Tết này, giá mai sẽ tăng!

23/12/2005 22:47 GMT+7

Những ngày cuối năm, trời Sài Gòn vẫn mưa dai dẳng. Vùng ngoại ô của thành phố phải chịu cảnh òng ọc nước suốt ngày đêm. Trong vườn mai của gia đình bác Tư Ai, một cụ già đang cặm cụi nhổ từng đám cỏ mọc um tùm trên lớp đất nhão nhoẹt. Bỗng cụ già ngừng tay, thở dài: "Năm ngoái giờ này đã bán hơn cả trăm gốc, còn năm nay…".

Không riêng gì vườn mai của bác Tư Ai, những ông chủ vườn ở đường Kha Vạn Cân, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM cũng than thở rằng thời tiết năm nay quá khắc nghiệt đối với vườn mai của họ. Chúng tôi vào vườn mai của gia đình anh Oanh. Bước vào vườn mà chẳng khác nào lội dưới đám ruộng. Anh và một người thợ làm vườn đang cặm cụi ghép mai. Anh có vẻ dè dặt khi nói về vườn mai của mình. Bắt đầu trồng mai từ những ngày đầu mới giải phóng, tới nay anh cũng đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng, theo anh thì chưa năm nào thời tiết bạc bẽo với những nông dân trồng mai như thế này. Thị trường tiêu thụ chính của làng mai này là khu vực phía Bắc. Nhưng với những trận rét đậm như thời gian qua, những chậu mai trong các khu vườn cứ nằm ì một chỗ, chưa thấy vị khách nào tới rước.

Ra khỏi vườn của anh Oanh, chúng tôi gặp một phụ nữ thấp bé đang cố "lê" cái bình phun thuốc cao gần tới đầu vào trong vườn. Khó khăn lắm anh chủ vườn mới đồng ý cho vào. Và cũng khó khăn lắm anh mới thổ lộ: "Đây này, cả mấy trăm gốc chết vì thuốc". Quả thật, những chậu mai của anh chưa tới nỗi chết nhưng nó cũng đã "hết hơi". Anh bức xúc mà rằng, thấy sâu nhiều thì phun thuốc, nhưng vừa phun xong thì trời lại mưa, thuốc trôi hết rồi còn gì! Vốn bỏ ra không ít, giờ đây bị dịch sâu tàn phá, mai cứ chết dần chết mòn.

Ông chủ của ba vườn mai lớn nhất làng mai này là bác Phạm Văn Trọng, mọi người gọi bác bằng cái tên thân mật là bác Hai. Bác Hai niềm nở dẫn chúng tôi đi xem hết ba vườn mai. Gia đình bác đã trải qua 2 đời trồng mai. Cha của bác là nghệ nhân chơi mai nức tiếng một thời. Có lẽ vì thế mà vườn mai của bác Hai vẫn mơn mởn như không hề biết đến các nạn dịch đang đe dọa. Khi chúng tôi thắc mắc thì bác Hai ngửa mặt kêu trời cười kha khả: "Chậu nào hư, vứt riêng một chỗ rồi". Theo bác Hai thì tình trạng mai sần đi không phải chủ yếu do sâu hại. Có những chủ vườn thấy phun thuốc hoài sâu vẫn không chết. Tức quá, ra chợ tìm kiếm những loại thuốc mạnh hơn. Nhiều người vớ phải những lọ thuốc "chợ nổi" nhập lậu từ Trung Quốc về, phun được vài ngày thì cây mai có dấu hiệu "ngoẻo". Những chậu mai bị nhiễm bệnh được bác Hai để riêng một khu và có chế độ chăm sóc đặc biệt để mong cải thiện được chút nào hay chút ấy. Con trai bác Hai cho biết, vốn bỏ ra để mua một gốc mai không phải là nhỏ, vì thế có một số chủ vườn cố vớt vát bằng cách bán những gốc mai bệnh này cho "mấy thằng cha ba gác" (lời của một chủ vườn) với giá cực rẻ, 30 đến 50 ngàn đồng một chậu. Những người này sẽ chở đi bán dạo khắp nơi. Một chậu mai khỏe mạnh mua trong dịp Tết cũng phải mất vài triệu trở lên, nay có người chở tới tận nhà rao bán, chỉ cần tiền trăm, thậm chí ở hàng chục cũng có thể tậu được một chậu mai to đùng. Những ai xấu số rước phải loại mai "tịt ngòi" này, nếu chăm sóc đúng cách, sự sống của nó vẫn được duy trì, nhưng nở hoa thì có lẽ phải chờ tới... tết Công-gô (!).

Tết này, giá mai sẽ tăng!

Bảo Thiên - Hải u

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.