Càng kéo dài, thiệt hại càng nhiều !

21/11/2008 00:08 GMT+7

Theo tính toán của những người trong cuộc, dự án trên mảnh đất này chậm triển khai, mỗi tháng các doanh nghiệp (DN) thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng.

Bắt đầu từ tháng 3.2008, vụ tranh chấp giữa hai DN địa ốc là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Thanh Bình (Công ty Thanh Bình) và Công ty cổ phần phát triển nhà Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh) về một khu đất rộng hơn 15.000m2 tọa lạc tại P.Tân Hưng, Q.7 (TP.HCM) đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Một số cơ quan chức năng của TP.HCM đã vào cuộc nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Hai hướng lập luận ngược chiều

Ngày 10.11.2007, Công ty Thanh Bình được UBND TP.HCM chấp thuận địa điểm đầu tư dự án chung cư cao tầng trên lô đất rộng khoảng 35.000m2 tọa lạc tại P.Tân Hưng, Q.7. Lô đất này tạm chia thành 3 khu, gồm khu I, khu II và khu III. Theo báo cáo của Công ty Thanh Bình gửi cơ quan chức năng, công ty đã thỏa thuận đền bù được hơn 19.300m2, trong đó đã đền bù gần xong khu I với diện tích hơn 17.300m2, còn khu II đã đền bù được 145/15.000m2 (gần 1%).

Ngày 19.3.2008, Công ty Thanh Bình phát văn bản phản ánh có tình trạng Công ty Hoàng Anh mua bán, sang nhượng trái phép đất trong khu II thuộc dự án mà họ được UBND TP chấp thuận địa điểm đầu tư.

 Ông Dương Phương Long, Giám đốc Công ty Thanh Bình tiếp tục khẳng định Thanh Bình vẫn luôn "mở cửa" để trao đổi, hợp tác với Hoàng Anh trên tinh thần hai bên đã thống nhất trước đây.

Báo cáo cơ quan chức năng, Công ty Hoàng Anh khẳng định do có nhu cầu xây dựng văn phòng nên đã thỏa thuận chuyển nhượng đất của người dân. Trong thời gian đó, công ty không hề biết phạm vi ranh đất mình chuyển nhượng lại được UBND TP thuận địa điểm cho Công ty Thanh Bình đầu tư. Vì vậy, từ tháng 3.2007 đến 2.4.2008, Công ty Hoàng Anh đã chuyển nhượng được gần 13.000m2, trong đó có hơn 8.000m2 đã ra công chứng và đã lập xong thủ tục đăng bộ (không hề gặp bất kỳ một trở ngại nào).

Đến ngày 27.2.2008, Công ty Hoàng Anh làm văn bản gửi UBND Q.7 xin được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao ốc văn phòng cho thuê. Nhưng, do khu đất này nằm hoàn toàn trong khuôn viên khu đất mà UBND TP đã thuận địa điểm đầu tư cho Công ty Thanh Bình nên UBND Q.7 không thể xem xét đề nghị của Công ty Hoàng Anh...

Công ty Thanh Bình lập luận rằng DN mình đã xin phép thực hiện dự án theo đúng quy trình của TP, bắt đầu từ việc xin thuận địa điểm và tiến đến đền bù, lập quy hoạch chi tiết. Công ty Hoàng Anh đã tự sang nhượng, lại còn san lấp, rào chắn khi chưa có giấy phép xây dựng là trái quy định.

Công ty Hoàng Anh thì đưa ra lý lẽ: thời điểm họ bắt đầu nhận chuyển nhượng QSDĐ của các hộ dân Chính phủ chưa ban hành Nghị định 84 nên cũng chưa có Thông tư liên tịch số 14 năm 2008 hướng dẫn một số điều Nghị định 84. Các quy định pháp luật liên quan mà Hoàng Anh áp dụng tại thời điểm đó là Luật Đất đai 2003, Nghị định 181 năm 2004, Thông tư 01 năm 2005 hướng dẫn Nghị định 181 và Quyết định số 138 năm 2004 của UBND TP.HCM về thủ tục giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn TP. Trong thời gian Hoàng Anh đang tiến hành nhận chuyển nhượng thì Nghị định 84 được ban hành và có hiệu lực nhưng cũng không có quy định nhà đầu tư phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi nhận chuyển nhượng QSDĐ thực hiện dự án.

