Những điều quan tâm xung quanh nghề “hô phong hoán vũ” Tài chính

28/11/2007 10:01 GMT+7

Chiều nay (28/11), Thanhnien Online và VietnamWorks.com phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những điều quan tâm xung quanh nghề "hô phong hoán vũ" Tài chính".

Khách mời tham dự chương trình có: Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu, bà Trịnh Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Tài chính Vietnamworks.com. Chương trình giao lưu đã giúp bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về nghề Tài chính - một nghề có phạm vi hoạt động rất rộng và cũng là một trong những nghề được biết đến khá sớm trong xã hội. Bên cạnh đó, tại buổi tư vấn trực tuyến, các khách mời tham dự chương trình cũng đã tư vấn, cung cấp cho bạn đọc các kiến thức liên quan đến các công việc tài chính như: Kế toán, kiểm toán, đảm bảo thanh toán, đảm bảo nguồn vốn, cố vấn tư vấn cho các quyết định đầu tư, tính toán hiệu suất nguồn vốn, xây dựng chiến lược phát triển (trong đó nguồn vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng), mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, cấu trúc lại các cơ cấu quản lý sở hữu, vay nợ và thuê mua, tài trợ thương mại, bảo hiểm, nghiệp vụ ngân hàng... Dưới đây là toàn bộ buổi giao lưu trực tuyến.

* Gần đây, tôi thường nghe nhắc đến việc hình thành Tập đoàn Tài chính Ngân hàng Việt Nam, xin vui lòng cho tôi một số thông tin về sự kiện này. (Binh Minh, 25 tuổi, Nam, HCM, nhan vien)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám dốc Ngân hàng Á Châu: Tập đoàn tài chính là thuật ngữ được sử dụng để nói đến một tập hợp các công ty có ngành nghề hoạt động liên quan với nhau. Vì vậy việc sử dụng thuật ngữ tập đoàn cần phải được cân nhắc kỹ. Những công ty tài chính, ngân hàng đủ mạnh, lớn với mong muốn sẽ hoạt động nhiều lĩnh vực có liên quan đến tài chính, ngân hàng nhằm mục đích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ cho các khách hàng, gia tăng hiệu quả trong kinh doanh. Đã thành lập nhiều công ty tài chính, công ty đầu tư hoặc ngân hàng có ngành nghề hoạt động liên quan với nhau và nhóm các công ty này được gọi là tập đoàn.

* Theo em thấy thì sức hút về công việc, ưu đãi, mức lương trong ngành tài chính (chứng khoán) hiện nay đang là yếu tố thu hút tất cả các bạn trẻ hướng đến con đường tài chính. Nhưng với đà này sẽ dẫn đến tình trạng những năm sau cung sẽ nhiều hơn cầu về nhân lực. Vậy theo chị bọn em bay giờ theo đuổi ngành tài chính vẫn còn kịp hay không? Theo chị, chúng em nên định hướng như thế nào khi muốn theo đuổi ngành chứng khoán? (Binh Minh, 25 tuổi, Nam, HCM, nhan vien)

- Bà Trịnh Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Tài chính Vietnamworks.com: Theo tôi, theo đuổi ngành tài chính không bao giờ là muộn cả. Cái chính là mình phải chuẩn bị như thế nào cả về kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng cấn thiết. Cụ thể nếu em muốn phát triển sự nghiệp theo ngành chứng khoán thì em phải có kiến thức về chứng khoán, bằng cấp quốc tế như CFA (của Mỹ), kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng như ý chí phấn đấu, nghị lực vươn lên. Tôi đảm bảo em sẽ không bao giờ là người đi sau cả. Chúc em may mắn.

* Em hiện đang học ngành Tài chính Ngân hàng. Xin cho em hỏi sau khi ra trường em có thể làm việc cho các ngân hàng với công việc cụ thể nào? (Dung, 23 tuổi, Nữ, 346 Ngo Quyen F14 Q10, Sinh Vien)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Trong ngân hàng có nhiều vị trí, chức danh khác nhau, tùy theo năng lực cá nhân, kiến thức chuyên môn thì ngân hàng sẽ bố trí vị trí công tác của từng ứng viên cho phù hợp với mục tiêu tối đa hóa năng suất công việc và giúp cho các ứng viên có cơ hội thăng tiến trong ngân hàng. Thông thường khi phỏng vấn ứng viên nhà tuyển dụng thường hỏi để phát hiện các năng lực cá nhân để bố trí công việc. Đối với cá nhân em có thể ứng cử các vị trí: giao dịch viên, nhân viên dịch vụ khách hàng, nhân viên quan hệ khách hàng, nhân viên thanh toán quốc tế.

