Thu nợ kiểu… cưỡng đoạt !

06/12/2007 01:10 GMT+7

Một công ty nhà nước đi thu nợ bằng cách huy động đông người đến nhà kho trong rẫy bốc đi hàng tấn cà phê mà không có mặt chủ rẫy. Chủ rẫy đã làm đơn tố cáo đây là "hành vi cướp tài sản".

Theo tố cáo của bà Đào Thị Liên, hiện ở tại 40/2 Y Ngông, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk): Vào lúc 8 giờ ngày 14.11, một toán khoảng 30 người tay cầm gậy gộc, roi điện cùng đi trên xe ô tô tải biển số 47P-0383, dùng kìm cộng lực phá khóa cổng xông vào nhà kho trong rẫy của bà Liên tại xã Băng Ađrênh (huyện Krông Ana, Đắk Lắk). Toán người này khống chế những người làm ở đây, mở kho bốc toàn bộ cà phê nhân trong kho và cà phê đang phơi trên sân chất lên xe tải chở đi. Theo bà Liên, số cà phê của gia đình bà bị lấy đi khoảng 6 tấn, trị giá gần 150 triệu đồng. Trong số những người đến "bốc" có các ông Nguyễn Văn Hải, Vũ Lôi Phong và một số người thuộc Công ty sản xuất - kinh doanh tổng hợp (SXKDTH) Krông Ana, một doanh nghiệp Nhà nước đóng ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.

Ngày 5.12, chúng tôi đã làm việc trực tiếp tại Công ty SXKDTH Krông Ana để tìm hiểu vụ việc. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó giám đốc công ty, cho biết: Công ty được tỉnh giao quản lý hơn 700 ha đất làm cà phê với gần 500 hộ liên kết trên địa bàn xã Băng Ađrênh, huyện Krông Ana. Ông Lê Đình Trị Lê, chồng bà Đào Thị Liên, cũng đã ký 2 hợp đồng nhận liên kết với công ty tổng cộng 5,16 ha. Theo hợp đồng, bên nhận khoán (ông Lê) mỗi năm nộp cho Công ty SXKDTH Krông Ana 200 kg cà phê nhân/ha. Bên công ty có nghĩa vụ đầu tư làm đường, san ủi, thiết kế đồng ruộng, hoặc vật tư, phân bón theo thỏa thuận. Ông Hiền cho rằng: tính đến năm 2007, ông Lê còn nợ công ty 3.323 kg cà phê nhân và 24,7 triệu đồng tiền đầu tư. Công ty đã nhiều lần gửi giấy báo nợ nhưng ông Lê không thực hiện, buộc doanh nghiệp phải dùng đến "kế sách" huy động đông người đi "thu nợ" vào ngày 14.11. Khi được hỏi căn cứ vào đâu để công ty hành xử theo kiểu "cưỡng đoạt" nói trên, ông Hiền viện dẫn Chỉ thị số 11/2007/CT-UBND ngày 25.9.2007 của UBND huyện Krông Ana "về việc bảo vệ sản phẩm cà phê, ca cao, cao su và công tác thu thuế, thu nợ, mua, bán sản phẩm cà phê, ca cao vụ 2007-2008". 

Tuy nhiên, theo Chỉ thị 11 trên, UBND huyện Krông Ana chỉ cho phép doanh nghiệp thu nợ bằng quả tươi tại vườn cây; nếu đối tượng cố tình dây dưa, không thực hiện cam kết theo hợp đồng thì doanh nghiệp lập hồ sơ gửi về UBND huyện để có biện pháp cưỡng chế theo quy định của Nhà nước. Như vậy, việc Công ty SXKDTH Krông Ana tự ý tiến hành thu nợ bằng cà phê nhân đang giữ trong kho và phơi trên sân của hộ liên kết có phải đã vượt quá giới hạn cho phép của chính quyền huyện và chính là hành vi cưỡng đoạt?

Được biết, đơn tố cáo của bà Liên gửi cho Công an huyện Krông Ana đề nghị xử lý "hành vi cướp tài sản" của Công ty SXKDTH Krông Ana đã không được cơ quan công an thụ lý mà gửi về lại cho công ty này giải quyết. Vụ việc có khả năng diễn ra tranh chấp dằng dai giữa hộ liên kết và Công ty SXKDTH Krông Ana. Cách đây 2 năm, ngày 29.12.2005, lấy lý do thu nợ, Công ty SXKDTH Krông Ana cũng đã cho người đến cạy kho trong rẫy của gia đình ông Lê và bà Liên, lấy đi hơn 2 tấn cà phê nhân. Ông Lê đã gửi đơn đến Công an huyện Krông Ana đề nghị điều tra làm rõ vụ việc. Trong "Báo cáo kết quả xác minh" của Công an huyện Krông Ana ngày 9.4.2006 đã xác định: "theo quy định, các doanh nghiệp chỉ được thu tại lô rẫy cà phê, nhưng một số cán bộ công ty không tuân thủ quy định đã cạy kho của anh Lê là sai...". Thế nhưng, Công an huyện lại cho rằng: "việc thu nợ là cho tập thể của công ty, vì vậy không đủ căn cứ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản"(!?). 

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc kiên quyết thu hồi nợ cho Nhà nước, nhưng kiểu thu hồi nợ nêu trên rõ ràng là vi phạm pháp luật.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.