Phản hồi từ phát biểu của một “nhà dân chủ” vừa sang Mỹ chữa bệnh

29/10/2005 00:57 GMT+7

Vừa qua, ông Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, người được phương Tây gọi là “nhà dân chủ”, là "nhân vật bất đồng chính kiến" của Việt Nam sang Mỹ chữa bệnh. Nhân dịp này, dưới sự bảo trợ của một số tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam, ông Chính đã ráo riết tiến hành nhiều hoạt động bài bác Đảng Cộng sản Việt Nam và tuyên truyền xuyên tạc tình hình đất nước. Ông Chính đã đến phát biểu tại Đại học Harvard và đặc biệt là đã ra "điều trần" trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ để "nêu ra những vụ đàn áp tôn giáo, khủng bố tàn bạo ở Việt Nam”.

Tại Đại học Harvard, sau khi phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin bằng những luận điệu cũ rích, ông Hoàng Minh Chính đã xúc phạm trắng trợn đến toàn thể nhân dân của mình khi phát biểu: "Tóm lại, ngân sách Nhà nước oằn lưng ra mà nuôi béo đảng và các bộ máy tổng thể của nhà nước, để cốt giữ cho vững được cái nhà tù lớn là nước cộng hòa XHCN Việt Nam và cốt sao để tù nhân các loại gồm 80 triệu con người cam phận là tù nhân nô lệ...". Ông ta còn gián tiếp kêu gọi nước ngoài không đầu tư vào Việt Nam và không cho Việt Nam vay vốn phát triển bằng một kết luận hồ đồ rằng các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển (ODA) "chẳng qua thực chất là làm đầy túi tham của đảng cộng sản và chính quyền".

Xin hãy nghe một số thính giả của đài BBC (trích dẫn từ trang web BBC Việt ngữ) bình luận về những lời phát biểu về "dân chủ" của ông Hoàng Minh Chính:

"Tôi đang sống tại Việt Nam và không hề biết được là nước mình không có tự do tôn giáo. Tôi thật bất ngờ vì đọc được những dòng này từ bài phát biểu của ông H.M.C vì xung quanh tôi, từ khi tôi ở Bắc rồi vào Nam, tôi chưa hề thấy một trường hợp nào không được tự do theo đạo mình thích. Mọi người có thể thoải mái theo đạo Phật, đạo Chúa, Cao Đài, đạo Hồi mà không hề gặp khó khăn, trở ngại nào từ phía chính quyền cả. Còn về tự do báo chí, ở nước nào cũng vậy thôi, tự do cũng phải theo một khuôn khổ nhất định. Chứ ai cũng cho là mình có quyền tự do muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm mà gây ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, của xã hội thì cũng không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ mọi người nên nghĩ, nên đóng góp làm sao để Việt Nam phát triển là điều quan trọng nhất hiện nay". (một bạn đọc không nêu tên)

"Tôi ở Sài Gòn, thế hệ sau 1975. Tôi cũng như những người thanh niên khác cùng trang lứa không có thì giờ quan tâm về chính trị, công việc + giải trí chiếm hết thời gian... Nếu bạn đi uống cà phê hay bia mà đem chuyện chính trị ra tranh luận..., người ta sẽ tưởng bạn từ trên trời rơi xuống. Hôm nay vô tình vào BBC.co.uk ngạc nhiên quá, ông Hoàng Minh Chính là ai thế nhỉ, ở SG gần 30 năm có thấy vụ bắt bớ hay biểu tình gì đâu?". (một bạn đọc không nêu tên)

"...Ông Chính đi chữa bệnh thì ít mà đi qua đó để bêu xấu nhà nước Việt Nam hiện tại thì nhiều. Nếu nước Mỹ mà không cho Việt Nam vào WTO hoặc là ra điều kiện cao và khắt khe cho Việt Nam, hoặc sẽ thêm một số bang của Mỹ hạn chế nhập khẩu hàng Việt Nam thì chắc ông Chính và một số người như ông sẽ mừng. Chỉ khổ cho những người dân thường chưa được hưởng thành quả của cuộc “cách mạng dân chủ” như ông Chính tiến hành thì sẽ phải gánh hậu quả ngay tức khắc đối với đời sống sản xuất kinh doanh của họ". (Huy Quang)

"...Khi các bạn tôi từ các nước Úc, Mỹ về Việt Nam, chúng tôi thoải mái đi chơi khắp nơi, thoải mái bàn luận về các vấn đề tôn giáo, chính trị, kinh tế... mà ơn trời cho đến giờ này vẫn chưa có ma nào bị theo dõi hay thủ tiêu hết. Tôi cũng chưa thấy ai bị đàn áp hay bắt bớ vì theo một tôn giáo nào cả, dĩ nhiên đây là tôn giáo thuần túy, chứ còn lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị hoặc mục đích nào khác thì đó cũng không phải là tôn giáo đích thực. Thế nên tôi nghĩ bây giờ nên để thời gian mà học tập, làm việc cho xã hội tiến bộ, xã hội mà tiến bộ thì tất nhiên sẽ có dân chủ, đừng có suốt ngày kêu gào, rên la về những điều tưởng tượng nữa, vì chúng tôi, những người đọc nó, chỉ còn biết than rằng "xưa rồi Diễm ơi”. (một bạn đọc ở TP.HCM không nêu tên)