* Tôi đang làm ở phòng Kế hoạch của một Ngân hàng TMCP, tôi muốn phát triển về nghiệp vụ của mình nhưng không biết phải tham khảo, học hỏi từ đâu? (cohoa_mai, 25 tuổi, Nữ, An Giang, CNV)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng Giám Đốc Ngân hàng Á Châu: Để phát triển nghiệp vụ của mình bạn cần xuống các đơn vị cơ sở (chi nhánh) trực tiếp tham gia các công việc của nhân viên quan hệ khách hàng, nhân viên dịch vụ khách hàng, nhân viên phân tích tín dụng sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm và kiến thức, hiểu rõ điều kiện thực tế tại từng địa phương và chi nhánh. Điều này sẽ giúp cho bạn có cơ hội phát triển hơn. Ngoài ra, để bổ sung kiến thức về tài chính bạn có thể theo học các khóa ngắn hạn do các trường ĐH hoặc các trung tâm tổ chức vào ban đêm.

Ông Đỗ Minh Toàn (bìa trái) đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc.
Ảnh Ngọc Hải

* Hiện tại tôi đang tiến hành tái cấu trúc lại công ty theo mô hình tập đoàn. Đứng trên góc độ là người quản trị tài chính của cả một tập đoàn, tôi rất mong muốn anh/chị có thể tư vấn và giới thiệu cho tôi một mô hình quản trị tài chính mà hiện đang được áp dụng hiệu quả. (xuantruc, 30 tuổi, Nam, Kim ma, Ba dinh, HN, Financial Director)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Mô hình tập đoàn được xây dựng dựa trên rất nhiều yếu tố như văn hóa kinh doanh công ty, chiến lược kinh doanh, nguồn lực và phạm vi hoạt động. Bạn có thể tham khảo các mô hình tập đoàn tài chính của các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... hoặc các tập đoàn tại Việt Nam để có ý tưởng xây dựng tập đoàn cho mình. Có thể nói qua các mô hình tập đoàn của nhiều nước thường có nhiều điểm khác nhau do mục tiêu và chiến lược kinh doanh khác nhau, xuất phát điểm của các công ty khác nhau. Ví dụ như tập đoàn Citi Group và tập đoàn tài chính G.E, hoặc HSBC đều có mô hình tổ chức khác nhau.

* Tôi đã tốt nghiệp ngành Tài chính doanh nghiệp, trường ĐH Kinh tế TP.HCM được 1 năm, hiện nay đang làm tín dụng tại ngân hàng. Với định hướng là trở thành 1 CFO trong tương lai, nhưng tôi lại không biết mình cần có những hành trang gì cho công việc của 1 người làm tài chính. Tôi rất băn khoăn vì công việc hiện nay không áp dụng nhiều kiến thức về tài chính đã được học. Tôi nên bắt đầu nghề tài chính của mình từ đâu? (Binh Minh, 25 tuổi, Nam, HCM, nhan vien)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: CFO của ngân hàng thì khác với CFO cuả một doanh nghiệp sản xuất bình thường. Để trở thành một CFO giỏi chúng ta cần phải có những kiến thức liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp mà mình đang công tác. Giả thuyết là bạn mong muốn trở thành một CFO của ngân hàng, bạn cần phải hiểu biết rõ về các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng; các kiến thức về quản lý rủi ro như rủi ro vận hành, rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng và mô hình tổ chức hoạt động của ngân hàng. Điều này sẽ giúp bạn có thể tính được giá thành sản phẩm, xây dựng được kế hoạch, đưa ra các phương án huy động vốn và sử dụng vốn một cách có hiệu quả.