Sau khi Công ty Hoàng Anh hoàn tất việc nhận chuyển nhượng QSDĐ thì Thông tư liên tịch số 14 năm 2008  được ban hành và có hiệu lực. Đồng thời UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 19 thay thế Quyết định số 138. Đến thời điểm này thì hai văn bản trên mới có điều khoản quy định nhà đầu tư phải xin chấp thuận địa điểm đầu tư trước khi nhận chuyển nhượng QSDĐ để thực hiện dự án. Để chứng minh cho lập luận của mình, Công ty Hoàng Anh dẫn chứng một số giấy chứng nhận QSDĐ và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nằm trong dự án đã được đăng bộ sang tên qua Công ty Hoàng Anh trước ngày Công ty Thanh Bình được chấp thuận địa điểm... 

Vụ việc trở nên phức tạp khi có một số cơ quan ngôn luận chú ý đến với 2 hướng lập luận ngược chiều nhau.

Bao giờ sự việc mới kết thúc?

Ngày 18.4.2008, tại buổi giải quyết khiếu nại của Công ty Thanh Bình, căn cứ vào những cứ liệu do đôi bên cung cấp và thực tế đã xác minh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM đã đề nghị 2 công ty nên “thỏa thuận về phương án bồi thường, chuyển  nhượng QSDĐ hoặc cùng hợp tác đầu tư trong thời hạn 1 tháng”.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Anh, khẳng định: “Công ty Hoàng Anh rất thiện chí trong việc giải quyết những vướng mắc của vụ việc, sẵn sàng sang nhượng lại phần đất do Hoàng Anh sở hữu theo đúng giá đã mua kèm chi phí vốn hoặc mua lại tất cả số đất của Công ty Thanh Bình cũng theo điều kiện như vậy”. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Dương Phương Long, Giám đốc Công ty Thanh Bình tiếp tục khẳng định Thanh Bình vẫn luôn “mở cửa” để trao đổi, hợp tác với Hoàng Anh trên tinh thần hai bên đã thống nhất trước đây.

Như vậy là đã rõ, về mặt quan điểm, cả hai phía đều đồng thuận cùng hợp tác, vấn đề còn lại là điều kiện hợp tác làm sao để đảm bảo quyền lợi của DN mình. Trong văn bản mới nhất ký ngày 21.10 của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT trình UBND TP.HCM đã nhận định: “Trong trường hợp cụ thể của Công ty Thanh Bình và Công ty Hoàng Anh, đã cùng chuyển nhượng QSDĐ với các hộ dân từ đầu năm 2007.

Công ty Thanh Bình đã nhận chuyển nhượng gần như toàn bộ đất khu I, Công ty Hoàng Anh nhận chuyển nhượng gần như toàn bộ khu II. Hai khu đất tách rời và đều bảo đảm kết nối hạ tầng chung. Về quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND Q.7 đã xác định khu I chức năng căn hộ, khu II chức năng văn phòng, thương mại đúng theo mục đích của hai công ty” và đề xuất: “Chấp thuận về chủ trương cho Công ty Hoàng Anh được đầu tư dự án tại khu II với chức năng văn phòng, thương mại. Điều chỉnh Văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư ngày 10.11.2007 cho Công ty Thanh Bình theo hướng công ty được đầu tư dự án khu chung cư cao tầng tại khu I”.

Thiết nghĩ cách xử lý của Sở TN-MT TP.HCM là thấu tình đạt lý, và cả hai công ty cần sớm đưa khu đất vào phục vụ dân sinh.

“Công ty Hoàng Anh rất thiện chí trong việc giải quyết những vướng mắc của vụ việc, sẵn sàng sang nhượng lại phần đất do Hoàng Anh sở hữu theo đúng giá đã mua kèm chi phí vốn hoặc mua lại tất cả số đất của Công ty Thanh Bình cũng theo điều kiện như vậy”.

Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức

Hữu Phú - Lê Anh Đủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.