"...Mà tại sao chuyện dân chủ hay không là chuyện nội bộ của Việt Nam mà ông H.M.C lại đi "điều trần" trước một ủy ban hạ viện Mỹ? Ông có thấy nhục không? Ông làm như vậy là tự nhiên cho một nước ngoài quyền quyết định đúng sai ở Việt Nam sao? Việt Nam đâu phải là một tiểu bang của Mỹ và ông H.M.C đâu phải là một công dân Mỹ? Ông H.M.C có nhớ lần cuối cùng Mỹ can thiệp vào Việt Nam thì chuyện gì đã xảy ra không? Ông có nhớ rằng “lòng thương người Việt Nam” của Mỹ giết chết 2 triệu người và 8 triệu tấn bom đạn trên quê hương Việt Nam không? Cho tới ngày hôm nay vẫn còn người Việt Nam chết vì bom đạn dư thừa và sống ngắc ngoải vì chất độc da cam do người Mỹ yêu chuộng tự do để lại. Tại sao ông không "điều trần" về chuyện đó xem họ có đếm xỉa không?". (Hai, Garden Grove, USA)

"...Với những ý kiến cay cú, thiếu khách quan như thế này, ông H.M.C sẽ chẳng thuyết phục được đại đa số nhân dân Việt Nam, nhất là những người ôn hòa. Dân chủ và tự do thì ai cũng hoan nghênh, nhưng cần có lộ trình hợp lý để đạt được nó, trong khi vẫn giữ vững được những ưu việt của thể chế hiện tại (an ninh, ổn định, kinh tế phát triển...). Tôi cũng chẳng phải không có mắt mà không thấy những nhược điểm của xã hội Việt Nam hiện tại cũng như những điều bất cập, chưa thể giải quyết thấu đáo của CNCS. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn, tôi tin đại đa số dân Việt Nam chọn cái tốt hơn cho họ, có nghĩa là duy trì sự cải cách từng bước đang được thực hiện khá thành công ở Việt Nam do Đảng CS lãnh đạo. Nếu đi hỏi dân ở Việt Nam là họ có cảm thấy họ sống giống nô lệ không, họ sẽ nhìn bạn như một thằng điên. Vu khống một cách thiếu khách quan như thế, thử hỏi ông Chính định nói cho sướng miệng hay do trình độ nhận thức có vấn đề, hoặc giả có động cơ gì khác?". (Quoc An, Ha Noi)

"Trong quá trình xây dựng đất nước, có lẽ không một quốc gia nào trên thế giới không phạm phải những sai lầm bên cạnh những thành tựu đạt được. Quá trình để có một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh không phải có thể đạt được trong một sớm một chiều, nhất là tại Việt Nam, một quốc gia mới đứng dậy từ những kiệt quệ của chiến tranh, cuộc chiến hơn 1/4 thế kỷ nhằm giải phóng dân tộc, thống nhất lãnh thổ quốc gia. Thật đáng xấu hổ cho ông H.M.C, ông đang đi ngược lại những gì mà toàn dân đang nỗ lực cho cải cách đất nước về mọi mặt. Nếu tôi là người Mỹ tôi sẽ phỉ báng vào những điều ông H.M.C đang làm - một sự phản bội. Không biết ông có biết rằng, rất nhiều quốc gia châu phi, châu Á, thậm chí ngay cả một số nước châu u mong muốn có một sự ổn định, phát triển đều đặn như Việt Nam hiện nay... Tại sao ông phải ra quốc hội Mỹ để bôi nhọ Tổ quốc mình, có phải ông muốn "cõng rắn cắn gà nhà"? Thật tồi tệ và nhục nhã khi dân tộc Việt có người con như ông". (Datanla, Dalat)

"...Ông H.M.C đã nói rằng, nếu chấp nhận cuộc sống hiện nay cũng có nghĩa là chấp nhận một cuộc sống nô lệ. Nghe câu này có lẽ một đứa trẻ cũng không thể đồng tình với ông H.M.C được. Ông không thể đem suy nghĩ của mình rồi áp đặt cho tất cả mọi người dân Việt Nam. Tôi nói thật, kính thưa ông H.M.C là chúng tôi, những người sống ở Việt Nam, là những sinh viên, không phải là tầng lớp nông dân hay lao động chân tay như ông nói, chúng tôi không hề cảm thấy một chút xíu gì của "cuộc sống nô lệ" cả". (một sinh viên)

Có lẽ không cần tốn nhiều giấy mực để bình luận về những phát biểu của ông Hoàng Minh Chính. Dĩ nhiên Việt Nam vẫn còn là nước nghèo, việc lãnh đạo và quản lý đất nước còn nhiều khiếm khuyết, xã hội còn không ít tiêu cực, thậm chí còn nhiều tệ nạn. Mọi người Việt Nam, trong nước cũng như ở nước ngoài, bằng trách nhiệm và lòng chính trực của mình, cần góp công góp sức xây dựng, khắc phục, chỉnh đốn để đưa đất nước phát triển nhanh hơn. Nhưng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau hơn 30 năm xây dựng là không ai có thể phủ nhận được, không ai có thể xuyên tạc được. Chưa đầy 10 năm đã có 20 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói, đó là nhận xét của cộng đồng quốc tế, thông qua Chương trình phát triển Liên hiệp quốc và Ngân hàng thế giới về công cuộc đổi mới của Việt Nam. Các tổ chức này cũng khẳng định thành tựu đó là ngoạn mục, là khó có nước nào trên thế giới đạt được. Đó là thực tế, là biểu hiện rõ nhất của dân chủ, của quyền con người trong chế độ này. Tiếc rằng những người như ông Hoàng Minh Chính không muốn thấy điều này. Tiếng nói của họ không và sẽ không bao giờ là tiếng nói của người dân Việt Nam.

Hoàng Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.