* Mục tiêu của em là trở thành một chuyên gia tài chính thực thụ. Ngay từ bây giờ, ngoài các kiến thức đang học, em nên trang bị thêm những gì cho mình để có thể vững vàng sau khi ra trường, làm việc trong lĩnh vực này? Làm việc trong ngành tài chính cần phải có những kỹ năng gì mà em có thể rèn luyện từ bây giờ? Em có cần phải đi học thêm gì sau khi ra trường nữa không? Học cao học có thể bồi dưỡng thêm nghiệp vụ tài chính để làm việc trong các doanh nghiệp không? (vì e không thích làm giảng viên) (Khánh Linh, 20 tuổi, Nữ, Khoa Kinh tế-ĐHQG, sinh viên)

- Bà Trịnh Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Tài chính Vietnamworks.com: Tôi cũng đã từng có những suy nghĩ và băn khoăn như bạn khi mới ra trường nhưng trải qua 10 năm kinh nghiệm làm việc của mình thì tôi khuyên bạn nên xác định một cách rõ ràng mục tiêu phấn đấu cho tương lai của mình là gì, mình sẽ trở thành chuyên viên tài chính kế toán, ngân hàng hay chứng khoán? Sau đó bạn hãy quyết định nên học gì để không lãng phí thời gian của chính bạn. Hiện nay có rất nhiều khóa học giúp bạn nâng tầm hiểu biết cũng như được quốc tế công nhận như ACCA, CFA, CPA... Bạn hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định nhé. Bên cạnh đó bạn phải chuẩn bị các kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ, tự tin và quyết đoán trong công việc. Tôi tin là bạn sẽ đạt được điều mong muốn.

Bà Trịnh Thị Thanh Hà đang tập trung trả lời các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Ngọc Hải

* Năm tới tôi sẽ thi đại học và tôi cũng muốn tìm hiểu về ngành tài chính. Tôi muốn hỏi là công việc sau này tôi có thể làm nếu học về ngành này? (Đàm Phương Thảo, 17 tuổi, Nữ, Vũng Tàu, Học sinh)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Có thể nói rộng ra là bạn đang quan tâm đến ngành Kinh tế Tài chính và Ngân hàng. Như vậy, bạn xem các trường ĐH có các khoa liên quan đến các ngành trên như ĐH Kinh Tế, ĐH Ngân hàng.... Bạn có thể chọn các khoa như khoa Kế toán, Tài chính Ngân hàng để theo học. Sau khi tốt nghiệp bạn có thể làm các công việc như sau: kế toán viên trong một doanh nghiệp, kiểm toán viên hoặc là nhân viên kế toán, giao dịch trong một ngân hàng.

* Do làm nhà nước nên hiện tại tôi áp dụng rất ít kiến thức về kế toán doanh nghiệp (trường ĐH Kinh tế), tôi đã làm 02 năm. Hiện nay, với trình độ ĐH, tôi rất muốn làm thêm để giữ kiến thức và để kiếm thêm thu nhập. Rất mong, mọi người cho tôi một góp ý? (trần thị kim hà, 27 tuổi, Nữ, TPHCM, nhân viên phòng tài chính KH nhà nước )

- Bà Trịnh Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Tài chính Vietnamworks.com: Câu hỏi của bạn gồm 2 vế, một là làm sao để có việc làm thêm để giữ kiến thức và thứ hai là kiếm thêm thu nhập. Theo tôi, bạn nên kết hợp 2 yếu tố này là 1 thì sẽ giải quyết được vấn đề của bạn. Thứ nhất, bạn nên tự mình đặt ra kế hoạch để học hỏi thêm nhằm nâng cao kiến thức của mình lên tầm cao hơn như đăng ký các lớp học quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Thứ hai, trau dồi ngoại ngữ, các kỹ năng cần thiết để thăng tiến. Thứ ba, nâng cao tầm hiểu biết bằng cách cập nhật các kiến thức về xã hội, kinh tế. Kết hợp 3 yếu tố này sẽ giúp bạn thực hiện được cả 2 mục tiêu của bạn. Chúc bạn may mắn!

