị sâu, nếu chặt đi thì mất cây, nếu chữa cho cây, thì lại có cây lành.

Có lẽ phải sau một thời gian, mọi người mới hiểu Bác không chỉ nói về cây.

Một cuộc cách mạng, một sự nghiệp xã hội, dẫu có mạnh mẽ như một dòng sông lớn, vẫn không khỏi phải có những khúc quanh bởi lịch sử luôn mang yếu tố bất ngờ. Nhưng nếu sự nghiệp ấy, những người đi đầu trong sự nghiệp ấy, có nền tảng và động cơ cao đẹp vì con người, trân trọng con người ,có tầm cao của trí tuệ và văn hóa, thì những gì sự nghiệp ấy đem lại sẽ mãi vượt qua thời gian, không ai, không có gì có thể làm phai mờ. Và dòng chảy sẽ tiếp tục.

Đó là những điều tôi nghĩ và nhớ lại, không phải là câu chuyện nói ra lời lúc đó. Buổi chiều thu Hà Nội này, sau những bài hát quen thuộc, câu chuyện ngả về các nhà văn, nhà thơ Nga thời Xô viết - những tác phẩm, những cái tên thân thuộc. Một người trong số chúng tôi, là nhà báo, cũng là người làm thơ, người dịch thơ Nga có tiếng, đã hỏi các bạn đồng nghiệp Nga về việc có thể giới thiệu những tác phẩm văn học hay thi ca nào thời gian gần đây để dịch ra tiếng Việt. Các bạn Nga im lặng nghĩ, rồi nói rằng có lẽ nên đợi một thời gian nữa. Tôi hiểu: có nhiều lúc cần thời gian. Như trong bài thơ kia của Olga Bergon "Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng...". Ở nước Nga, mùa rụng lá là khi cây cối dễ bị tổn thương nhất, nhưng cũng chính từ khi đó, trong mỗi thân cây tích tụ nhựa sống mới, để rồi lại bung ra ngắt ngắt xanh khắp cả đất trời.

6.11.2007

Trần Chí Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.