* Em xin hỏi anh Toàn là hiện tại Ngân hàng Á Châu có những chính sách gì trong việc tuyển dụng nhân lực cho ngân hàng. Và các chi nhánh ngân hàng Á Châu tại Nha Trang (Khánh Hòa) hiện nay có nhu cầu về nhân lực không? Nếu có thi thưa anh việc tuyển dụng được diễn ra như thế nào? (NGUYỄN VIỆT DŨNG, 26 tuổi, Nam, NHA TRANG, KHÁNH HOÀ, NHN VIÊN)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Nhu cầu phát triển nguồn lực của ngân hàng là rất lớn. Ngân hàng Á Châu có kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động trong 3 năm tới, do đó ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Tại Nha Trang, Á Châu dự kiến sẽ mở rộng mạng lưới hoạt động của mình từ 2 điểm hiện nay lên 5 điểm trong vòng 2 năm tới. Khi tuyển dụng, ngân hàng thường đăng trên báo địa phương và thông qua trang web www.acb.com.vn. Bạn nên thường xuyên theo dõi để nộp hồ sơ kịp thời.

Các khách mời tham dự chương trình. Ảnh Ngọc Hải

* Học quản trị kinh doanh thì có được làm nghề này không? Và khi còn theo học ở các trường đại học thì những kiến thức của môn tài chính có ảnh hưởng nhiều đến khả năng làm việc sau này không? (Lê Thị Hà, 20 tuổi, Nữ, Hải Phòng, sinh viên)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Học Quản trị kinh doanh có thể làm việc trong một ngân hàng. Các kiến thức ở trường ĐH sẽ giúp cho bạn có những hiểu biết cơ bản về tài chính tuy nhiên trong thực tế ngoài những kiến thức cơ bản đòi hỏi bạn còn cần phải có kinh nghiệm làm việc, các mối quan hệ để giúp công việc được thuận lợi hơn. Như vậy những kiến thức ở trường ĐH sẽ phần nào có ảnh hưởng đến năng lực làm việc của bạn sau này.

* Toi hoc bao hiem nhung rat yeu va dam me chung khoan. Voi nganh toi dang hoc khi ra truong co the xin vao cac cong ty chung khoan lam viec duoc khong? (thao, 22 tuổi, Nam, p3, d3, 145/24 khu pho1, quoc lo 13,p.HBC, thu duc, sinh vien)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Bạn có thể xin vào công ty chứng khoán sau khi tốt nghiệp ĐH. Để chuẩn bị cho công việc tại công ty chứng khoán bạn có thể trang bị thêm cho mình những kiến thức về phân tích tài chính, kiến thức về pháp luật chứng khoán. Chúc bạn thành công!

* Xin cho hoi tinh hinh cua nghe moi gioi chung khoan trong vai nam toi ra sao? Thu nhap co tot khong? (hai nguyen, 26 tuổi, Nam, 37A Huynh Man Dat Q.Binh Thanh, Nhan vien ngan hang)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Tôi tin tưởng hoạt động môi giới chứng khoán trong vài năm tới vẫn tiếp tục phát triển nhưng tính chuyên nghiệp sẽ cao hơn. Người môi giới chứng khoán cần phải có đầy đủ các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp và thuyết phục, kỹ năng phân tích. Thu nhập của người môi giới sẽ được xây dựng dựa trên doanh số mà người đó mang lại cho công ty.

* Em đang là SV năm cuối ngành kế toán, em xin thực tập trong ngân hàng. Như vậy có gặp khó khăn khi chọn đề tài thực tập hay không? (tạ thị lan anh, 22 tuổi, Nữ, 112 dương bá trạc-q1, sinh viên)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Em có thể chọn và xin thực tập ở một ngân hàng trong các lĩnh vực như quan hệ khách hàng, dịch vụ khách hàng, nhân viên giao dịch tài khoản, thanh toán quốc tế, phân tích tín dụng. Các ngân hàng rất hạn chế nhận thực tập tại bộ phận kế toán vì tính chất công việc.

* Lam sao chi Ha co the giu duoc work-life balance nhu hien nay ma van dat duoc dinh cao su nghiep nhu hien nay? (hieu, 23 tuổi, Nam, An Phu q2 hcmc, ke toan)

- Bà Trịnh Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Tài chính Vietnamworks.com: Tôi rất vui khi nhận được câu hỏi này. Theo tôi, đối với một phụ nữ thì gia đình cũng rất quan trọng và sự nhgiệp thì cũng không thể lãng quên. Để đạt được những gì mình muốn theo tôi điều quan trọng nhất là phải biết sắp xếp thời gian, công việc theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý nhất trong khái niệm về cả không gian và thời gian. Kinh nghiệm rút ra từ bản thân tôi là tự mình phải lên kế hoạch cho bản thân, gia đình và sự nghiệp trong cả ngắn hạn (1 năm), trung hạn (2-3 năm) và dài hạn (trên 4 năm). Khi gặp những khó khăn thì phải điều chỉnh kế hoạch của mình một cách linh hoạt nhất để không bao giờ được phép lệch quỹ đạo của chính mình.

* Tôi tốt nghiệp trường DHKTQD. Mặc dù rất yêu thích và muốn được làm việc trong lĩnh vưc tài chính, nhưng do điều kiện tôi đã làm về tài chính, kế toán cho doanh nghiệp 6 năm nay và dự định khoảng 2 năm nữa chuyển sang làm tài chính cho các tổ chức tài chính, như vậy có muộn không? Ihi ấy tôi đã 32 tuổi, tôi thấy các tổ chức thường yêu cầu dưới 30 tuổi. (Hoang Thanh Tung, 30 tuổi, Nam, HN , Ke toan)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Công việc tài chính không tùy thuộc vào tuổi tác mà tùy thuộc vào kinh nghiệm của cá nhân. Như vậy ở tuổi 32, bạn có thể trở thành một người chín chắn cho công việc. Chúc bạn thành công!

* Anh chị có thể giải thích giúp em về công việc của nhân viên tư vấn tài chính. Em là một người rất yêu thích lĩnh vực tài chính và đang đi học. Em cảm ơn rất nhiều. (Nguyen Quynh Nhi, 20 tuổi, Nữ, Da Nang, Sinh vien)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Ở Ngân hàng Á Châu có vị trí nhân viên tư vấn tài chính cá nhân gọi tắt là PFC. Người ngày làm công tác tư vấn tài chính có trách nhiệm giải thích đầy đủ những ưu điểm, tiện ích các sản phẩm tài chính ngân hàng cho khách hàng vì vậy cần phải có kiến thức về các sản phẩm, lĩnh vực mà mình tư vấn.

* Em đang học ngành Tài chính doanh nghiệp hệ văn bằng 2. Với ngành học này em có thể làm việc ở những vị trí nào, cơ quan nào và phải trang bị thêm những kỹ năng gì ngoài lý thuyết được học. (Nguyễn Huệ Linh, 22 tuổi, Nữ, KTQD HN, SV Văn Bằng 2)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Với ngành đang học bạn có thể xin làm việc ở phòng Tài chính kế toán tại các doanh nghiệp hoặc làm bộ phận Tài chính ở ngân hàng. Bạn cần trang bị thêm các kiến thức về kế toán, doanh nghiệp, ngân hàng; các kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động tài chính kế toán và ngân hàng...

* Xin cho em hoi, hien nay de tro thanh mot chuyen vien tai chinh cho mot cty bat dong san thi minh nen hoc nhung gi va hoc o dau? Hien nay em chuan bi tot nghiep ĐH nganh Tai chinh? (phan thanh huy, 24 tuổi, Nam, 1096 huynh tan phat q7, nv Kinh doanh)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu: Đầu tiên bạn cần trang bị các kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS), các kiến thức về kế toán, các phương pháp về huy động vốn cho hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Bạn có thể tham gia học các khóa học ngắn hạn về thẩm định BĐS, các khóa học ngắn hạn về Kế toán Tài chính tại các trung tâm thuộc các trường ĐH.

* Tôi là 1 kỹ sư cơ khí, cho tôi hỏi quý anh/chị là nếu với 1 khả năng của 1 người bình thường về tài chính thì cần làm việc như thế nào và bao nhiêu giờ/1 ngày để có thể thành công trong lĩnh vực tài chính? Tất nhiên là tôi đã có kiến thức cơ bản về tài chính và niềm đam mê cũng như nhiệt huyết cần thiết. (trần mạnh trung, 24 tuổi, Nam, 88 số 19 khu phố 4 phường linh chiểu quận Thủ Đức, Kỹ sư Cơ khí)

- Ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng Giám Đốc Ngân hàng Á Châu: Công việc của người làm tài chính không có giới hạn về số giờ làm việc trong ngày, nó phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và các mối quan hệ... Theo kinh nghiệm cá nhân, khi đã có kinh nghiệm thì bạn sẽ xử lý công việc nhanh hơn.

* Tôi hiện 40 tuổi, đã và đang là Kế toán trưởng Chi nhánh của một cty chuyên sản xuất bút viết tại Nha Trang hơn 7 năm. Nay tôi muốn chuyển sang nghề tài chính. Quý khách mời tham dự chương trình có thể tư vấn cho tôi nên làm gì? Nghiên cứu các loại tài liệu nào? Tham gia các khóa học ở đâu? Và thời gian là bao lâu để có thể chuyển nghề như ý muốn. Hiện có một cty nhà nước chuyên về đầu tư có ý mời tôi về làm việc tại phòng tài vụ của cty này (mức lương chỉ bằng 1/2 hiện tại). Nhưng với ước muốn tham gia tiếp cận nghề tài chính không biết tôi có nên nhận lời hay không? Rất mong sự góp ý của các bạn. (Huynh Trung Binh, 40 tuổi, Nam, 36/9B Dong Nai - Nha Trang, Ke Toan)

- Bà Trịnh Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Tài chính Vietnamworks.com: Chào anh Bình! Theo tôi, tuổi tác không phải là vấn đề đối với một người đàn ông trong việc phát triển sự nghiệp của mình. Ngành Tài chính kế toán ngày nay không còn chỉ bó hẹp trong các số liệu, báo cáo kế toán mà còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự thành bại của một doanh nghiệp. Chính vì vậy các khóa học về Tài chính kế toán cũng rất đa dạng. Tôi nghĩ anh có thể đăng ký các khóa học ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại các trung tâm ở các trường ĐH Tài chính trong nước cũng như ở các trung tâm đào tạo nước ngoài như: bộ phận đạo tạo của Navigos Group; Trung tâm Hoa Sen, Peace... Nếu tôi là anh tôi sẽ không ngại chớp lấy cơ hội này để phát triển sự nghiệp của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư. Chúc anh may mắn!

* Năm nay em tôi học lớp 12, tôi định hướng cho nó thi vào ngành Tài chính Ngân hàng hoặc ngành Toán - Kiểm toán của Trường Đại học Ngân hàng, xin chương trình hướng dẫn rõ hơn giúp tôi về 2 ngành học này: về những kiến thức của ngành học, những nơi có thể làm việc sau khi tốt nghiệp... Xin cho tôi hỏi thêm: một người không được lanh lợi lắm (hiền, ít nói) hoạt động trong lĩnh vực tài chính liệu có phù hợp không! Cảm ơn chương trình rất nhiều! (hothithienkim, 24 tuổi, Nữ, Tiền Giang, kỹ sư)

- Bà Trịnh Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Tài chính Vietnamworks.com: Hai ngành Ngân hàng và Kiểm toán sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức chuyên sâu về ngân hàng và kiểm toán. Đối với ngành Kế toán Kiểm toán sau khi tốt nghiệp bạn có thể xin được việc làm tại các công ty kiểm toán trong nước và quốc tế. Nhu cầu về kiểm toán viên hiện nay rất cao. Với một số năm kinh nghiệm ở các công ty kiểm toán bạn sẽ có một cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính của một công ty và rất dễ xin việc làm. Đối với ngành ngân hàng, bạn sẽ đi chuyên sâu vào chuyên môn nghiệp vụ của ngân hàng, kinh doanh tiền tệ. "Hiền, ít nói, không được lanh lợi" không phản ánh được người đó phù hợp với công việc nào. Điều quan trọng là người đó yêu thích công việc nào, năng lực của người đó đến đâu và phấn đấu như thế nào để đạt được mục tiêu của mình.

Thanhnien Online
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.